Văn hóa - Giải trí
Bài 4: Cuộc mở màn của chữ quốc ngữ
Cuộc mở cửa hội nhập “thời đại thương nghiệp” của Chúa Nguyễn Hoàng không chỉ đưa nền kinh tế Đàng Trong thăng tiến, tạo nguồn lực vững chãi để mở rộng bờ cõi về phương Nam mà còn tiếp nhận những giá trị văn hóa mới từ phương Tây làm giàu thêm cho nền văn hóa truyền thống dân tộc. Chữ Quốc ngữ - tức chữ Việt- kịp thời xuất hiện trên bản đồ chữ viết thế giới là sản nghiệp to lớn từ cuộc mở cửa giống như một cuộc đại khai phóng từ hơn 400 năm trước của ông cha...
Nhà thờ Thanh Chiêm, nay là Đền Chân phước Anrê Phú Yên được xây trên nền cư sở Thanh Chiêm, được giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina lập năm 1623, là trường học tiếng Việt và tạo tác chữ Quốc ngữ sớm nhất do de Pina khởi lập. |
Nơi thả neo đầu tiên cho sáng tạo chữ quốc ngữ
“Các giáo sĩ Dòng Tên(1) đến Hội An ở trước rồi sau mới lên lập cư sở ở dinh trấn Thanh Chiêm. Để truyền đạo họ phải học tiếng Việt, phải tìm cách để ghi lại tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh họ có được. Họ bắt đầu làm cái việc đó tại cái mảnh đất ni đây...”, đứng trong khuôn viên nhà thờ Công giáo Thanh Chiêm - nay là Đền thờ Chân phước Anrê Phú Yên, vốn là nền của cư sở truyền giáo Thanh Chiêm gần 400 năm trước, linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng giải thích.
Chuyến tàu buôn chở 3 tu sĩ Dòng Tên gồm hai giáo sĩ Francesco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha) cùng tu huynh Antonio Dias (người Bồ Đào Nha) từ Ma Cao cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18-1-1615 được cho là sự mở màn cho việc “gieo trồng” chữ Quốc ngữ ở nước ta. Từ Cửa Hàn, giáo đoàn Buzomi đã đến Hội An để tìm cách lập cư sở, bởi đây là trung tâm thương mãi lớn nhất ở Đàng Trong, có hai khu phố buôn của người Hoa, người Nhật. Nhật kiều ở đây hầu hết là tín đồ Công giáo, họ cần các vị giáo sĩ vốn biết tiếng Nhật này giúp đỡ về sinh hoạt tôn giáo, đối lại, họ sẽ giúp làm thông ngôn tiếng Việt cho các giáo sĩ giao tiếp với cư dân.
Nhưng việc truyền đạo ở cư sở Hội An vẫn còn khó khăn bởi trình độ tiếng Việt của các thông ngôn là Nhật kiều này vẫn còn rất hạn chế. Đã vậy, một bất trắc lại ập đến với giáo đoàn vào năm 1617. Vì cho rằng các giáo sĩ này mang đến một tôn giáo “sai trái đạo lý” khiến trời làm hạn hán, một số sư sãi và cư dân đã yêu cầu chính quyền trục xuất họ ra khỏi địa phương. Dù không tin là vậy, nhưng để yên lòng dân, thế tử Nguyễn Phúc Kỳ - trấn thủ Quảng Nam, đành buộc các giáo sĩ tạm lùi về Ma Cao một thời gian. Nhưng trong họa có phúc, khi bắt gặp giáo đoàn Buzomi đang trú tránh sóng gió ở biển Đà Nẵng, tri phủ Hoài Nhơn là Cống quận công Trần Đức Hòa - em kết nghĩa của Chúa Nguyễn Hoàng - đã dang tay đón giáo đoàn này vào địa hạt của ông, cho lập cư sở tại cảng Nước Mặn (nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và dành cho nhiều giúp đỡ lớn lao.
Thêm một cơ duyên cho việc hình thành chữ Quốc ngữ: năm 1617 cũng là thời điểm Francisco de Pina (1585-1625)- vị giáo sĩ giỏi về ngôn ngữ học từ Ma Cao cập bến Hội An. “Như cá gặp nước”, sau những ngày phải lẩn trốn ở khu phố Nhật, khi vào cư sở Nước Mặn, Pina được thỏa lòng giao tiếp, học hỏi ngôn ngữ Việt từ những nho sĩ, những sư sãi cải đạo, những người trẻ tinh tấn mới vào đạo. “Với năng lực ngôn ngữ xuất sắc, với quyết tâm học hỏi của mình, có thể nói suốt hai năm ở Nước Mặn, cha Pina đã gần như tạo được một giáo trình nói - viết tiếng Việt ở giai đoạn phôi thai...”, linh mục Gioan Võ Đình Đệ ở giáo phận Quy Nhơn nhận định.
