Văn hóa - Giải trí
Hấp dẫn múa rối nước tại Đình làng Hải Châu
Cứ vào mồng 10-3 âm lịch hằng năm, Đình làng Hải Châu lại rộn ràng lễ hội, đón mời du khách gần xa về dự. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên phường Hải Châu 1 đưa vào thử nghiệm loại hình múa rối nước tại đình làng, thu hút nhiều bạn trẻ đến với nghệ thuật truyền thống này.
Múa rối nước tại đình làng Hải Châu thu hút nhiều trẻ em các trường mầm non đến xem. |
“Nhiều em còn thòm thèm”
Nói về hiệu quả lần đầu tổ chức thử nghiệm múa rối nước, bà Hoàng Giang Yên Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Hải Châu 1 cho biết: “Qua lễ hội cho thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống dân tộc của phụ huynh và học sinh rất lớn. Tuy mỗi buổi diễn chỉ phục vụ cho khoảng 250 học sinh, nhưng có hôm gần cả ngàn người tham gia do nhiều trường tổ chức cho học sinh đi tham quan đình làng kết hợp xem múa rối nước”.
Trong dịp lễ hội đình làng, Đảng ủy và UBND phường Hải Châu 1 đã hợp đồng với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để lắp đặt nhà múa rối nước di động tại đình làng. Phường tổ chức 6 buổi diễn miễn phí phục vụ người dân và học sinh trên địa bàn quận đến xem. Một buổi diễn kéo dài 45 phút gồm 7 nội dung với những câu chuyện cổ tích và hoạt cảnh rất thú vị, như: bắt cá, múa lân trên nước, chăn trâu… Nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận đưa học sinh đến xem để làm quen với loại hình nghệ thuật này như trường Tuổi thơ, Ngọc Lan, 19-5, 20-10…
“Sau khi kết thúc hợp đồng với nhà hát, nhiều trường mầm non bày tỏ mong muốn phường tiếp tục duy trì múa rối nước để phục vụ các em học sinh trong dịp hè. Tuy nhiên, do quận chỉ hỗ trợ kinh phí trong 4 ngày để phục vụ lễ hội đình làng nên nếu tiếp tục giữ lại thì phải tự bỏ kinh phí và thu tiền các em học sinh. Điều này sẽ gây mất công bằng vì trước đây phường đã không thu tiền. Dù mới đưa vào thử nghiệm lần đầu tiên nhưng chương trình múa rối nước đã đem lại thành công rất lớn. Nhiều trẻ em còn thòm thèm, thậm chí có những phụ huynh ở các quận lân cận cũng dẫn con đi xem hai, ba lần”, bà Yên Thủy chia sẻ.
Cô Trần Thị Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Thơ cho biết: “Nhà trường đã dẫn các cháu lớp lớn và lớp nhỡ đi xem múa rối nước. Hầu hết các cháu rất thích thú. Nhiều cháu về còn kể lại cho nhau nghe những màn múa rối được xem. Ở trường, các cô cũng kể chuyện múa rối nước cho các cháu nghe nhưng khi xem trực tiếp từ thực tế với những câu chuyện lịch sử thể hiện qua nhân vật thì các cháu phấn khởi và tiếp thu nhanh hơn”. Theo cô Hà Thanh, đây là một hoạt động rất thiết thực, cần duy trì và phát huy nhằm giúp các em hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc; thông qua việc xem múa rối nước với nhiều bài học hay sẽ giúp trẻ nhớ lâu hơn.
Phát triển thành sản phẩm du lịch
Thực hiện nghị quyết của Quận ủy Hải Châu và nghị quyết của Đảng ủy phường về phát triển văn hóa, nghệ thuật dân gian, hiện Đảng ủy và UBND phường Hải Châu 1 hoàn thành xây dựng đề án múa rối nước tại Đình làng Hải Châu. Theo bà Hoàng Giang Yên Thủy, ban đầu, phường sẽ thực hiện ký hợp đồng múa rối nước với một số đơn vị. Sau đó, phường sẽ xây dựng đội ngũ múa rối nước riêng bằng việc cử các cán bộ văn hóa và những đoàn viên thanh niên yêu thích múa rối nước đi học, đồng thời thành lập Câu lạc bộ múa rối nước của phường.
Hiện hồ nước tại Đình làng Hải Châu có diện tích mặt nước khoảng 705m2, độ sâu của hồ trung bình khoảng 1,5m, diện tích sân trước hồ khoảng 300m2, diện tích 2 đường bao quanh hồ còn lại khoảng 200m2. Sau khi dự án được lãnh đạo quận thông qua, UBND phường sẽ cải tạo lòng hồ; đồng thời tạo dựng sân khấu tại phía nam hồ và lắp đặt hệ thống ghế ngồi di động, hệ thống âm thanh, ánh sáng…
Dự kiến, chương trình múa rối nước tại Đình làng Hải Châu sẽ chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2017, mỗi ngày có hai suất diễn: từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30, và từ 19 giờ đến 20 giờ. “Múa rối nước là bộ môn nghệ thuật dân gian, là sân khấu nghệ thuật đặc sắc của văn hóa lúa nước. Với vị trí thuận lợi nằm ngay giữa trung tâm thành phố nên việc tổ chức hoạt động múa rối nước tại Đình làng Hải Châu sẽ đem đến một màu sắc riêng cho đô thị hiện đại, góp phần phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của đình làng, đồng thời tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc cho địa phương”, bà Thủy nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Đoàn Lương