Văn hóa - Giải trí

Phong phú hoạt động vui chơi, giải trí

08:13, 04/02/2016 (GMT+7)

Dịp Tết Bính Thân năm nay, nhiều sự kiện văn hóa, giải trí sẽ diễn ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu vui xuân của người dân và du khách.

Các trò chơi tại Công viên 29-3 được đầu tư, nâng cấp, kiểm định với chất lượng đảm bảo, an toàn để phục vụ khách du xuân.
Các trò chơi tại Công viên 29-3 được đầu tư, nâng cấp, kiểm định với chất lượng đảm bảo, an toàn để phục vụ khách du xuân.

Điểm nhấn Công viên 29-3

Theo Ban giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, những ngày Tết, Công viên 29-3 luôn trong tình trạng quá tải bởi nơi đây trở thành tâm điểm của các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân thành phố. Năm nay, công tác chuẩn bị kỹ càng với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn sẽ diễn ra từ ngày 7-2 đến ngày 14-2 (nhằm ngày 29 tháng Chạp năm Ất Mùi đến hết mồng 7 tháng Giêng năm Bính Thân).

Tại khu vực sân khấu Chào Xuân 2015 (phía đường Nguyễn Tri Phương) sẽ diễn ra các hoạt động: biểu diễn cờ người, võ thuật cổ truyền Quảng Nam, lân sư rồng chào xuân.

Bên cạnh đó, còn có hoạt động Hội Báo Xuân, trình diễn thể dục dưỡng sinh, chương trình ca múa nhạc hài kịch, hội bài chòi, múa rối nước. Đặc biệt, các sáng mồng 1, 2, 3 (từ 7 - 8 giờ 30), khách du xuân sẽ được 3 ông Phước - Lộc - Thọ chúc xuân, tặng lộc nhân dịp đầu xuân.

Tại mặt tây Công viên 29-3, các gian hàng đủ thể loại trò chơi như: lô tô, ném vòng, ném banh rổ, thảy vòng tô, ném banh ô màu, thảy vòng đinh... để phục vụ du khách. Tại mặt bắc của công viên (phía đường Điện Biên Phủ), dự kiến diễn ra nhiều hội thi như: 1.000 tác phẩm trưng bày và dự thi của bộ môn nghệ thuật hoa viên; các hội thi chim Vành khuyên, chim Chào mào, Búp bê Xuân, tài năng nghệ thuật, hát múa “Em đi trong nắng xuân”...

Bên cạnh đó, nhiều trò chơi, giải trí tại Công viên 29-3 được đầu tư, nâng cấp, kiểm định với chất lượng bảo đảm, an toàn để phục vụ khách du xuân, bao gồm: hoạt động vui chơi trên hồ nước như thuyền thiên nga đạp nước, thuyền rồng; hoạt động vui chơi trên mặt đất như máy bay thủy lực, xe đạp trên không, tàu điện trên không, đu tiên, ô-tô đảo bán nguyệt, sàn quay thú nhún, xe thế năng, thuyền chao, thảm bay, đu bạch tuộc...

Nhiều hoạt động giải trí

Đêm giao thừa (ngày 7-2 dương lịch), chương trình ca múa nhạc Mừng Đảng đón Xuân do Nhà hát Trưng Vương thực hiện tại bờ đông sông Hàn. Giao thừa năm nay, người dân trên toàn thành phố sẽ được thưởng thức màn trình diễn pháo hoa đặc sắc tại 4 địa điểm: cầu Nguyễn Văn Trỗi, sân vận động quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu và Đài Tưởng niệm huyện Hòa Vang.

Liên tiếp từ mồng 1 đến hết mồng 7 Tết, nhiều chương trình nghệ thuật khác sẽ diễn ra như: chương trình văn nghệ Đà Nẵng vào xuân, do Trung tâm Văn hóa thành phố thực hiện vào mồng 6 Tết tại vỉa hè đường Bạch Đằng, đối diện chợ Hàn; chương trình ca nhạc - hài kịch do Nhà hát Trưng Vương thực hiện tại nhà hát vào mồng 5 Tết.

Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức màn trình diễn của vũ đoàn Manipuri tại Công viên Châu Á từ mồng 4 đến mồng 6 Tết. Lễ hội ánh sáng Larue Light up 2016 tại bờ đông sông Hàn (từ 18 tháng Chạp đến mồng 4 Tết).

Từ mồng 10 tháng Giêng, một số sự kiện văn hóa khác diễn ra như: lễ đón thuyền cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 (mồng 10 tháng Giêng), chương trình Âm nhạc đường phố (13 tháng Giêng), biểu diễn kèn hơi (14 tháng Giêng), Đôi chân trần trên biển 2016 (14 tháng Giêng), show phục vụ khán giả xem rồng phun lửa, phun nước (19-21 giờ ngày 13 và 20 tháng Giêng âm lịch).

Ngoài ra, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Văn hóa thành phố, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim tại các địa phương vùng ven Đà Nẵng trong dịp Tết. Tại các quận, huyện, phường, xã, hoạt động văn nghệ, thể dục-thể thao (các trò chơi trẻ em, hát bài chòi, các giải cờ vua, cờ tướng, bóng đá...) cũng được tổ chức trong suốt thời gian Tết nhằm tạo không khí sôi động trên khắp thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.