Công sức lặng thầm của người Việt
“Không thể nói hết được nỗi vui mừng của các giáo sĩ Dòng Tên khi họ không chỉ học được tiếng Việt mà còn tạo ra được chữ Việt từ mẫu tự La tinh...”, thầy Đinh Thúc Thẩm- một giáo viên hưu trí ở Thanh Chiêm, bày tỏ. Hiểu về lịch sử dinh trấn Thanh Chiêm qua lời ông cha, thầy Thẩm cho rằng cư sở Thanh Chiêm là nơi giúp cho việc học hỏi và nâng cao năng lực nói - viết tiếng Việt cho giáo sĩ Pina - người đầu tiên trong các giáo đoàn Dòng Tên ở các cư sở Hội An (1615), Nước Mặn (1618) và Thanh Chiêm (1623) có thể giảng đạo bằng tiếng Việt.
Điều may mắn của giáo sĩ Pina là ông có được một “học trò” xuất sắc: giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660, được quen gọi là Đắc Lộ), đến Hội An-Thanh Chiêm năm 1624. Dường như có sắp đặt vô hình, “nhà bác học ngôn ngữ” Đắc Lộ kịp đến để thọ giáo tiếng Việt từ đồng huynh Pina hầu tiếp tục sự nghiệp La-tinh hóa tiếng Việt mà Pina đang theo đuổi dang dở. Pina chết đuối ở bờ biển Hội An ngày 16-12-1625! Vậy mà chỉ 25 năm sau, khởi từ những luống cày, từ những hạt giống đầu tiên của người đồng huynh và cũng là thầy của mình - giáo sĩ Pina, tiếp tục học hỏi, nghiên cứu trên bước đường sứ vụ đầy gian nan, Đắc Lộ đã cho ra được hai sản phẩm căn bản trên cánh đồng Quốc ngữ - chữ Việt: Từ điển Việt Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh (có cả phần ngữ pháp) và sách Phép giảng tám ngày.
Qua lục lọi hàng vạn trang bản thảo tại các thư khố liên quan ở châu Âu, suốt hơn chục năm, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, tác giả Pháp Roland Jacques đã tìm thấy được ở Thư viện Quốc gia Lisbon một bức thư dài 7 trang, một tập bản thảo 22 trang cho cuốn sách dự trù “Nhập môn tiếng Đàng Ngoài’’ (bằng chữ La-tinh và chữ Quốc ngữ) của Pina. Nguồn tư liệu quý báu này đã cho phép R. Jacques hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học” mà điểm chính là chỉ ra công sức của Pina trong việc mở đầu việc tạo tác chữ Việt bằng mẫu tự La-tinh.
Với lòng công chính của một giáo sĩ, Pina đề cao công sức của người Việt trong lĩnh vực Việt ngữ học mình đang theo đuổi. “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm (tức dinh trấn Thanh Chiêm- PV) chính là nơi tốt nhất. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên. Gần họ, những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ...”, trích một đoạn trong bức thư vừa nói của Pina gởi Khâm mạng Jerónimo Rodríguez Senior ở Ma Cao. Nó cũng cho thấy sự năng động của Pina khi ông chọn lập cư sở Thanh Chiêm (1623) cho việc La-tinh hóa tiếng Việt dù nơi đây chỉ cách cư sở Hội An chừng 7 cây số.
Phần mình, Đắc Lộ cũng kể, ngoài học với Pina, thêm một may mắn nữa đến với ông là một thiếu niên Thanh Chiêm 13 tuổi đã giúp ông nhanh học được tiếng Việt. “Thật kỳ diệu”, ông kể, “chỉ trong ba tuần cậu bé này đã giúp tôi phân biệt được các dấu thanh tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. Cũng trong ba tuần này, cậu bé này hiểu được những gì tôi nói, cả Pháp ngữ và La tinh ngữ”. Theo ghi chép của Đắc Lộ, vì yêu quý ông nên thiếu niên này xin lấy tên ông đặt kề tên thánh của mình, Raphael Rhodes. Trở thành thầy giảng, Raphael Rhodes đi truyền đạo ở Lào năm 1642, đến năm 1655 về lại Đàng Ngoài, thôi làm tu sĩ và lập gia đình, có cơ sở kinh doanh ở Thăng Long và Phố Hiến. “Theo lời lớp người trước ở đây truyền lại thì người thiếu niên ấy là người tộc Lê ở làng Thanh Chiêm mình. Nhưng gia phả tộc Lê của người thiếu niên ấy không còn. Từ khi người thiếu niên đó thành thầy giảng rồi ra đi là đi biệt luôn, không hề có tin tức chi về. Thật là tiếc...”, thầy Đinh Thúc Thẩm kể.
HUỲNH VĂN MỸ
(1) Dòng Tên là dòng tu lấy tên theo tên Chúa Giê su - dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu).