Văn hóa - Giải trí
Nguyễn Trọng Dũng với Đà Nẵng xưa và nay
Với Đà Nẵng xưa và nay, người ta không còn nhận thấy một Nguyễn Trọng Dũng quá “chi li”, phức tạp với những di sản, những tháp Chàm, những tác phẩm nghệ thuật hoài cổ... khó hiểu. Phản ánh sự thay da đổi thịt từng ngày của Đà Nẵng là đề tài không mới, nhưng qua nét cọ của anh, Đà Nẵng xưa và nay đã được thể hiện phóng khoáng, sắc nét và ấn tượng.
Tác phẩm Đà Nẵng xưa và nay của Nguyễn Trọng Dũng. |
Đà Nẵng xưa và nay vừa được Hội đồng xét thưởng thành phố Đà Nẵng thông qua đề xuất trao giải nhất, Giải thưởng Văn học - nghệ thuật thành phố lần 3, giai đoạn 2010-2014. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 29-3 tới.
Nghệ thuật là sự chắt lọc ấn tượng
Không gian nhà chồ giăng mắc, tối nhợt được đặt đối lập với những tòa nhà cao tầng, những con đường, cây cầu khoáng đạt ửng sáng trong ánh bình minh. Đó là đêm và ngày, là Đà Nẵng xưa và nay. Ở đó, hình ảnh cây cầu Vồng ẩn hiện là trung tâm của câu chuyện Đà Nẵng xưa.
Cây cầu do người Pháp xây dựng từ những năm 40 thế kỷ trước. Cầu Vồng gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều người dân Đà Nẵng, trong đó có Nguyễn Trọng Dũng. Hình ảnh những cô bé, cậu bé vừa hồi hộp, vừa thích thú đạp xe qua cây cầu vừa ngắn, vừa dốc, trước mắt là đường ray xe lửa hiện rõ mồn một trong tâm trí của người họa sĩ khi anh chắp cọ với bức họa này. Tuy nhiên, khi đi vào tác phẩm, với phong cách bán biểu hiện, hình ảnh cầu vồng chỉ hiện lên thấp thoáng, nhưng ấn tượng.
Trong trái tim người nghệ sĩ dạt dào tình yêu quê hương, có quá nhiều thứ để mô tả về Đà Nẵng xưa như bến phà sông Hàn, chợ Cồn, Bảo tàng Chăm, bãi biển thanh bình...; và nay như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý...
Song, theo Dũng, nghệ thuật không thể và không nên là phép cộng thuần túy mà cần được chắt lọc đến tối đa. Vì vậy, phải sau 3-4 lần phác thảo, xóa đi vẽ lại, Dũng đã đưa vào tác phẩm những hình ảnh, màu sắc, ấn tượng nhất. Ngay trong lần đầu tiên trình làng, Đà Nẵng xưa và nay đã đoạt giải C tại Triển lãm mỹ thuật miền Trung - Tây Nguyên năm 2013.
Khi được hỏi rằng, Đà Nẵng xưa và nay có phải tác phẩm mà anh tâm đắc nhất, Dũng không chần chừ mà nói ngay: Các tác phẩm đều như những đứa con tinh thần do anh rứt ruột “đẻ” ra, nên không thể nói tâm đắc “đứa con” nào hơn. Tác phẩm đau đáu luôn ở phía trước, mà ở đó Dũng luôn khao khát ghi lại “tất cả những gì về nơi mình đang sống”.
Và theo anh, chỉ khi sáng tác về những gì đã trải nghiệm, đã sống thực với nó, thì tác phẩm mới đem lại cảm xúc chân thực. Không riêng với mỹ thuật, mà đó là nguyên tắc sáng tác của nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, “không phải cứ muốn là được”, với nghệ thuật thì càng khó.
Như người Hội An chưa chắc đã có những tác phẩm đủ sức lay động về phố cổ quê hương, mà đôi khi lại nhường “duyên” này cho một dấu chân lãng du nào đó, có thể chỉ một lần ghé đến phố Hội, sông Hoài. Cũng như di sản nước ta phong phú là vậy, nhưng để có những tác phẩm hay, đẹp về di sản trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật thì chỉ đếm đầu ngón tay!
