Văn hóa - Giải trí
Đừng để di tích, nhà cổ "ngủ quên" - Bài 1: Dấu xưa nhà cổ
Là đô thị loại I cấp quốc gia với công cuộc quy hoạch, chỉnh trang mạnh mẽ trong gần 20 năm qua, Đà Nẵng may mắn lưu giữ gần 70 ngôi nhà cổ cùng hàng trăm di tích, trong đó có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 49 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ trong khi ngành du lịch vẫn loay hoay tìm điểm đến cho du khách thì giá trị của các di tích chưa được khai thác.
Ông Đỗ Hữu Minh (áo trắng) giới thiệu với khách về ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường. |
Bước vào không gian nhà cổ, di tích đình làng, tưởng như làng quê Đà Nẵng xưa, yên ả, thanh bình đang hiện ra. Những giá trị văn hóa, lịch sử một thời của mỗi vùng đất như được đánh thức.
Bình yên nhà cổ
Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, nằm rải rác trong các làng, xã ở Hòa Vang, vẫn được nhiều gia đình giữ gìn vẹn nguyên giá trị. Men theo những hàng cây xanh mát, ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường của ông Đỗ Hữu Minh (61 tuổi, thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) nằm tĩnh lặng, yên ả như không hề biết đến cuộc sống xô bồ ở ngoài kia.
Theo ông Đỗ Hữu Minh, ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường có tuổi đời khoảng trên 200 năm. Ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc thuần Việt, kiểu 3 gian 2 chái, được làm hoàn toàn bằng gỗ mít, loại gỗ bền, ít mối mọt và được xây dựng bởi những đôi bàn tay tài hoa của những người thợ làng mộc Kim Bồng trong suốt 3 năm. Trong nhà vẫn còn lưu giữ nhiều vật dụng như: nồi đồng, cối xay bột, cối giã gạo, bộ trường kỷ, siêu nước, bộ ấm chén, bàn là, hay những tấm hoành phi được treo ngay ngắn, trang trọng.
Ngoài ba gian của ngôi nhà cổ, xung quanh khuôn viên rộng gần 5.000m2 cũng được chủ nhà trồng cây ăn trái, trưng bày các vật dụng làm nông nghiệp. Tất cả gợi nhớ những hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi của làng quê nông thôn trước kia. “Đây là ngôi nhà của tiền nhân để lại nên gia đình luôn cố gắng giữ gìn, bảo tồn những văn hóa của cha ông cho con cháu sau này hiểu những nét truyền thống của gia đình cũng như cuộc sống của cha ông trước kia”, ông Đỗ Hữu Minh bày tỏ.
Ở Hòa Vang, ngoài các thôn Phong Nam, Thái Lai, Phước Thái thì ở Túy Loan cũng khá nhiều nhà cổ có kiến trúc độc đáo như ngôi nhà cổ của tộc họ Đặng Công (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong), ngôi nhà cổ kiểu “tam gian tứ vị” của bà Đặng Thị Túy Phong (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong), từng được vua Bảo Đại sắc phong Tứ Đại Đồng Đường từ trước năm 1945.
Bà Túy Phong (78 tuổi) cho biết, khi còn nhỏ đã sống trong ngôi nhà này. Từ đó đến nay, ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn toàn bộ khung gỗ bên trong, cách bày trí cũng như các vật dụng trong nhà không hề dịch chuyển. “Dù cả nhà làm nghề nông, làm bánh tráng, cuộc sống không dư dả mấy, nhưng chừ người ta có mua bao nhiêu tôi cũng không bán vì đây là tài sản quý giá nhất của gia đình, dòng họ”, bà Phong nói.
Dấu ấn văn hóa Đà Nẵng xưa
Cùng với kiến trúc nhà cổ, kiến trúc đình làng tạo nên nét độc đáo về nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ của những nghệ nhân xưa. Khác với đình làng phía Bắc, đình làng Đà Nẵng mang dáng dấp của ngôi nhà rường xứ Quảng ba gian hai chái hoặc một gian hai chái, gần gũi, thân thuộc.
Đình làng được xây dựng bằng các loại gỗ với những thân cột gỗ to tròn, thẳng đứng, đặt trên những tảng đá kê hình tròn. Tường được xây bằng gạch, mái đình thường lợp ngói âm dương, hoặc ngói ống, ngói vảy cá. Tuy nhiên, khác với nhà ở, trên nóc mái đình bao giờ cũng là mô típ “lưỡng long chầu nguyệt” hay “lưỡng long chầu nhật”… nhằm tượng trưng sự linh thiêng.
Chính giữa đình có một bàn thờ được trưng bày khá trang trọng, dùng để đặt đồ lễ mỗi khi cúng đình, gian chính cũng là nơi các chức sắc trong làng chầu lễ, hội họp. Các gian được trang hoàng các bức hoành phi, câu đối… Ngoài ra, tùy theo diện tích đình mà có thêm nhà trù, hậu tẩm; trong khuôn viên của đình làng có miếu, lăng, ao sen, cây đa, giếng.
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố nhận định, kiến trúc đình làng giúp hình dung ra dáng dấp làng quê xưa của Đà Nẵng. Không chỉ chứa đựng giá trị về nghề điêu khắc của nghệ nhân Quảng Nam - Đà Nẵng xưa mà đình làng còn lưu giữ cả giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý về vùng đất Đà Nẵng.
“Các ngôi đình còn lưu giữ rất nhiều sắc phong của các vua nhà Nguyễn dành cho các vị thần như Thành hoàng làng, Bà Diễn Phi Chúa Ngọc, Bà Ngũ Hành. Ngoài ra, khoán ước, hương ước do dân làng biên soạn, quy định những quy tắc ở làng, xã; bia ký ghi rõ thời gian xây dựng, trùng tu, tôn tạo các đình làng. Qua đó, xác định được giai đoạn lập làng, lập ấp, hình dung đời sống cũng như tín ngưỡng của người dân Đà Nẵng xưa”, ông Hồ Tấn Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn dẫn chứng, đình Bồ Bản vẫn còn miếu thần nông thờ vị thần dạy nông dân cách làm lúa nước, phản ánh nghề nông là nghề chủ đạo của làng Bồ Bản xưa. Trong khi đó, đình làng Thạc Gián có miếu thờ âm linh cho thấy dân làng Thạc Gián xưa sống bằng nghề biển bên cạnh nghề nông, đồng thời vị trí này ngày xưa mênh mông sông nước, kéo dài ra đến bờ biển ven đường Nguyễn Tất Thành ngày nay.
Một điều thú vị khác, trong khu vực đình làng Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), năm 2015, đoàn khảo cổ học do Trung tâm Quản lý di sản thành phố phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật đã phát hiện hiện vật của hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa. Điều này từng gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu bởi đây là di chỉ duy nhất hiện nay được biết đến tại Việt Nam với đầy đủ 3 tầng văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt. “Hãy đến đình làng để cảm nhận hết giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Đà Nẵng”, ông Tuấn nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ - THU HÀ