Ra đi nghĩa là sẽ không còn chịu đựng nữa những cơn đau hành hạ. Ra đi nghĩa là không còn chịu đựng nữa những nỗi cô đơn quay quắt. Và ra đi nghĩa là không còn “một mình” mà “Nhớ em vội vàng trong nắng trưa/ Áo phơi trời đổ cơn mưa/ Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ/ Tan ca bố có đón đưa...”.
Nhạc sĩ Thanh Tùng |
Đã hết rồi những chuyến đi xuyên Việt vừa đàn, vừa hát lãng du. Đã hết rồi những bước chân lang thang “một ngày tình cờ, trên đường phố tôi có bàn chân em”. 8 năm trước, một cơn tai biến bất ngờ đã tước đi cuộc sống bình thường, lành lặn của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Bị liệt nửa người và mất khả năng nói, ông gắn đời mình với chiếc xe lăn. Biến cố khiến sức khỏe ông ngày càng giảm sút, lại thêm bệnh suy thận và tiểu đường. Lần cuối cùng khán giả thấy ông khỏe mạnh trên sân khấu là hồi năm 2008 trong liveshow “Một mình” tại Hà Nội.
Năm 2011, trong liveshow “Lỗi cũ ta về”, ông nhọc nhằn ngồi xe lăn lên sân khấu, chỉ im lặng và cười... - nụ cười của người “phước đến biết hưởng và họa đến biết chịu”.
Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa
Nhiều người chưa gặp Thanh Tùng đã nghĩ ngay đến hình ảnh người nhạc sĩ già nua, ốm yếu, mệt mỏi, xuề xòa, luộm thộm. Nhiều người dự định đến gặp ông cũng mang nỗi ái ngại, sợ ông tuổi già bệnh tật, sợ những than thở tủi thân triền miên.
Nhưng nào phải! Ngày gặp, trước mắt tôi là ông già chỉn chu, tươm tất với quần áo mới, sạch sẽ, thơm tho. Con trai ông bảo, bố anh dù không tự tay chăm sóc bản thân mình được nhưng luôn nhờ hộ lý chăm chút từng li từng tí, bảo đảm lúc nào cũng phải sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất.
Mỗi khi có khách đến nhà, ông luôn dành nhiều thời gian chuẩn bị cho mình một hình ảnh thật đẹp. Thanh Tùng là vậy! Không bao giờ muốn mình mất “phong độ”, không bao giờ muốn người khác xót xa, thương hại mình.
8 năm không phải là thời gian quá dài trong một đời người nhưng lại thăm thẳm với một người bệnh. Nhưng chính trong những năm tháng tưởng như rơi xuống đáy của sự tuyệt vọng ấy, Thanh Tùng lại sống một cuộc đời đầy lạc quan, tươi tắn, nhìn đời cứ nhẹ tênh như không.
Không vui vầy cùng con cháu thì ông đi cà-phê với bạn bè, dạo ngắm Hồ Tây, ăn những món ăn vặt. Dù chỉ biết “gật và lắc” nhưng ông vẫn còn đam mê âm nhạc lắm! Nghe kể thời gian đầu bị bệnh, ông thử sáng tác vài lần nhưng đôi tay đã không còn có thể viết hay đánh máy được.
Mỗi khi nói chuyện về âm nhạc, ông vẫn chăm chú nghe, ánh mắt lấp lánh niềm vui, lâu lâu lại cố gắng nói một câu gì đó nhưng không rõ lời. Ông yêu âm nhạc biết dường nào!
Những ngày cuối đời, Thanh Tùng nhập viện vì bệnh thận ngày càng nặng. Ông hao gầy, xanh xao, những tiếng thở khó nhọc và ánh mắt nhìn xa xăm, lơ đãng ẩn chứa nỗi buồn... Khoảnh khắc ấy nhìn ông, ai nấy đều xót xa.
Nhưng tôi biết Thanh Tùng chưa bao giờ bỏ cuộc, dù ông biết mình đã kiệt sức thật rồi. Một trái tim lãng mạn với tình yêu, sôi nổi với đời nhưng cũng đầy cô đơn, lặng lẽ với lòng mình đã “ngủ yên” vào lúc 5 giờ ngày 15-3 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Vĩnh biệt Thanh Tùng - một nhạc sĩ tài hoa, một nhân cách sống lạc quan, phớt lờ khắc nghiệt. Có lẽ nụ cười ngày nào mà người ta thường thấy trên gương mặt ông chắc cũng sẽ đồng hiện trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Lãng mạn và cô đơn
Những nghệ sĩ, ca sĩ từng quen biết Thanh Tùng, hát nhạc của ông nghe tin ông mất đã kêu lên trong nỗi đau. Bởi lẽ, Thanh Tùng là nhạc sĩ lớn về sự nghiệp, nhân cách và lối sống. Có dành cho ông tình yêu, sự quý mến và ngưỡng mộ thì Hồng Nhung, Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương mới nghẹn ngào đến thế.
