.

Cần ý thức giữ gìn đình làng

.

Là một trong số ít đình làng được công nhận di tích cấp quốc gia, nhưng đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê) vẫn chưa được quan tâm đúng mức, khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối.

Khu nhà trưng bày các sắc phong, chiếu chỉ mái ngói bị bong tróc, thấm dột.
Khu nhà trưng bày các sắc phong, chiếu chỉ mái ngói bị bong tróc, thấm dột.

Theo các vị cao niên trong làng, làng Thạc Gián được hình thành vào thời vua Trần Nhân Tông mở rộng Châu Ô và Châu Rí và sau này thuộc 1 trong 66 làng của phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau khi thực hiện công cuộc khai khẩn, khai canh, khai cư, cư dân bắt đầu có cuộc sống ổn định; các bậc tiền nhân lúc ấy theo phong tục, tập quán người Việt kêu gọi cư dân xây dựng đình làng.

Vào năm Tự Đức thứ 7 (1854), các bậc kỳ lão trong làng vận động nhân dân kiến tạo lại ngôi đình bằng gạch, mái lợp ngói âm dương. Đình làng tiếp tục được trùng tu hai lần nữa vào năm Duy Tân thứ 3 (1909) và năm Khải Định nguyên niên (tức năm 1916). Tháng 8-2007, đình làng Thạc Gián được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia và được UBND thành phố trùng tu, tôn tạo vào năm 2009, với tổng mức kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm quản lý di sản thành phố nhận định, đình làng Thạc Gián là ngôi đình duy nhất giữ gần như trọn vẹn di sản văn hóa của một làng quê Đà Nẵng xưa. Về kiến trúc, ngôi đình xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái; có khu nhà Hồi hương đấu lưng với đình làng, là nơi hội họp của các bậc kỳ lão, hương thân, chức sắc trong làng khi xưa.

Trước sân đình, có cặp voi phục được xây bằng gạch, vôi vữa chầu vào chính điện. Cạnh đình làng, có miếu thờ âm linh với tấm bia sa thạch ghi bốn chữ Hán “Thạc Gián xã nghĩa trũng” được lập năm Thành Thái thứ 19 (Đinh Mùi - 1907), giúp hình dung dân làng Thạc Gián xưa sống bằng nghể biển. Dáng dấp một làng quê xưa còn thể hiện ở giếng làng đã trên 200 năm, ao sen trước đình...

Đình làng Thạc Gián hiện rộng hơn 2.000m2, lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc tại con hẻm nhỏ, gần ngã 3 Cai Lang. Sự tồn tại của đình làng giữa phố mang lại một vẻ bình yên hiếm có. Tuy nhiên, di tích này chưa phát huy được giá trị vốn có và có dấu hiệu xuống cấp.

Ông Nguyễn N.M., người trông coi đình làng bức xúc: “Người dân xung quanh đây ý thức rất kém đối với di tích mang tầm quốc gia. Họ vứt rác, có khi đổ cả xà bần sang đình làng”.

Chỉ tay lên mái ngói bị bong tróc, thấm dột, ông M. nói rằng nếu không kịp thời sửa chữa sợ mưa lớn làm hỏng các sắc phong. Ông M. còn cho biết thêm, do quá trình đô thị hóa cùng với việc trước đây chưa chú trọng đến quy hoạch vùng di tích, nên hiện có một ngôi mộ vị tiền hiền của làng, đã hơn 100 năm tuổi, nhưng lại nằm trong khuôn viên một nhà dân. Mỗi lần sang đó phải chờ chủ nhà mở cửa mới vào được. “Chúng tôi có xin mở một lối đi riêng vào ngôi mộ, song không dễ dàng gì”, ông M nói.

Trao đổi vấn đề này, bà Phan Thị Hà Bắc, Phó phòng Văn hóa, thông tin quận Thanh Khê cho biết, đã làm việc với UBND phường Chính Gián và người dân trong khu vực đình làng về ý thức giữ gìn cảnh quan đình làng. Riêng đối với việc mở lối đi riêng vào ngôi mộ không có cách nào khác vì là nhà của người dân. Trong khi đó, ông Hồ Tấn Tuấn, khẳng định sẽ đưa di tích đình làng Thạc Gián vào kế hoạch trùng tu nhỏ trong năm 2016.

Đồng thời, ông Tuấn khuyến nghị chính quyền địa phương, dân làng cần có ý thức trong việc gìn giữ di tích đình làng. “Đến đình làng Thạc Gián, có thể hình dung ra làng Thạc Gián, cũng như làng quê Đà Nẵng xưa rất rõ. Tôi cho rằng các cấp, ngành liên quan nên đưa đình làng Thạc Gián thành điểm tham quan cho du khách khi đến Đà Nẵng. Có như thế mới phát huy vẻ đẹp văn hóa đình làng, chứ để như bây giờ thì quá tiếc cho một di tích tầm quốc gia và có giá trị như đình Thạc Gián”, ông Tuấn đề nghị.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.