Văn hóa - Giải trí
Bài 3: Cô gái hái dâu thành hoàng hậu
Một di tích của dinh trấn Thanh Chiêm còn lưu giữ được là đền thờ Hiếu Chiêu hoàng hậu. Người Thanh Chiêm bao đời nay đã coi vị hoàng hậu mà họ quen gọi là Đoàn Quý Phi (1601-1661) như là vị Mẫu của xứ sở mình. Sự ra đời của dinh trấn Thanh Chiêm như là lối dẫn cho sự kế tục tốt đẹp của phả hệ các chúa Nguyễn trong việc ổn định và mở rộng giang sơn qua cuộc hôn nhân đầy kịch tính giữa một thôn nữ với chàng công tử nhà chúa…
Nghề trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa vẫn còn được duy trì ở vùng Thu Bồn thuộc Duy Xuyên, Điện Bàn, nhất là ở xã Duy Trinh - nơi lập nghiệp của tổ tiên bà Đoàn Quý Phi. Trong ảnh: Cảnh phơi tơ ở xưởng ươm tơ của ông Nguyễn Nhật Tuấn ở làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. |
Câu hát đưa duyên
Quả là một điều vô cùng hấp dẫn, thích thú với nhà báo Pháp Henri Le Grauclaude khi ông được nghe câu chuyện tình ly kỳ, diễm tuyệt giữa cô gái hái dâu đêm bên bãi sông với một vị công tử về sau lên ngôi chúa rồi được truy tôn là hoàng đế và cô gái hái dâu kia được tôn là hoàng hậu.
Mối tình và cuộc hôn nhân vương giả- thứ dân đẹp như một thiên tình sử hiếm có này đã được Grauclaude biết đến và viết lại khá chi tiết khi ông được vinh dự tháp tùng hoàng đế Bảo Đại đến cung yết lăng mộ hai bà Hiếu Văn hoàng hậu (1) và Hiếu Chiêu hoàng hậu ở Quảng Nam hồi năm 1933 (2).
Thiên tình sử được Grauclaude giới thiệu chắc chắn sẽ gây hứng khởi cho người đọc muôn nơi và cái luận đề “tình yêu không có giai cấp” lại thêm một bằng chứng sống động.
“Chuyện cô gái hái dâu Đoàn Thị Ngọc trở thành vương phi, hoàng hậu thì cả đến lớp trẻ ở Thanh Chiêm cũng biết được. Là bởi xưa nay người ở đây hay hát ru con bằng những câu mà bà Đoàn Quý Phi hát khi hái dâu đêm để chúa nghe rồi tìm đến mà kết thành chồng vợ...”, lão làng Thanh Chiêm Đinh Trọng Tuyên nói bên biền bắp ở bờ tả sông Thu Bồn vốn là bãi dâu bà Đoàn Quý Phi đã hái dâu và hát dưới trăng cách nay vừa chẵn 400 năm (1616).
“... Năm 15 tuổi, bà hái dâu ở bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Hy Tông hoàng đế ta (tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên - PV) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông hoàng đế ta (tức chúa Nguyễn Phúc Lan - PV) đi theo hộ giá, đêm đáp thuyền chơi trăng. Đỗ thuyền ở gành Điện Châu câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu chúa ở tiềm để, được yêu chìu lắm. Bà sinh một trai ấy là Thái Tông hoàng đế (tức Chúa Nguyễn Phúc Tần - PV)”, Đại Nam liệt truyện tiền biên đã trân trọng ghi lại lịch sử của cuộc hôn nhân vương giả - thứ dân này.
Cái câu hát mà cả chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và công tử Nguyễn Phúc Lan đều lấy làm lạ này có lẽ không phải vì cung bậc thánh thót dưới ánh trăng vằng vặc bên sông của người con gái hái dâu bởi đây là cảnh tượng khá thường tình mà thời ấy ai cũng có thể bắt gặp đây đó. Cái lạ, cái khác thường chính là cô thôn nữ đã dám... tỏ tình với chúa từ thân phận của mình qua câu hát : “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa... Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình...”.
Gành Điện Châu cách dinh lỵ Thanh Chiêm chỉ chừng hai cây số đường sông, nay gành sâu đã bị bồi cạn bớt, chỉ còn là đoạn sông cụt thông với Thu Bồn. Biền đất dâu ngày xưa hiện được trồng bắp bởi nghề tằm tơ bên Thu Bồn không còn thịnh đạt. Những ghe thuyền chuyển cát sạn thỉnh thoảng lướt qua đoạn sông cụt bên gành. 400 năm trôi qua. Sông chuyển dòng. Bãi bờ xê dịch.
Nhưng nước Thu Bồn vẫn trong xanh dưới nắng. Và tình sử Đoàn Quý Phi- Chúa Nguyễn Phúc Lan vẫn được người Thanh Chiêm nhớ mãi. “Vì yêu quý bà nên dân làng đã tôn gọi bà là Quý Phi, quen gọi bà là Đoàn Quý Phi chứ ít khi gọi là hoàng hậu. Đời bà gắn liền với quê làng, với dinh trấn Thanh Chiêm. Nhìn cái đền thờ bà dân mình thấy ấm lòng khi nhớ lại dinh xưa trấn cũ...”, ông Tuyên bày tỏ.