Nhớ đến ông là nhớ đến những ca khúc về tình yêu như Lời tỏ tình của mùa xuân, Hát với chú ve con, Ngôi sao cô đơn, Chuyện tình của biển, Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Một mình, Câu chuyện nhỏ của tôi... Về hình thức, âm nhạc của ông có giai điệu, ca từ trau chuốt.
Về nội dung, nhạc của ông không triết lý như Trịnh Công Sơn, không mộc mạc và du ca như Trần Tiến, không bay bổng như Dương Thụ mà lãng mạn, có chất chơi. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng, nhạc của Thanh Tùng nhiều cung bậc cảm xúc nhưng cơ bản là mang đến cho người nghe một niềm tin mới về tình yêu, cuộc sống, dù cũng có cô đơn nhưng không bi lụy.
“Lặng nhìn mặt trời một sớm mùa thu - mới thấy đẹp làm sao/ Lặng nhìn mặt người sống trong tình yêu - mới thấy dịu dàng làm sao” (Cảm ơn mùa thu), “Tôi nghe đất trời, bỗng nhiên thênh thang hơn/ Tôi nghe mỗi người, bỗng nhiên như vui hơn” (Câu chuyện nhỏ của tôi) hay “Buồn vui như cơn gió, thoảng ngoài trời xa xôi” (Giọt sương trên mí mắt). Cũng bởi Thanh Tùng là một người rất yêu đời nên ông luôn nhìn đời tích cực. “Hát nhạc Thanh Tùng, tôi thấy yêu đời hơn”, ca sĩ Hồng Nhung bày tỏ.
Cô bảo thích cách nhìn đời tích cực của ông. Rồi sẽ còn rất nhiều người nhắc đến Thanh Tùng với những ca khúc đồ sộ trong “gia tài” nghề nghiệp của ông, sẽ có nhiều ca sĩ đi lên từ các ca khúc ông viết, nói về ông với những tình cảm tốt đẹp trong sự tiếc nuối, nhiều khán giả nghe nhạc nhớ đến ông... Bởi ông thực sự là một người lao động sáng tạo có lòng tự trọng, có nhân cách.
Nhớ đến Thanh Tùng thời trẻ là nhớ đến một thanh niên đẹp trai, cao ráo, phong độ, trí tuệ nhưng rất đằm. Thành ra, không ít cô gái cuốn hút, ngưỡng mộ ông mà tình nguyện “chịu chết”. Người thanh niên này cũng đã có những năm tháng tuổi trẻ lãng mạn, rong chơi bên những người phụ nữ.
Nhưng nhớ đến Thanh Tùng cũng là nhớ đến một người đàn ông chung thủy, sắc son tào khang. Khi vợ bệnh qua đời, ông một mình nuôi lớn 3 con. Ông bảo muốn giữ lời hứa với vợ lúc lâm chung. Thanh Tùng là nghệ sĩ đa cảm nhưng suốt đời chỉ yêu vợ. Nhạc sĩ Quốc Trung từng tâm sự: “Điều tôi ngưỡng mộ nhất ở ông chính là tình yêu dành cho gia đình và con cái”.
Và ca khúc Một mình được viết ra từ chính sự cô đơn dài dằng dặc vắng bóng vợ của ông. “Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên/ Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên/ Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Đêm nay tôi lại một mình”. Câu hát gieo vào lòng người nghe chân thật đến nỗi không ai hồ nghi về sự cô đơn, chung thủy của ông cả.
Ông từng ví mình như con công, kiêu ngạo nhưng yếu đuối. Khi không có tình yêu là lúc Thanh Tùng cảm thấy mình cô đơn, nhỏ bé biết bao. Hôm nay, ông đã “gặp” được vợ mình, sau hơn 15 năm xa cách đằng đẵng. Ra đi nghĩa là sẽ không còn chịu đựng nữa những cơn đau hành hạ. Ra đi nghĩa là không còn chịu đựng nữa những nỗi cô đơn quay quắt. Và ra đi nghĩa là không còn “một mình” mà “Nhớ em vội vàng trong nắng trưa/ Áo phơi trời đổ cơn mưa/ Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ/ Tan ca bố có đón đưa...”.
Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Khánh Hòa. Năm 6 tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Sau đó, ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp năm 23 tuổi. Ông từng có thời gian chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II, chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. Thanh Tùng cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như “Con kênh xanh xanh” của Ngô Huỳnh, “Cánh chim báo tin vui” của Đàm Thanh... |
PHƯƠNG NGUYÊN