Nguyễn Trọng Dũng sinh năm 1962 tại Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh từng tổ chức triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm; tham gia và được tặng nhiều bằng khen, giải thưởng cao tại nhiều triển lãm mỹ thuật thành phố, toàn quốc, khu vực Đông Nam Á. Tác phẩm chính chủ yếu trên nền chất liệu lụa và sơn dầu: Trung thu, Những ô cửa, Tháng ba, Lễ hội cầu ngư, Đôi bờ, Ấn tượng Mỹ Sơn I và II, Sự im lặng màu trắng, Di sản, Đà Nẵng xưa và nay, Những nẻo Hàn... |
Không thể ngồi ở nhà sáng tác
Nói thế không có nghĩa Nguyễn Trọng Dũng sống và vẽ theo kiểu “trời cho”, anh cần mẫn sáng tác, nhiệt tình trong từng trại sáng tác; tham gia góp ý, trăn trở với nhiều công trình thiết kế, những dự án hội họa lớn, nhỏ...
Rồi những chuyến đi từ Bắc chí Nam luôn là cách để anh bồi đắp những chất liệu quý cho tác phẩm của mình, bởi với Dũng, không thể ngồi ở nhà mà sáng tác được. Trong câu chuyện với chúng tôi, Dũng say sưa nói về Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Cà Mau, Vũng Tàu, Côn Đảo, bãi đá Côn Lôn..., kể về những miền đất anh có dịp đi qua, có dịp ở lại.
Anh dừng lại thật lâu kể về những ấn tượng, nhưng rung động mạnh mẽ trong lần anh tách đoàn, ngược về Côn Đảo, trong một trại sáng tác tại Vũng Tàu cách đây không lâu. Dù đã được đọc, được nghe, xem nhiều về nhà tù Côn Đảo, nhưng chỉ khi những cảnh tượng (dù không còn nguyên vẹn, mà chỉ là những dấu vết quá khứ để lại) đập vào mắt, Dũng mới ngộ ra rằng, những hiểu biết trước đây của bản thân về “địa ngục trần gian” này còn quá hời hợt.
Hiện thực dường như đã chạm nơi sâu thẳm nhất của trái tim người nghệ sĩ với nỗi xúc động khó nói hết thành lời, chỉ biết có những giây phút, toàn thân anh run rẩy, mắt ngấn lệ. Kể từ đó, chưa bao giờ Dũng thôi nghĩ về một tác phẩm đặc biệt dành cho Côn Đảo.
Hiện tại, tác giả của Đà Nẵng xưa và nay đang cùng những người tâm huyết dốc sức cho công trình bảo tàng trong lòng tượng Mẹ Thứ. “Đó sẽ là một bảo tàng được trưng bày về xuyên suốt với chủ đề xoay quanh “8 chữ vàng” mà Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam qua các thế hệ. Đây cũng là nơi trưng bày những hiện vật, hình ảnh, ghi danh tượng 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, họa sĩ Trọng Dũng tiết lộ.
Khá hài lòng với những dự định, bước đi của bản thân, Nguyễn Trọng Dũng đang toàn tâm, toàn ý cho sáng tác. Anh cần những tác phẩm ở lại với thời gian, trong lòng người...
Theo đề nghị của Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Liên hiệp và Hội đồng xét tặng giải thưởng Sở VH-TT&DL, Hội đồng xét tặng giải thưởng thành phố vừa công nhận đề xuất tặng Giải thưởng văn học - nghệ thuật 5 năm lần thứ 3, giai đoạn 2010-2014 cho 59 tác phẩm/tiết mục, gồm 6 giải nhất, 16 giải nhì, 21 giải ba và 16 giải khuyến khích. Cụ thể: Các tác phẩm và tiết mục đoạt giải nhất gồm: Điêu khắc gia Olwin (ảnh nghệ thuật) của Hồ Xuân Bổn; Đà Nẵng xưa và nay (tranh sơn dầu) của Nguyễn Trọng Dũng; Công trình Bệnh viện Ung bướu thành phố Đà Nẵng (thiết kế kiến trúc) của nhóm tác giả Phan Đức Hải và Nguyễn Khắc Linh; Con mắt còn có đuôi (phim tài liệu) của nhóm tác giả Huỳnh Hùng, Lê Hoàng Nam, Nguyễn Lê Minh; Minh Sư (tiểu thuyết) của Thái Bá Lợi; nghệ sĩ Phan Văn Quang với 3 vai diễn: vai Lý Công Uẩn trong vở Dời đô; vai Đào Phi Phụng trong vở Đào Phi Phụng; vai Hoàng Diệu trong vở Hoàng Diệu. (Nguồn: Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng) |
THANH TÂN