Đà Nẵng cuối tuần
Tay nải gió đưa
Cuộc đời của hầu hết mọi người, suy cho cùng đều là tiếp nối những chuyến đi. Từ bảo sanh viện về cho đến… chuyến ò í e… cuối cùng. Giữa hai chuyến đi tất yếu đó có những chuyến khiến ta nhớ đời và cũng không ít chuyến nhạt thếch, vô vị.
Nhưng dù gì các cuộc “lãng du” ấy cũng thường làm cho cuộc đời ta giàu lên, theo kiểu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Thời trẻ tuổi rong chơi, có những lần “tay nải gió đưa” tới quên cả đường về. Đến già, do tuổi tác, bận bịu gia đình nên sự rong chơi cũng ít đi, ngắn lại. Có điều lạ là, ít hay nhiều gì thì sự xê dịch thời nay cũng thường dính dáng đến một giới: Đó là cánh xe ôm!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tết này là năm con Khỉ, Bính Thân – 2016. Từ việc dính dáng tới xe ôm, lan man thế nào tôi chợt nhớ đến chuyến đi cách đây gần mười hai năm: Năm Giáp Thân. Chuyến đi tuy tình cờ trước Tết Khỉ nhưng cũng phải nói là… rất khỉ!
Năm đó nhà tôi có nuôi một con khọn nhỏ, cột dưới gốc nhãn già bằng sợi giây xích sắt dài cho nó leo trèo thong thả. Con khọn thì ai cũng biết rồi, là chúa nghịch ngợm, quậy phá. Tính thế nên phù hợp với bọn con nít, thành ra ngày nào cây nhãn trước sân nhà tôi, trẻ con cũng tụ tập chọc ghẹo với khọn ồn đến không thể chịu nổi, nhất là giấc trưa.
Việc ngăn cấm tụ tập này nhà đã làm nhiều lần nhưng đều “bất khả thi”. Tôi cũng đã lâu, nói như Quang Dũng, Đêm đêm mơ thấy làm khăn gói. Để sớm mai rồi vẫn quẩn quanh(*), chợt máu lãng du nổi lên, muốn làm một chuyến rong chơi Sài Gòn.
Tôi bèn nêu mấy thứ cần mua cho Tết tới mà ngoài này không bán, nhân thể bàn với vợ, mang con khọn cho quách thằng cháu (bên bà ấy) ở trong đó. Nhà nó cũng có cây Sa-kê, nhưng kín cổng cao tường, trẻ con sẽ không vào chọc ghẹo được. Tất nhiên là vợ đồng ý ngay, tôi điện cho thằng cháu nói ý định vậy. Nó mừng lắm và bảo khi nào đến, chú điện để cháu ra đón.
Thế là tôi một người một khọn khăn gói vô Sài Gòn.
Thời ấy, xe ôm đã có từ lâu. Nhưng cũng chính vì có lâu và quá đông đảo nên lại xảy ra việc “khó” cho tôi khi xe về đến bến. Lúc xe vừa kịp dừng thì có rất đông xe ôm nhào tới vây lấy, chỉ tay giành phần đèo người, “Ông nón cối là của tao!”, “Bà áo tím là tao nhá!”, “Bà già áo nâu là tao!”… “Ông khỉ là của tao!”.
Một anh xe ôm chỉ tay giành phần vậy vì thấy con khọn đang ngồi trên vai tôi. Trong không khí chộn rộn, mùi xăng khét lẹt, các anh xe ôm nhanh chóng tiếp cận, săn đón người mà mình đã giành phần. Có anh hí hửng vì xí phần được khách đi rất xa, có anh tiu nghỉu vì gặp người đi chỉ đèo vài đoạn phố.
Còn có anh lại thất vọng hoàn toàn vì người mình vừa xí phần nhà gần hoặc sẽ có người thân đến đón. “Chú, chú về đâu chú?”, anh xe ôm hỏi “ông khỉ” là tôi. Khi tôi trả lời đã có người đến đón, anh ta thất vọng ra mặt. “Mà… chú về đâu, cháu sẽ lấy rẻ thôi!”.
Thấy anh cố rà xe theo kèo nèo mãi, cũng tội. Cầm lòng không đậu, tôi bằng lòng đi và nói địa chỉ, anh mừng như bắt được vàng. Vừa lên xe chạy được một đoạn, cháu tôi gọi điện hỏi chú vào đến nơi chưa, cháu đón. Tôi cám ơn và nói lỡ đi xe ôm rồi. “Chú thiệt tình! Cháu nghỉ buổi làm sáng nay để đón, mà chú lại đi xe ôm”.
