Văn hóa - Giải trí

Nguyễn Quang Thiều - Người kể chuyện buồn buồn mà quyến rũ

20:07, 23/04/2016 (GMT+7)

Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 3, NXB Trẻ vừa tổ chức giới thiệu tập tiểu luận - ghi chép Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng viết về quê hương và những người thân, những chuyến đi và những người bạn.
Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng viết về quê hương và những người thân, những chuyến đi và những người bạn.

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng gồm 25 bài; trong đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết về quê hương và những người thân, những chuyến đi và những người bạn… Nhưng tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều như có “phép thuật”, đã “bỏ bùa” bạn đọc bằng những ký ức, những câu chuyện buồn buồn, quyến rũ và những chiêm nghiệm được rút ra từ những trải nghiệm thực tế. Đi nhiều, sống đầy, Nguyễn Quang Thiều đã đưa vào bài viết của mình những chi tiết tưởng chừng li ti của cuộc sống nhưng lại tạo sức ám ảnh, lay động khi độc giả lật mở từng trang trong cuốn sách.

Nguyễn Quang Thiều ghi ngay trang đầu: “Cuốn sách này viết tặng Trang và hai con”. Vì thế, trong sách, người ta có thể gặp nhiều câu chuyện gia đình, chuyện về nắm tóc của bà nội, về mẹ cha, về con gái Tuyết Ngân… Nhưng đọc những cái riêng tư ấy, người ta vẫn nhận ra được những cái chung, cái tình cảm mà tác giả lan tỏa, vừa lấp lánh, vừa rưng rưng xúc động. Bên cạnh đó, trong những trang viết của Nguyễn Quang Thiều có nhiều ám ảnh về cái chết: Người đàn ông đến từ một “thế giới chết”, Giống như một cái chết, Những cái chết…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, đây là cuốn sách ông viết rải rác trong suốt một thời gian dài, khoảng trong 5 hay 7 năm gì đó. Viết và đã cho in trên báo chí thời gian qua. Mỗi tiểu luận, có lúc, nhà thơ như một ông già, có lúc lại như một đứa trẻ thơ chiêm nghiệm những thứ kỳ vĩ mà trên những chặng đường ông đã qua, đã thấy.

Tác giả đóng vai một người kể chuyện, kể một cách thâm trầm mà cũng day dứt về quê hương, về xứ Ireland xa xôi hay về một chuyến đi không chắc có ngày trở về. Cuối mỗi bài viết còn có phụ lục là một, hai bài thơ của chính tác giả. Theo Nguyễn Quang Thiều, đây là hình thức liên văn bản. Bởi trong đời viết của mình, cũng là câu chuyện đó, cũng là kỷ niệm về bà nội, về cha mẹ… ông đã từng viết bằng thơ, và bây giờ là những tiểu luận - ghi chép. Có những thứ thơ chưa chuyển tải hết và ngược lại, có những thứ không thể, không cần diễn giải bằng tạp văn thì ông viết bằng thơ.

Tại buổi giao lưu, có những ý kiến cho rằng, đây là cách liên văn bản thú vị, giúp độc giả tiếp cận với những sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều ở hai lĩnh vực lâu nay vẫn tồn tại song song trong con người ông, đó là thơ và văn xuôi. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại.

TS Lưu Khánh Thơ cho rằng, đúng là có sự hô ứng giữa thơ và văn xuôi trong cuốn sách này, nhưng Nguyễn Quang Thiều đã “quá tham lam”. TS Lưu Khánh Thơ chỉ ra hai tiểu luận mà bà thích là khi nói về cố hương và nói về bà nội. “Bài thơ về cố hương quá hay thì không cần viết ra bằng tản văn nữa. Tôi thấy Nguyễn Quang Thiều phải chăng đã quá tham lam. Nếu anh dừng sự tham lam ở cuốn này thì được, chứ nếu tiếp tục tham lam theo mạch này, tôi nghĩ sẽ không ổn”.

Không bất ngờ trước nhận xét này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thừa nhận, ông vốn dĩ là người tham lam, muốn được bày tỏ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chính vì thế, có nhiều tứ thơ ông đã viết gần đây được ông thể hiện lại bằng hội họa. Tuy vậy, Nguyễn Quang Thiều cũng khẳng định, hình thức “liên văn bản” này ông chỉ sử dụng một lần duy nhất, không lặp lại ở cuốn khác. “Lặp lại thì nhàm mất rồi, lần sau tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm ở một hình thức khác”, nhà văn tiết lộ.

Trong khi đó, PGS,TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái có những cảm nhận rất riêng về tác phẩm mới của Nguyễn Quang Thiều: “Giống như Lưu Quang Vũ, bản chất của Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ. Tác giả đến với văn chương bắt đầu từ thơ. Dù di chuyển liên tục giữa hai địa hạt văn xuôi - thơ nhưng Nguyễn Quang Thiều vẫn không thoát khỏi cái bản ngã của một nhà thơ. Trong văn anh luôn tràn đầy sự lãng mạn, tư duy hình ảnh, suy ngẫm và tưởng tượng”.

PGS,TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Khi đọc Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng, tôi không nghĩ về Nguyễn Quang Thiều mà nghĩ về sách. Nguyễn Quang Thiều đã đi giữa hoang tưởng và phân liệt, trang viết của anh xuống tận đáy, nó là điểm khởi đầu và điểm đến, neo giữ Nguyễn Quang Thiều. Tôi nghĩ những giấc mộng này là như thế nào đối với Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Quang Thiều không hẳn viết cho vợ và con, viết cho người thân thuộc mà viết cho cả người ở bên kia chiến tuyến. Tất cả nằm trong điểm quy tụ là nhân tính, tôi tin đây là khởi đầu của những thành công”.

HOÀNG THU PHỐ

.