“Tự hào về văn hóa của cha ông bao nhiêu, chúng tôi càng tiếc nuối bấy nhiêu, bởi hầu hết các giá trị văn hóa của người Cơtu không còn nguyên vẹn, bị biến đổi nhiều và tôi lo một ngày nào đó, tất cả chỉ còn trong ký ức...”. Đó là chia sẻ của Phó trưởng thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) Phan Văn Thu về thực trạng văn hóa Cơtu.
Công cụ lao động, sản xuất của người Cơtu trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Người trẻ xa lạ với truyền thống
Theo anh Thu, từ ngày dân làng không có rẫy, có rú để trồng lúa, trồng bắp thì lễ hội mừng lúa mới đã không còn. Đâm trâu là hoạt động trung tâm của lễ hội, thể hiện cao độ tín ngưỡng dân gian, mang ý nghĩa hiến tế thần linh để cầu xin an lành nhưng nhiều năm liền không có lễ đâm trâu nên lễ hội đã mất dần tính thiêng liêng. Tiếng cồng chiêng cũng thưa thớt dần trong lễ hội.
Người già lần lượt qua đời, người trẻ không buồn học. Nghề dệt thổ cẩm cũng thất truyền hoàn toàn bởi hiện nay, người Cơtu ăn mặc hoàn toàn giống người Kinh. Trang phục truyền thống chỉ được mặc mang tính nghi thức khi có lễ hội hoặc việc hệ trọng của làng. Đặc biệt, trang phục truyền thống này được mua từ các xã Tà Lu hoặc Sông Côn, A Ting (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).
Anh Trần Văn Vân, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang chua xót: “Tôi còn nhớ vào dịp lễ hội văn hóa-thể thao Cơtu mới đây, năn nỉ lắm các bạn trẻ mới chịu mặc váy, mặc khố truyền thống và lại... xấu hổ (!). Trước kia, bọn trẻ chúng tôi cứ trông chờ đến dịp lễ hội để được mặc váy mới, khố mới.
Tham dự một đám tang gần đây, tôi được nghe lại những bài nói lý/hát lý bằng tiếng Cơtu, thấy xúc động vô cùng, song giới trẻ thờ ơ… Mà cũng đúng thôi, bây chừ học tiếng Kinh hết. Lớp trẻ không hiểu nhiều từ ngữ Cơtu nên họ cũng xa lạ với lối hát này”.
Câu chuyện bị đứt quãng bởi tiếng rao hàng của những người dưới phố lên. Già làng Tà Lang Trần Văn Phớt cho biết: “Từ đời cha ông tôi, trồng lúa, trồng bắp, đi săn bắt... để có cái ăn, sống theo kiểu tự cung, tự cấp. Bây giờ, người ta mang đến tận nơi bán, miễn có tiền là mua được. Thay đổi nhiều lắm!”.
Theo Trưởng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) Trần Xuân Trang, những thay đổi đó dẫn đến biến đổi trong văn hóa Cơtu. Người Cơtu bây giờ chỉ còn lại lễ cúng cuối năm, thường vào 20 tháng Chạp, do già làng điều khiển mọi việc.
Vào ngày đó, bà con cùng góp mỗi người một ít lễ vật như trầu, cau, bánh, xôi, thịt... Sau lễ cúng, bà con cùng quây quần ăn uống ở nhà Gươl, cùng hát hò. Việc nổi cồng chiêng, trống, múa tung tung - da dá hay không là do già làng cho phép mới tiến hành. Bên cạnh đó, lễ cưới, hỏi vẫn còn duy trì tục nhà trai đem heo đến nhà gái và thết đãi khách nhà gái, nhưng bây giờ đơn giản hơn.
Riêng điệu múa tung tung - da dá khá đơn giản nên vẫn lưu giữ. Trong khi đó, đánh cồng chiêng, thổi sáo, thổi kèn, nói lý/hát lý, dệt vải, đan lát, điêu khắc thì rất ít người rành rỏi, hầu hết là những bậc cao niên. Hiện tại, xã Hòa Bắc có đội múa gồm 12 nữ, 6 nam, chủ yếu phục vụ lễ hội văn hóa-thể thao và các sự kiện ở khu du lịch khi được yêu cầu.
Nguy cơ “hòa tan” văn hóa
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang nhìn nhận, văn hóa người Cơtu đã có sự thay đổi nhanh chóng, đến độ có thể hình dung họ như những người Kinh thực thụ.
Lý giải về sự thay đổi này, ông Tân cho rằng, cộng đồng người Cơtu có số lượng tương đối ít, không gian định cư cũng tách biệt với cộng đồng người Cơtu Quảng Nam và sống vùng tiếp giáp với người Kinh. Từ ngày đường ĐT 601 dài hơn 20km nối từ nội thành Đà Nẵng đến hai thôn Tà Lang và Giàn Bí được mở rộng, trải nhựa thì thanh niên Cơtu càng có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với người Kinh.
Hơn nữa, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế chính là yếu tố quan trọng làm biến đổi văn hóa Cơtu. Trước đây, người Cơtu sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, khai thác những thứ có sẵn từ rừng nhưng ngày nay, sản vật từ rừng khan hiếm, việc chặt phá đã bị cấm nên người Cơtu chủ yếu trồng keo, thu hoạch keo thuê.
Thanh niên Cơtu ở đây được dạy nghề và tìm việc làm tại các khu công nghiệp của thành phố. Nhiều hộ dân hiện nay đã có thể thu nhập thêm bằng nghề buôn bán nhỏ... “Là người có quá trình công tác gắn bó với người Cơtu lâu năm, tôi chứng kiến người Cơtu ở đây đã có quá nhiều thay đổi trong văn hóa, từ việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp đến phong tục tập quán, lễ hội, nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở, tập tục cưới xin, ma chay... Nhưng đó là sự thay đổi tất yếu khi quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ”, ông Tân nhận định.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, nguy cơ “hòa tan” văn hóa của người Cơtu là có thật nếu không có kế hoạch bảo tồn, phát huy. “Tôi nghĩ rằng, giá trị văn hóa Cơtu không biến mất, lễ khánh thành nhà Gươl, lễ cuối năm vẫn còn đó, nghệ nhân, người già biết về nghề đan, nghề dệt, chơi nhạc cụ vẫn còn đó... Vấn đề là chúng ta khai thác kho tàng văn hóa đó như thế nào, hay kho tàng sẽ bị vùi lấp khi những người biết nó không còn nữa?”, ông Thiện nêu ý kiến.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