Văn hóa - Giải trí

Café sáng

Đánh thức văn hóa đọc

17:13, 27/03/2016 (GMT+7)

Mỗi lần ghé nhà đứa em trai chơi, cháu tôi thường mang mấy cuốn truyện tranh trong tủ ra năn nỉ tôi đọc. Cháu tôi thích nghe đọc truyện đơn giản vì trước khi đi ngủ hoặc những lúc rảnh rỗi mẹ cháu thường hay đọc sách cho cháu nghe.

Hôm rồi, đứa em con cô cũng sang chơi, dắt theo hai con nhỏ, khi thấy cuốn truyện là cả mấy đứa bỏ hết đồ chơi xúm lại nghe đọc truyện. Nhiều người thường hay đổ lỗi nguyên nhân văn hóa đọc xuống cấp là do bị văn hóa nghe nhìn lấn át, do quá thiếu sách hay, do công tác quản lý xuất bản... Trong muôn vàn lý do đó, lý do chính vẫn là do chúng ta không được giáo dục thói quen đọc sách từ nhỏ.

Khi bàn về vấn đề này, GS Chu Hảo từng phát biểu: “Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Thế nhưng ở nước ta, từ hàng mấy chục năm qua, người ta không có thói quen đọc sách. Nhà trường đã không dạy cho trẻ em thói quen đọc sách, mà ở gia đình, ông bà, bố mẹ các em cũng không có thói quen đọc sách để truyền lại cho các em”.

Còn nhớ trước đây, khi tôi công tác ở một cơ quan phần lớn là sinh viên mới ra trường, sếp tôi rất quan tâm việc định hướng cho lớp trẻ thông qua việc chọn sách cho chúng tôi đọc và khơi dậy văn hóa đọc trong cơ quan. Đặc biệt, hồi đó, chưa có nhiều sách “Hạt giống tâm hồn” như bây giờ.

Mỗi lần đi công tác, sếp thường mang về những cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” cho bí thư chi đoàn scan đăng lên mạng nội bộ của cơ quan để mọi người cùng đọc. Đó cũng là dịp tôi bắt đầu chú ý đến việc đọc sách bằng những cuốn sách đang được giới trẻ yêu thích như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, Cánh đồng bất tận...

Và từ đó dần dần hình thành cho mình thói quen đọc sách trước khi đi ngủ. Không hẳn trước đó tôi không thích đọc sách mà thời đi học, sách giáo khoa còn phải đi mượn của các anh chị lớp trên để học thì nói gì đến việc mua sách báo để đọc.

Việc mua truyện, sách ngoại văn lúc đó được xem là rất xa xỉ đối với thế hệ chúng tôi. Bây giờ đi làm, có điều kiện nên có thể tự thưởng cho mình những cuốn sách yêu thích vào những ngày nghỉ cuối tuần. Niềm vui này được nhân lên khi gặp những người trong hội đọc sách. Họ tạo thêm niềm hứng khởi cho đam mê đọc sách của tôi.

Nhắc đến những câu chuyện trên để thấy rằng, muốn tạo được thói quen đọc sách, cần khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong mỗi người. Đó cũng là lý do mà trong thời gian gần đây, quận Hải Châu - trung tâm văn hóa của thành phố, triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng thói quen đọc sách trong nhân dân, không phải chỉ bằng việc hô hào mà bằng những hành động cụ thể như phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân quyên góp, ủng hộ sách cho các thư viện trường học, tủ sách pháp luật và nhân rộng nhiều mô hình đọc sách ở khu dân cư như tổ đọc báo, cà-phê sách, tủ sách văn hóa hè... Đặc biệt, qua việc tổ chức thành công Hội sách Hải Châu năm 2015 cho thấy, nhu cầu đọc sách của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào trình độ nhận thức và lứa tuổi mà cần định hướng nên đọc sách gì.

Theo GS Chu Hảo, suốt mấy chục năm nay, trong tất cả các cấp học, từ phổ thông đến đại học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách.

Ba yếu tố - thói quen đọc, khả năng lựa chọn, và cách đọc - hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em các điều này ngay khi các em còn nhỏ, cứ thế liên tục cho đến khi vào đại học. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc.

Văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc thì ngược lại. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Không chỉ có thói quen đọc sách, mà chúng ta cần có cả khả năng lựa chọn sách để đọc.

Người ta không nên chỉ biết đọc những sách chuyên ngành mà cần đọc cả những cuốn sách có khả năng giúp họ trang bị một phông văn hóa sâu rộng, ngõ hầu hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình và thế giới. Bởi lẽ, như tiểu thuyết gia Richard Peck từng nói: “Tôi đọc sách vì một cuộc đời là không đủ, qua các trang sách, tôi có thể sống cuộc đời của bất kỳ ai”.

ĐOÀN GIA HUY

.