Bà chúa tằm tang
Chuyện cô gái hái dâu Đoàn Thị Ngọc thành hoàng hậu còn là nguồn lực cho cư dân dinh Quảng Nam và cả xứ Đàng Trong thăng tiến nghề tằm tơ canh cửi của mình. Với người Quảng Nam - nhất là vùng lưu vực sông Thu Bồn, niềm phấn khích khi thấy cô gái hái dâu của xứ sở mình được vào hoàng cung, được thành bậc mẫu nghi thiên hạ khiến họ càng chăm chỉ hơn nữa với nghề dâu tằm vốn là thế mạnh sẵn có của họ. “Dinh trấn Thanh Chiêm - cảng thị Hội An - bà Đoàn Quý Phi có sự gắn bó với nhau.
Có dinh trấn Thanh Chiêm mới có cái cảng thị Hội An. Có tơ lụa thu được nhiều ở Quảng Nam góp vào cho xứ Đàng Trong cái cảng thị Hội An mới thêm thịnh vượng lên, mới được thương nhân nước ngoài liệt vô loại cảng thị lớn ở Đông Nam Á, mới được coi là điểm dừng, là hải cảng quan trọng trên “Con đường tơ lụa trên biển” thời ấy. Tơ lụa ở Đàng Trong có nhiều là có một phần công lao của bà Đoàn Quý Phi góp vô đó...”, ông Tuyên nói khi dẫn ra những ghi nhận lịch sử.
Từ những bãi biền bên sông Thu Bồn- vùng tằm tơ trọng điểm của Đàng Trong, thật lý thú khi xem lại những dòng mà giáo sĩ Dòng Tên Cristophoro Borri viết về tơ lụa Đàng Trong trong Tường trình về Xứ Đàng Trong (1621) đệ lên đức Giáo hoàng Urbanô VII: “Họ có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hằng ngày... Và dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang nước Lào để rồi đưa sang Tây Tạng. Thứ lụa này không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu...”.
Cô gái hái dâu - vương phi Đoàn Quý Phi với tâm cảm từ câu hát giao tình với công tử Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) phải đâu bước vào vương gia để thụ hưởng mà quên việc giúp đỡ lê dân. Khi theo chồng về dinh chúa ở Kim Long (Huế), bà đã đem nghề tằm tang của quê mình truyền lại cho người dân quanh vùng, khuyến khích họ theo nghề để có được áo cơm sung túc.
Không chỉ truyền nghề, thật cảm kích, bà còn truyền cả cho cư dân quanh phủ chúa những câu hát trao tình với chúa của mình bên biền dâu ngày trước. “Mấy câu hát này đã được mấy chị lái đò ngày nay thường vẫn nỉ non trên dòng sông Hương. Chúng được truyền tụng hết đời nọ sang đời kia mà chính Hiếu Chiêu hoàng hậu đã truyền lại cho tổ tiên các người lái đò ấy”, nhà báo Grauclaude đã viết.
Canh cánh với tình nghĩa quê nhà, với nghề tằm tơ canh cửi, những câu hát như một định mệnh đưa mình đến ngôi vị trí cao sang cũng từ thân thế của một cô gái hái dâu, Đoàn Quý Phi đã gắn gần hết đời mình ở vùng tơ lụa - dinh trấn Thanh Chiêm.
Khi Nguyễn Phúc Lan lên ngôi chúa - 1635, bà chỉ ra ở phủ chúa dăm năm rồi về lại Thanh Chiêm cùng con trai là thế tử Nguyễn Phúc Tần - trấn thủ Quảng Nam. Đến cả khi Nguyễn Phúc Tần rời Thanh Chiêm ra Kim Long lên ngôi chúa - 1648, bà vẫn ở lại Thanh Chiêm. “Tính đến khi Đoàn Quý Phi mất - 1661, bà đã sống trọn 22 năm cuối đời ở dinh trấn Thanh Chiêm, thay vì phủ chúa ở Kim Long. Thời gian này bà dùng uy tín, dùng điều kiện có được của bà để giúp vùng tơ lụa Thu Bồn của đất Quảng phát triển lên. Bởi rứa nên bà được dân Quảng Nam tôn là Bà chúa tằm tang.
Năm 2006 người dân xã Duy Trinh - cách Thanh Chiêm chừng bốn cây số theo đường sông Thu Bồn, là nơi tổ tiên bà từ miền Bắc đến lập làng, đã lập Lễ hội Bà chúa tằm tang. Từ đó cứ đôi ba họ năm lại tổ chức lễ hội này một lần để tỏ lòng nhớ ơn bà...” - ông Đinh Trọng Tuyên cho biết.
Huỳnh Văn Mỹ
(1) Từ bài báo “Cung yết lăng hai bà Hoàng hậu ở núi Chiêm Sơn” của nhà báo H. Le Grauclaude, 1933, được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm và giới thiệu.
(2) Lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu (bà Mạc Thị Giai, vợ chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở tại làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, gần lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng hậu, cách Thanh Chiêm chừng 5 cây số về hướng tây.