Văn hóa - Giải trí

Vững chãi trong đời

15:14, 14/12/2015 (GMT+7)

Sinh ra không biết cha là ai, đến năm lớp 6 thì mẹ qua đời, 7 năm đằng đẵng, Ý sống thui thủi một mình trong căn nhà lọt thỏm giữa rừng núi xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. “Trước giờ sống cực quá rồi nên em phải trở thành kỹ sư như nguyện vọng của má, có cái nghề theo mình tới cuối đời”, Ý nói, rồi vội nhìn lên mái nhà để giọt nước mắt không rơi.

Nguyễn Văn Ý, sinh viên ngành Chế tạo máy, khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.
Nguyễn Văn Ý, sinh viên ngành Chế tạo máy, khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Chàng trai trẻ đầy nghị lực ấy là Nguyễn Văn Ý (18 tuổi), sinh viên ngành Chế tạo máy, khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

“Đời mình đã có má, có chị”

Chưa một lần biết mặt cha và cũng không dám nhắc đến cha, Ý chỉ nghĩ đơn giản: “Chắc má buồn nên không muốn nói tới. Đời mình đã có má, có chị thương là may mắn rồi”. Từ lúc 3 tuổi, Ý đã theo mẹ lên rừng đốn củi. 7 tuổi, Ý có thể tự đốn và vác củi từ rừng về nhà và biết phát nương, làm rẫy.

Kể từ khi má qua đời, người chị cả đi làm công nhân ở thành phố; căn nhà vốn nhỏ bé, không có gì đáng giá ngoài chiếc tủ đựng quần áo nay càng trở nên quá rộng rãi với Ý.

Mỗi tháng, em được nhận trợ cấp 180.000 đồng diện hộ nghèo nhưng em tằn tiện, không dám tiêu pha một đồng, mà tự trồng rau ăn. “Có gì ăn nấy, có bữa ăn cơm với muối đi học là chuyện bình thường”, Ý kể.

Nhà nằm sâu trong núi, không đèn điện. Dù phải mất gần nửa tiếng cuốc bộ đường đồi, đạp xe hơn 10 cây số mới tới được trường nhưng chưa khi nào Ý bỏ học và luôn giữ vững thành tích học tập khá, giỏi.

“Em có biết đồ mới là chi mô. Má may quần áo hồi mô cũng rộng xình để lớn mặc”, Ý hồn nhiên nói. Suốt những năm học THCS, THPT, em chỉ có hai bộ quần tây, áo trắng cũ mèm và chiếc áo gió mỏng manh để đi học.

Những sáng mùa đông, giữa cái lạnh tê tái của sương núi, em cũng chỉ độn thêm 2 hoặc 3 chiếc áo cũ bên trong để giữ ấm. Thật may, trời thương nên chừng đó năm Ý chỉ thỉnh thoảng bị cảm nhẹ, cũng chẳng thuốc thang gì vì tiếc tiền.

Một buổi đi học, một buổi Ý làm nhang thuê. Từ năm lớp 10, mỗi dịp hè, Ý đều ra Đà Nẵng xin phục vụ tại các quán cà-phê để kiếm tiền chuẩn bị năm học mới.

Bám chữ đến cùng

Rắn rỏi, mạnh mẽ là vậy nhưng cũng lắm khi Ý rơi nước mắt khi nghĩ về hoàn cảnh của mình. Nhớ lời má dặn trước lúc ra đi “nhà nghèo nhưng ước mơ không được nghèo”, nên em đã không gục ngã trước số phận.

Nhiều năm nay, em lấy email là phaidaudaihoc010197@... để dặn mình không bao giờ được quên mục tiêu trước mắt. Em còn bảo: “Đây là email may mắn nên em còn dùng dài dài”.

Ngày đi thi ĐH, Ý một mình vượt quãng đường hơn 200km chỉ với vỏn vẹn 400.000 đồng. “Em đâu dám nghĩ mình được học ĐH”, Ý run run nói và cho hay, nhờ có bà con, các mạnh thường quân gần xa giúp đỡ, em có được số tiền nho nhỏ tạm lo cho giai đoạn đầu năm học.

Hiện tại, Ý ở trọ cùng hai người bạn. Tiền trọ mỗi tháng mỗi người 250.000 đồng, thêm 10.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Chừng đó đã là gánh nặng với chàng tân sinh viên này. “Bữa nào hết tiền thì ba đứa mua rau về kho nước mặn mặn ăn cũng qua bữa”, Ý kể. Ở cái tuổi thanh niên nhưng Ý chỉ cao nhỉnh hơn 1,6m với cân nặng 45kg.

Trước mắt, Ý sẽ xin đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trải qua nhiều đau buồn, mất mát, dù đoạn đường phía trước có gian nan đến mấy nhưng Ý vẫn luôn tự nhủ phải bám con chữ đến cùng.

Bài và ảnh: BÌNH AN

.