Văn hóa - Giải trí

Café sáng

Giữ "hồn" cho phố

15:08, 20/02/2016 (GMT+7)

Ngôi nhà là trụ sở một cơ quan trên đường Lê Lợi đã có tuổi thọ trên 100 năm và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Được biết, phía thiết kế xây dựng công trình này cũng đã gửi thông báo hết hạn sử dụng và cần đập bỏ hoặc trùng tu, xây dựng mới để bảo đảm an toàn tính mạng con người.

Nghe đâu, sau khi đập bỏ sẽ xây một trụ sở mới khang trang hơn. Điều này làm tôi không khỏi nuối tiếc về một kiến trúc Pháp cổ xưa ngay giữa lòng thành phố và băn khoăn “không biết khi xây dựng mới, liệu có giữ lại kiến trúc như ban đầu không, hay xây dựng một tòa nhà khác hiện đại hơn”.

Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng, công trình cổ không nhiều và hầu như trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, điển hình như các tòa nhà từng là trụ sở HĐND và UBND thành phố (trước đây là trụ sở Công ty Shell và Tòa Thị chính thời Pháp thuộc), trụ sở Hội LHPN thành phố...

Tôi chợt nghĩ, nếu một ngày nào đó, tất cả các công trình mang giá trị văn hóa và lịch sử này đều bị đập, xây mới hoàn toàn với kiến trúc hiện đại thì thành phố của chúng ta sẽ như thế nào. Những công trình này đã gắn bó với người Đà Nẵng từ những năm đầu thế kỷ XX và lưu giữ rất nhiều dấu ấn kiến trúc cổ đặc sắc.

Xem lại một số bức ảnh về Đà Nẵng xưa với những kiến trúc rất đẹp trên các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú..., tôi tiếc ngẩn ngơ về một số công trình nay không còn nữa. Những công trình này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa của thành phố, “hồn phố” được lưu giữ trên từng mái nhà rêu phong, cổ kính.

Một vị lãnh đạo thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) từng nói: “Để biến cả cánh đồng thành đô thị chỉ mất vài năm. Nhưng biến đô thị thành đồng ruộng là điều không thể”. Điều này thật sự có lý khi mỗi nét bút của các nhà quy hoạch, mỗi hoạch định cho sự phát triển của các nhà quản lý đều ảnh hưởng rất lớn tới việc gìn giữ cái hồn đô thị, tạo nên sức sống trường tồn cho đô thị.

Chú tôi từng có thời gian học tập ở Đà Nẵng sau những năm giải phóng và sau khi trở về quê sinh sống, có lần chú gặp tôi và hỏi: “Nhà trưng bày chứng tích tội ác đế quốc Mỹ bây giờ còn không cháu?”. Tôi thuộc thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh nên cũng không rõ vì chưa bao giờ thấy.

Thỉnh thoảng trên dặm dài tác nghiệp, tôi nghe người dân nhắc ngôi nhà chứng tích này và nuối tiếc khi nghĩ đến giá trị truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ. Trước đây, cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc xây dựng mới Nhà hát Trưng Vương.

Dẫu biết rằng, sự phát triển của đô thị hiện đại đồng nghĩa với việc có nhiều công trình hiện đại mọc lên, nhưng có nhất thiết phải đập và xây mới những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử không khi thành phố vẫn còn nhiều đất trống. “Linh hồn chính là quá khứ”, một triết gia từng viết như vậy khi nhắc về quá khứ của một thành phố.

Các thành phố trên thế giới như Jerusalem, Paris, Bắc Kinh… sở dĩ thu hút mọi người bởi ở đó người ta cố gắng giữ gìn từng cột gãy, từng mảng tường rêu phong, từng góc phố… vốn dĩ làm nên bản sắc của thành phố. Chính di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị đã tạo nên cái hồn cho đô thị ấy.

Trong chiến dịch quy hoạch lại thủ đô Paris vào những thập niên cuối thế kỷ trước, Tổng thống Pháp François Mitterrand nói rằng, “Quá khứ chỉ lưu lại trong đô thị di sản của sự biết toan tính lo liệu trước. Ta hãy tôn tạo nó, vì tương lai không thể tự đến mà ta phải chuẩn bị cho nó… Không có một công trình đền đài nào lại chỉ có mục đích sử dụng đơn thuần. Tất cả các công trình đó đã ghi dấu ấn vào không gian và thời gian một ý tưởng nào đó về sự hữu ích, về cái đẹp, về cuộc sống ở đô thị và cả về mối quan hệ giữa người với người”.

Những ai đã đến Hà Nội sẽ không quên những khoảng không gian tuyệt đẹp với những tỷ lệ vàng giữa các kiến trúc, đường sá, cây xanh quanh hồ, sự nhộn nhịp của khu phố cổ. Còn với Huế, cái hồn của cố đô là sự hài hòa với thiên nhiên, hiền hòa và bình dị. Cái hồn của Hội An là nhờ lưu giữ được những di sản độc đáo của một đô thị cổ…

Mặc dù các đô thị này đều đã trải qua “một thời đạn bom” nhưng đến nay vẫn giữ được hồn phố, chính là nhờ biết trân trọng những di sản văn hóa lịch sử, đặc biệt là những công trình kiến trúc cổ đặc sắc. Một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị là bảo tồn di sản văn hóa được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị, ở đó lịch sử hiện diện qua ký ức đô thị được lưu giữ trong từng ngôi nhà, góc phố. Đó chính là vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai. Điều đó tạo điều kiện cho công chúng tiếp nhận những giá trị lịch sử - văn hóa phong phú và hấp dẫn.

ĐOÀN GIA HUY

.