.

Nhạc Trịnh và cha tôi

.

Tôi đặt nhan đề cho bài viết của mình như vậy không có ý đánh đồng giữa nhạc Trịnh và cha tôi. Ấy chỉ là hai điều thiêng liêng đã gắn chặt với tuổi thơ và nuôi dưỡng tâm hồn của một cô gái đôi mươi như tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm đó tôi tám tuổi. Người ta có thể dễ dàng nhận ra tôi, một cô bé mảnh khảnh, có mái tóc ngang lưng buông hờ thường líu ríu theo chân ba đến một quán cà-phê quen thuộc. Ba tôi là một ông giáo dạy văn trung học.

Khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể biết ba tôi yêu gì, thích gì. Đối với tôi, việc ba lặp đi lặp lại một việc làm qua nhiều năm tháng cũng có nghĩa là ông thích thú với nó. Và nếu tư duy như vậy thì phòng trà nằm tĩnh lặng cuối góc phố là một trong những sự say mê của ba.

Ông thường đưa tôi đến đây vào mỗi tối thứ bảy, nơi có một dàn nhạc, có những cô ca sĩ mặc áo dài thướt tha, có những giai điệu trầm bổng, nhẹ nhàng làm tôi mê mẩn và dễ dàng thiếp đi tự lúc nào.

Đến năm tôi mười hai tuổi. Ba vẫn giữ thói quen đó, đều đặn mỗi tuần. Nhưng tôi đã không còn cảm giác “bị thôi miên” nữa mà đâm ra rầu rĩ: “Ba ơi, mình lại đến đó ạ?”. Ba tôi nhẹ nhàng: “Con không thích à?”. Tôi lại lắc đầu nguầy nguậy: “Dạ con thích mà”.

Trong tích tắc, hình ảnh ba trầm ngâm, đăm chiêu khi lắng hồn mình trong câu hát: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy” cứ hiện về, choáng đầy tâm trí ngây thơ của tôi. Không muốn làm ba buồn nên tôi giả vờ nói vậy thôi chứ thực sự tôi đã phát ngán với việc phải nghe đi nghe lại những giai điệu trầm buồn, ảm đạm và lê thê đó lắm rồi!

Năm tháng qua đi, tôi đã ghi nhớ một cách vô thức đôi ba câu hát rồi cao hứng hát theo lời cô ca sĩ có giọng khàn khàn, trầm trầm phát ra từ máy vi tính của ba: “Thời thơ ấu, bướm hoa và chim cùng mưa nắng. Em đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha”. Ba tôi lúc đó thực sự rất ngỡ ngàng, ông quay sang nhìn tôi trìu mến và mỉm cười - tôi thấy mọi thứ khó hiểu vô cùng, chẳng lẽ việc đó khiến ba tôi vui đến thế sao?...

Thế rồi tôi đóng vai một cô con gái biết làm ba vui bằng việc tìm trong kệ sách của ba những tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, lén lút bật máy nghe đi nghe lại một bản nhạc Trịnh và học thuộc lòng nó như một cái máy. Một bài, hai bài… rất nhiều những ngôn từ, âm giai của Trịnh cứ ăn sâu vào tâm trí; tôi đâm ra thích thú, rồi say mê với nó tự khi nào không biết.

Đến bây giờ, tôi đã là một cô gái - say văn học và mê nhạc Trịnh. Tôi hát không hay, chỉ dừng ở mức độ thuộc lời và không “phô” nhưng tôi vẫn giữ cho mình một sở thích - chỉ dám gọi là sở thích - là hát cho ba tôi nghe những bài hát, đoạn nhạc hay, thậm chí chỉ là một vài câu trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của Trịnh.

Ngẫm lại, âm nhạc của Trịnh đã gắn bó với tôi từ những ngày tôi thiếp ngủ trên ghế sofa của phòng trà ca nhạc, len lỏi vào trái tim non nớt của tôi, rồi lại trở thành máu thịt khi tôi đã là một cô gái say sưa, trầm tư với những lẽ sống, những trăn trở Trịnh phổ ra trên từng câu hát.

Đã ngoài hai mươi, nhưng còn quá ngắn ngủi so với một kiếp người, tôi vẫn chẳng thể nào hiểu thấu những điều Trịnh gửi gắm. Dẫu sao, xin cảm ơn Trịnh, chính âm nhạc của ông đã thổi ngọn lửa yêu thương và khiến trái tim của một cô con gái đồng điệu với ba mình - dẫu khi ấy, cô bé đó chỉ tiếp cận âm nhạc của ông một cách hồn nhiên nhất.

PHẠM NGUYỄN CA DAO

;
.
.
.
.
.