Văn hóa - Giải trí

Chạy nước rút cho chương trình nghệ thuật Tết

07:51, 01/02/2016 (GMT+7)

Những ngày giáp Tết Bính Thân, diễn viên, ca sĩ của các đơn vị nghệ thuật thành phố như: Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Trung tâm Văn hóa thành phố đang gấp rút chạy chương trình nghệ thuật để phục vụ người dân thành phố Đà Nẵng dịp Tết.

Diễn viên Đoàn ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng luyện tập cho chương trình nghệ thuật Tết.
Diễn viên Đoàn ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng luyện tập cho chương trình nghệ thuật Tết.

Rộn ràng giai điệu mùa xuân

Năm nay, Nhà hát Trưng Vương sẽ thực hiện chương trình ca múa nhạc “Mừng Đảng đón xuân” tại bờ đông sông Hàn vào đêm giao thừa.

Ông Trần Quang Kỳ, Trưởng phòng Tổ chức sự kiện - Nhà hát Trưng Vương cho biết, để mang lại không khí tươi vui, rộn ràng chào năm mới, xuyên suốt chương trình sẽ là những ca khúc về mùa xuân như: Em ơi mùa xuân đến rồi đó, Anh cho em mùa xuân, Nắng có còn xuân, Hạnh phúc xuân ngời, Nắng xuân… Bên cạnh đó là những bài hát ngợi ca quê hương, sức sống của thành phố trẻ: Đất mặn tình quê, Vươn tới tầm cao, Bình minh trên phố… “Đoàn ca múa nhạc thành phố đang gấp rút tập luyện. Công tác dàn dựng cũng được chú trọng để làm sao mang đến đêm nhạc chất lượng phục vụ người dân và du khách”, ông Kỳ nói.

Trong khi đó, chương trình “Đà Nẵng vào xuân” do Trung tâm Văn hóa thành phố thực hiện vào mồng 6 Tết tại vỉa hè Bạch Đằng, đối diện chợ Hàn, hứa hẹn nhiều tiết mục đặc sắc. Ngoài những giai điệu mùa xuân qua các nhạc phẩm: Mùa xuân đầu tiên, Xuân ca, Xuân gặp mặt, là những tiết mục khá mới mẻ như: hát văn, hiphop, trình diễn thời trang…

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mang đến chương trình giải trí dịp Tết này bằng các vở tuồng cổ và biểu diễn nghệ thuật múa rối nước. Những ngày này, các diễn viên cũng tranh thủ tập luyện, tiếng trống, tiếng đàn rộn ràng nơi góc phố đường Phan Châu Trinh.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, từ đêm giao thừa đến 11 tháng Giêng âm lịch, lịch diễn của nhà hát hầu như kín. Đặc biệt, niềm vui của diễn viên nhà hát là những đêm diễn phục vụ bà con vùng ven Đà Nẵng, nơi mà hoạt động giải trí còn khá ít ỏi nhưng nghệ thuật tuồng được người dân đón nhận nồng nhiệt.

Vui xuân trên sân khấu

Dịp Tết là thời điểm sum vầy bên gia đình, nhất là đối với những người xa quê. Nhưng với những diễn viên, ăn Tết cùng gia đình là chuyện hiếm.

Diễn viên Đỗ Trung Tám (SN 1980, quê Quảng Bình), Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tâm sự: “10 năm rồi tôi chưa có một cái Tết bên gia đình. Lúc tôi chọn theo nghề diễn viên tuồng, ba mẹ lo lắng vì nhà nghèo, muốn con kiếm nghề nào đó thu nhập cao. Mấy năm liền không thấy con về ăn Tết, ba mẹ càng sốt ruột. Nhưng dịp lễ, Tết có nhiều sự kiện, đất diễn đối với anh em làm nghệ thuật truyền thống. Vì thế, dẫu xa nhà nhưng cũng không thấy lẻ loi vì có sân khấu làm bạn. Chỉ tội ba mẹ ở quê cứ ngóng con về”.

Chung tâm trạng, ca sĩ Công Trứ, Đoàn ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng cho biết, hơn ½ số anh chị em trong đoàn đều sống cảnh “hai quê”, “ba quê”. “Thấy mọi người vui vẻ bên nhau trong đêm giao thừa, mình cũng chạnh lòng. Tranh thủ diễn đêm giao thừa xong, sáng mồng 1, tôi về quê nhà Bình Định, sum vầy bên gia đình 2-3 hôm lại lo ra biểu diễn phục vụ bà con ở vùng ven Đà Nẵng. Đó là trách nhiệm, công việc của mình nên phải chấp nhận thôi”, anh chia sẻ.

Gác lại những niềm riêng tư, các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ Đà Nẵng dốc sức cho những chương trình nghệ thuật phục vụ người dân và du khách trong dịp Tết. Theo họ, nghề nào cũng cần sự đam mê, riêng đối với nghề làm nghệ thuật thì sự đam mê là yếu tố sống còn. Bởi lẽ, muốn truyền lửa đến khán giả, người nghệ sĩ trước hết phải cháy hết mình trên sân khấu.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.