Văn hóa - Giải trí

Quảng bá du lịch từ điện ảnh

08:12, 20/08/2016 (GMT+7)

Quảng bá du lịch từ điện ảnh là một trong những cách làm hiệu quả đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Với nhiều tiềm năng du lịch, cảnh đẹp về sông, núi, biển, Đà Nẵng đang được các đoàn làm phim, các chương trình thực tế hướng đến. Nếu biết tận dụng, đây sẽ là cách truyền thông hiệu quả đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều cảnh trong phim Zippo, mù tạt và em được quay tại Đà Nẵng. (Ảnh do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam - VFC cung cấp).
Nhiều cảnh trong phim Zippo, mù tạt và em được quay tại Đà Nẵng. (Ảnh do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam - VFC cung cấp).

Tận dụng cơ hội

Cuối năm 2015, sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt công chúng, những thước phim về phong cảnh nên thơ hữu tình của núi non, biển cả, cánh đồng tại Phú Yên được khán giả cả nước trầm trồ và tìm đến tận nơi để khám phá vùng đất “hoa vàng, cỏ xanh”. Mới đây, các địa danh như hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình)... cũng được các đoàn làm phim quốc tế tìm đến. Trước đó, một số địa danh nổi tiếng của Đà Nẵng như cầu Sông Hàn, khu nghỉ dưỡng Intercontinental, biển Mỹ Khê... đã được đưa vào các phim như Trái tim có nắng, Tuổi thanh xuân. Gần đây nhất, khán giả cả nước một lần nữa biết đến Đà Nẵng qua những thước phim về các cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Hàn, khu du lịch Bà Nà Hills, đèo Hải Vân, núi Sơn Trà trong bộ phim Zippo, mù tạt và em được phát sóng trên kênh VTV3.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng, quảng bá du lịch qua phim ảnh là cách rất tốt, tạo hiệu ứng xã hội và sự lan tỏa cao.

Thực tế, khán giả muốn tận mắt thấy và trải nghiệm những cảnh đẹp từ phim nên hiệu quả quảng bá theo hình thức điện ảnh có tác dụng mạnh mẽ trong việc thu hút khách. Tận dụng cơ hội này, các công ty lữ hành tại nhiều quốc gia đã đưa các điểm du lịch “ăn theo” các bộ phim nổi tiếng vào những lộ trình tour để tăng tính hấp dẫn cho chương trình.

Rõ nét nhất là Hàn Quốc, hàng loạt điểm đến trong các bộ phim trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, các thể loại phim truyền hình, phim ngắn đều là hình thức quảng bá du lịch hiệu quả vì người xem dễ cảm nhận, dễ chia sẻ trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Bên cạnh những bộ phim dài tập được các đoàn làm phim ghi hình thì những bộ phim ngắn (10-15 phút) cũng là một hình thức quảng bá điểm đến du lịch hiệu quả.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả lâu dài, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng du lịch, ngành du lịch cần có thêm nhiều chiến dịch quảng bá, đầu tư dài hạn đối với những địa danh gắn với các bộ phim, như vậy mới có thể hưởng lợi lâu dài và thu hút du khách.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến

Du lịch hiện là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng nên việc tăng cường quảng bá hình ảnh thành phố đến với bạn bè quốc tế đang rất được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, việc đầu tư và tận dụng các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch trên truyền hình và điện ảnh cũng là một trong những định hướng ngành du lịch thành phố đang thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh trong tương lai để khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch thành phố đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đoàn làm phim quốc tế đến Đà Nẵng như đoàn làm phim của kênh History Chanel Asia quay tại các điểm Bà Nà Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà..., nhằm giới thiệu Đà Nẵng là một điểm đến mới của châu Á.

Cùng với điện ảnh, mới đây, tại Hội chợ Du lịch quốc tế 2016, ngành du lịch thành phố đã chủ động kết nối, mời những người sử dụng blog (blogger), những nhà báo uy tín của các quốc gia như Thái Lan, Úc, Hong Kong, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc... đến Đà Nẵng tham quan, trải nghiệm. Những bài viết, hình ảnh của các blogger về Đà Nẵng xuất hiện trên rất nhiều trang mạng xã hội và nhận được nhiều phản hồi từ người đọc.

Ngành du lịch thành phố cũng có kế hoạch tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phát triển du lịch, trong đó chú trọng các hình thức mới và mang lại hiệu quả như truyền thông qua các mạng xã hội (Fanpage Danang FantastiCity; Youtube; Instagram; Twitter...); nâng cao chất lượng chuyên mục du lịch trên các đài phát thanh, truyền hình trong nước và quốc tế; đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin du lịch như cổng thông tin du lịch, quầy thông tin tại sân bay và Trung tâm Hỗ trợ du khách. Ngành du lịch thành phố đang chú trọng đầu tư đẩy mạnh ứng dụng truyền thông số để quảng bá thương hiệu và hình ảnh Đà Nẵng như một điểm đến du lịch hấp dẫn. Đây được xem là cách quảng bá du lịch thông minh trong thời đại công nghệ hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, để xúc tiến du lịch, thành phố chú trọng phát triển thị trường, quảng bá hình ảnh thương hiệu điểm đến thông qua việc tổ chức và tham gia các hội chợ, roadshow (trình diễn và quảng bá sản phẩm lưu động) trong và ngoài nước; tổ chức mời và đón các đoàn Famtrip, Presstrip....; phối hợp với Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động quảng bá, phát động thị trường tại các khu vực trọng điểm và tiềm năng; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các sự kiện du lịch nổi bật; tổ chức các giải thưởng lớn mang tính quốc tế... nhằm kết nối và đưa Đà Nẵng đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu năm 2017 sẽ đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 1,6 triệu lượt khách quốc tế và 4,4 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch đạt 17.764 tỷ đồng.

THU HÀ

.