Nếu anh xướng đặc điểm người nào đó mà… trớt quớt, thì có được đón chọn ở xe kế đến không, tôi hỏi. Không đâu chú ơi, cháu chờ cả buổi sáng nay mới đến phiên. Nếu chọn gặp người không đi là coi như “qua biền”, phải đợi đến đầu giờ chiều xếp theo nhóm lại.
Đó là chưa tính xe buổi ấy vào bến nhiều hay ít nữa. Anh còn nói không kể may rủi trong việc giành khách mà có khi mất mạng vì bị cướp “cần câu cơm” là chiếc xế như báo chí thường đăng! Thế mới biết, người lao động muốn kiếm được miếng ăn ở nơi có thời từng gọi là Hòn-ngọc-viễn-đông này không phải điều dễ dàng gì.
Sau đó anh hỏi tôi có đi gấp không, để xin phép tạt qua nhà, đưa cái gì đó cho vợ nấu nướng, kẻo hư. Hẻm anh ở cùng trên đường tôi về nhà thằng cháu. Nhà anh thuộc loại xập xệ cấp bốn, cũng nghèo. Anh rót mời tôi ly nước và ra sau đưa đồ cho vợ.
Thằng con trai anh, khoảng năm, sáu tuổi, thấy tôi bồng con khọn, thích quá, hét toáng lên “Ô, con hỉ, con hỉ, mẹ ơi!”. Con khọn thấy thằng bé xán đến, vội nép vào lòng tôi, nhe răng dọa và kêu khọt khẹt liên tục. Trông thằng bé dễ thương và nhìn gia cảnh họ, tôi thấy mình đi giùm anh cuốc xe là một việc đáng làm.
Khi anh lên nhà, giục tôi ra xe, thằng bé cố chạy theo, nài nỉ: “Ông Hỉ ơi, sao hông ở chơi chút nữa?”. Ba nó trợn mắt “Con vô nhà, ba chở ông đi công chuyện!”. Xe chạy trong tiếng thằng bé gọi “Ông Hỉ, ông Hỉ ơi…!” mãi phía sau.
Tự dưng hôm nay gặp hai cha con anh này: Với cha thì mình là Khỉ, còn con lại là Hỉ. Cũng vui thôi! Hỉ là vui vẻ, cuộc sống luôn cần niềm vui, nên nó đứng đầu trong thất tình của đời người: Hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục. Mà lại cũng sắp đến năm Thân, cầm tinh của loài đầy vui vẻ đó. Vậy chuyến đi này mình gặp đại hạp và năm nay thế là hên rồi!
Sau này “tay nải gió đưa”, tôi vào nhà đứa cháu nhiều lần nữa mới biết, do mở đường, hóa ra nơi ở cháu tôi cũng gần nhà thằng bé. Có lần tôi đến thăm, thằng bé tên Tùng ngày nào giờ đã ra dáng thanh niên, đang học cấp ba. Nhắc đến chuyện “ông Hỉ”, cháu cười bẽn lẽn và hỏi thăm về con khọn.
Nhưng còn đâu! Sau chừng hơn năm vào chốn phồn hoa đô hội, trong một lần chẳng hiểu sao nó giật đứt xích. Và rồi không biết khọn ta lưu lạc về nơi nào ở cái thành phố mênh mông, đầy người này.
Đêm nay, quá nửa khuya trong trạng thái lơ mơ, tôi chợt nghe có tiếng khọt khẹt ở ngoài gốc nhãn già. Lòng bán tín bán nghi. Lẽ đâu con khọn cho đi năm nào lại biết tìm về nhà xưa, chốn cũ? Tôi rón rén mở cửa ra sân. Dưới ánh trăng thượng tuần vàng vọt chỉ có màn đêm với cây nhãn già. Thi thoảng cành của nó cạ vào nhau nghe cót két theo gió khuya tháng Chạp! Lại bồi hồi thương nghĩ. Liệu trong chuyến “xích đứt gió đưa” đó, nó có biết đường tìm về bản quán, cố hương của mình nơi rừng xanh, núi đỏ hay không?!
LÊ NGUYÊN NGỮ
(*) Bài thơ Buồn êm ấm.