Văn hóa - Giải trí

Nghĩ về Bùi Giáng

08:50, 13/08/2016 (GMT+7)

Đọc thơ và lời bình giảng thơ của Bùi Giáng từ rất sớm nhưng “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, mãi đến năm 1973, tôi mới được gặp Bùi Giáng ngoài đời.

Nhà thơ Bùi Giáng (ảnh tư liệu)
Nhà thơ Bùi Giáng (ảnh tư liệu)

Hồi đó, thỉnh thoảng tôi lại gặp Bùi Giáng đội mũ cối nhựa, vai khoác bao tải, đi lang thang trong sân Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và hễ trông thấy mẩu giấy nào có chữ - dầu nhỏ đến mấy, ông đều nhặt cho vào bao tải với thái độ hết sức nghiêm cẩn.

Trong mắt sinh viên Việt Hán chúng tôi, động thái sùng kính “chữ nghĩa thánh hiền” đầy ấn tượng và/vì khác người ấy càng khiến chúng tôi thêm yêu quý Bùi Giáng, thêm yêu quý thơ và lời bình giảng thơ của Bùi Giáng; những giờ học Truyện Kiều của chúng tôi luôn đồng hành với các câu thơ Bùi Giáng tập Kiều: Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa (bài Mã Giám Sinh), Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà (bài Chào Nguyên Xuân) và cùng với rất nhiều cảm nhận của Bùi Giáng trong cuốn sách viết về Truyện Kiều, chẳng hạn như cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều mà cũng chủ yếu là cảm nhận về tài năng nghệ thuật của tác giả Đoạn trường tân thanh:

“Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia câu chuyện tầm thường, giữa cuộc sống tối tăm, một kiếp người đương vùng vẫy.

Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu (...) Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân, lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất, trong sáng hơn ca dao, thâm thúy hơn tôn giáo, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong lòng đau thương của thế kỷ”...

Bùi Giáng rất quan tâm đến giọng điệu của người kể chuyện. Giọng điệu của Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh được Bùi Giáng nhìn nhận là “giọng nói của một tấm lòng”. Tương tự, đọc Lục Vân Tiên - đúng hơn là nghe kể Lục Vân Tiên, dường như Bùi Giáng bị ám ảnh bởi giọng điệu của hai người kể chuyện: nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và người vú già: “Lục Vân Tiên. Không một cuốn truyện nào đã làm xúc động tuổi nhỏ của chúng ta nhiều bằng tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Ngày tôi còn nhỏ, tôi được người vú già kể cho nghe. Kể đi kể lại mãi, và tôi cứ đòi kể lại cho nghe hoài.

Dường như mỗi lần nghe lại, lại thấy mới mãi ra. Từ đó hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên cứ ám ảnh tôi luôn (...) Thế rồi ngày nay tôi lại nói chuyện Lục Vân Tiên với bà con nghe. Tất nhiên là nói sẽ dở lắm. Vì tôi không làm sao có được cái giọng của người vú già là một lẽ. Cái giọng trịnh trọng, chậm rãi, cảm động, lạ lùng, sau khi đằng hắng đủ ba lần, rồi mới bắt đầu: Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Bao giờ cũng vậy, trước khi lựa lời kể lại, bà chậm rãi cao giọng ngâm mấy lời thơ đầu của cụ Đồ Chiểu. Và từ đó, cái câu Ai ơi lẳng lặng mà nghe mãi mãi trong tâm tư tôi sẽ còn vang một âm vang huyền hoặc”.

Xin nói thêm rằng đọc thơ/nghe thơ cụ Đồ Chiểu, Bùi Giáng nói ông bị nhân vật Lục Vân Tiên ám ảnh, còn tôi bị một nhân vật cùng họ với ông ám ảnh: Bùi Kiệm - ám ảnh đến mức gần 30 năm trước tôi đã phải viết bài Minh oan cho Bùi Kiệm đăng trên Báo Thanh Niên.  

Bây giờ, mỗi lần muốn nói đến sự hoài niệm quá khứ, tôi thích dùng từ cảm cựu hơn từ hoài cổ, bởi khi đọc Bùi Giáng viết về thơ Bà Huyện Thanh Quan, tôi rất ấn tượng với cụm từ nỗi niềm cảm cựu mênh mang. Cụm từ này không chỉ nói lên cảm nhận của Bùi Giáng về cõi thơ Bà Huyện mà còn phù hợp với cảm nhận của riêng tôi về cõi thơ ông.

Nỗi niềm cảm cựu mênh mang của Bùi Giáng không chỉ thấp thoáng trong những câu thơ nói về thời đã qua mà còn ẩn hiện trong cả những câu thơ nói về thời chưa tới, chẳng hạn mấy câu trong bài Mai sau em về: Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy chăng/ Ta đi còn gởi đôi giòng/ Lá rơi có dội ở trong sương mù... Thậm chí, nỗi niềm cảm cựu mênh mang của ông còn bàng bạc trong một bài thơ viết về thời đại kỹ thuật số: Cũng là ngẫu nhĩ tồn sinh/ Ngồi xem trực tiếp truyền hình đá banh/ Muốn bắc thang hỏi ông xanh/ Bao giờ trực tiếp truyền thanh mưa nguồn...

Câu hỏi của nhà thơ hướng về phía tương lai mà lại gợi nên cảm giác về một hồi ức: bao giờ cho đến... ngày xưa - bao giờ trở lại cái thời con người chưa đang tâm tàn phá thiên nhiên, cũng là chưa đang tâm tàn phá nguồn sống/môi sinh của chính mình. Ai dám bảo Bùi Giáng... điên?

BÙI VĂN TIẾNG

.