Văn hóa - Giải trí
Festival Huế 2016: Khúc giao hòa giữa âm thanh và sắc màu
ĐNĐT - Với các hoạt động lễ hội tinh gọn và mới lạ hướng về chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế lần thứ IX năm 2016 là khúc giao hòa giữa âm thanh và sắc màu mang đậm bản sắc văn hóa Cố đô.
Phần minh họa của học sinh Huế trong bài hát Ngày xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy. |
Tại buổi họp báo hôm 28-4, một ngày trước khi Festival Huế 2016 chính thức khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Dung đã thông báo kỳ Festival này sẽ diễn ra theo hướng tinh gọn chứ không quá dàn trải; chú trọng khai thác sâu đến nghệ thuật truyền thống, bao gồm nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian.
Được thể hiện trên nền của một cố đô cổ kính, trầm mặc, nghệ thuật truyền thống có “đất diễn” và sự tương tác giữa diễn viên với khán giả trở nên gần gũi, thiết thân hơn.
Trong đêm khai mạc Festival ở Quảng trường Ngọ Môn, khán giả đã reo lên thán phục khi các diễn viên Đoàn múa Amurskie Zori biểu diễn dân vũ của đất nước Nga tươi đẹp.
Phần biểu diễn dân vũ của Đoàn múa Amurskie Zori (Nga) nhận được sự tán thưởng nồng hậu của khán giả trong đêm khai mạc. |
Đêm sau, trong buổi trình diễn diễn áo dài Nơi huyền thoại bắt đầu đậm chất Huế, khi ca sĩ Quang Linh xuất hiện trên sân khấu cùng với các đoàn học sinh trong chiếc áo dài trắng minh họa ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy, khán giả vỗ tay tán thưởng. Ánh đèn sân khấu khi mờ khi tỏ, tiếng hát lúc nhặt lúc khoan, diễn viên và khán giả như hòa quyện vào nhau trong một mối giao hòa đồng điệu.
Chương trình nghệ thuật “Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự” lần đầu tiên tham gia Festival Huế. |
Đêm 2-5, chương trình nghệ thuật “Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự” diễn ra tại đình làng cổ Kim Long gần 400 tuổi bên bờ sông Hương. Lần đầu tiên xuất hiện ở Festival Huế, bằng âm thanh của nhã nhạc, bằng sắc màu của áo dài truyền thống Huế, chương trình tôn vinh nghệ thuật truyền thống - đặc biệt là nghệ thuật ca Huế mới được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia - đã khẳng định chất lượng nghệ thuật để có thể “đi tiếp” vào các kỳ Festival sau.
Ngày lên, trong thanh âm của phố phường ngày hội có thể thoáng nghe tiếng leng keng của những chiếc xích lô đưa khách đi về phía thành nội. Ở đó có những cánh diều tung từng mảng màu kỳ ảo lên khoảng trời trong xanh phía Kỳ đài. Ngược về phía Bắc, nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, có tiếng reo hò của nam thanh nữ tú trong trò đập om dẫn đường khách tìm đến lễ hội “Hương xưa nhà cổ” ở làng cổ Phước Tích - làng cổ thứ hai được xếp hạng Di tích quốc gia sau làng cổ Đường Lâm, Hà Nội.
Hào hứng, sôi động trò đập om tại lễ hội “Hương xưa nhà cổ” ở làng cổ Phước Tích. |
Nếu xuôi về Nam cách thành phố Huế khoảng 8km, khách có thể nghe lại những tiếng rao hàng cùng với muôn tía nghìn hồng các loại hàng hóa ở “Chợ quê ngày hội” nơi cầu ngói Thanh Toàn tiếng tăm lừng lẫy.
Đường phố Huế vốn tĩnh lặng, bỗng chốc trở nên sôi động khi chú rối khổng lồ Liédo cao 7,5m của Đoàn nghệ thuật đường phố L’Homme Debout đến từ nước Pháp “rảo bước” từ khu vực công viên Trịnh Công Sơn qua cầu Gia Hội và đường Trần Hưng Đạo chiều 30-4.
Tối 2-5, chú rối tiếp tục hội ngộ khán giả với buổi diễn cuối mang chủ đề “Những vì sao rực sáng trong đêm tối” tại sân Hàm Nghi. Bản thân chú cũng là một vì sao, bởi chú đã đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong khung cảnh của 7 hoa sen khổng lồ, giữa tiếng nhạc êm đềm, giữa sắc màu huyền ảo của pháo hoa và sương khói.
Lễ hội đường phố “Di sản và Sắc màu văn hóa” diễn ra vào các ngày 1 và 3-5 lại khoác lên phố phường ngày hội một dáng vẻ độc đáo khác. Đường phố vang lên giai điệu Mexico với thanh âm tươi vui đất Bắc Mỹ hay âm sắc Colombia rộn ràng chất Nam Mỹ.
Sắc màu của vũ khúc truyền thống Hàn Quốc, nụ cười lúng liếng thảo nguyên đất nước Mông Cổ, lả lướt áo mớ ba mớ bảy cùng nón quai thao của các thiếu nữ chủ nhà trong khúc hát Việt Nam quê hương tôi… tất cả khắc họa bức tranh Festival Huế đậm chất liệu truyền thống pha lẫn sắc màu hiện đại.
Lễ hội Quảng chiếu tại Nghinh Lương Đình và chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn tại công viên Trịnh Công Sơn là hai chương trình nghệ thuật lớn, lần đầu tiên tham gia Festival bằng hình thức xã hội hóa. Tuy một do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thừa Thiên-Huế thực hiện (triển lãm nghệ thuật di sản văn hóa cổ Phật giáo, ẩm thực chay, nghi lễ tâm linh và biểu diễn nghệ thuật), một do chính gia đình nhạc sĩ tổ chức tại Công viên Trịnh Công Sơn nhưng cả hai đều diễn ra đúng chất Huế: trầm mặc, sâu lắng và đẫm chất tâm linh…
Tối nay (4-5), Festival Huế 2016 sẽ khép lại với chương trình bế mạc diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Đối với quốc tế, Festival Huế đã trở thành một biểu tượng của hội nhập quốc tế về văn hóa của Việt Nam và là nơi nhiều nước, nhiều tổ chức, nhà hoạt động văn hóa các nước hướng đến để giới thiệu về mình, tổ chức, đất nước và nền văn hóa của mình, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường giao lưu, phát triển hợp tác văn hóa với Việt Nam và với tất cả các bên tham gia Festival, qua đó thúc đẩy giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế”.
Festival Huế 2016 - khúc giao hòa của các nền văn hóa tạm khép lại với những lưu luyến, nhớ mong. Hẹn gặp lại mùa lễ hội sau, cuộc hội ngộ của những trái tim hướng về một nền văn hóa mang tính toàn cầu.
Nếu như các kỳ Festival Huế trước đây, chương trình lễ hội thường kéo dài từ 9-12 ngày thì Festival Huế 2016 rút ngắn chỉ còn 6 ngày, từ 29-4 đến 4-5, với 53 lễ hội, chương trình nghệ thuật và gần 50 hoạt động hưởng ứng được chia 2 tour với 74 suất diễn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nếu Festival Huế lần thứ 8 năm 2014 có 45 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ 35 quốc gia tham dự thì năm nay chỉ có 23 đoàn nghệ thuật đến từ 17 quốc gia trên thế giới (Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…) với trên 270 nghệ sĩ quốc tế, cùng với đó là 350 nghệ sĩ đến từ 9 đoàn nghệ thuật trong nước và gần 1.600 nghệ sĩ chuyên nghiệp, bán chuyên và không chuyên. |
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