Đà Nẵng cuối tuần

Diều mặt trăng

08:33, 14/08/2016 (GMT+7)

Wau Bulan, được gọi là “Diều mặt trăng”, nó có hình cánh buồm dáng lưỡi liềm trông hơi giống như một mặt trăng trên bầu trời. Xuất xứ từ bang Kelantan (Malaysia), “Diều mặt trăng”  được trang trí lộng lẫy với các mẫu hoa, lá đầy màu sắc  bằng giấy, cắt dán bao phủ trên một khung tre. Nó cũng là một trong những biểu tượng quốc gia, trong đó có hàng không Malaysia.

Bậc thầy làm diều Shafie Jusoh đang vót tre ở xưởng sản xuất.
Bậc thầy làm diều Shafie Jusoh đang vót tre ở xưởng sản xuất.

Chơi diều là một trong những sở thích ở các khu vực nông thôn Malaysia, đặc biệt là ở các tiểu bang ở phía Tây Bắc của Kedah, Perlis và Kelantan. Trò chơi thả diều đã trở thành một truyền thống. Người dân chơi Wau (Diều) để giải tỏa mệt mỏi sau khi làm việc. Họ cảm thấy hạnh phúc có dịp gặp nhau, “trổ tài” chơi diều. Ở Malaysia, nghệ thuật chơi và kỹ thuật làm diều đã có từ lâu, tuy nhiên, theo nhà sử học  Clive Hart, tập tục chơi diều ở đây đến từ Trung Quốc. Điều này có thể do thiết kế mẫu mã có điểm chung với diều truyền thống của Trung Quốc. Dáng vẻ các con diều trong quá khứ thực hiện bằng cách sử dụng lá cây ép trên đôi cánh rộng. Do vậy, sự tiến hóa diều ở Malaysia có khả năng hấp thụ các yếu tố văn hóa từ Trung Quốc. Tại Malaysia, có ba loại diều truyền thống: Wau Bulan, Wau Kucing và Wau Jala Budi. Nhưng Wau Bulan - Diều mặt trăng được chú trọng nhất.

 “Diều mặt trăng” tại bờ biển, ở ngoại ô Tumpat, bán đảo bang Kelantan, miền đông bắc của Malaysia.
“Diều mặt trăng” tại bờ biển, ở ngoại ô Tumpat, bán đảo bang Kelantan, miền đông bắc của Malaysia.

Theo AFP, Shafie Jusoh, 69 tuổi, là một nghệ nhân nhiều kinh nghiệm, đam mê, yêu các con diều truyền thống Malaysia đến nỗi ông không thể có một đêm ngon giấc trừ khi hằng ngày ông được làm những cánh diều. Khi còn là một cậu bé, Shafie Jusoh đã chểnh mảng việc học hành để theo đuổi các “chuyến bay”. Hiện ông là một trong số ít bậc thầy về nghề làm diều, dành cả cuộc đời mình để thổi sự sống vào nghề thủ công xa xưa.

Bên ngoài xưởng sản xuất diều của Shafie Jusoh, là một cánh diều khổng lồ, với đôi cánh đầy màu sắc. “30 năm trước, tôi thực hiện con diều này. Phải cần đến 25 người đàn ông để đưa nó bay lên cao”, ông nói với phóng viên AFP, khi ông đưa tay chỉ vào một hình ảnh mờ nhạt của một cánh diều đang phất phới cao trong không khí. Trên mặt bàn gỗ tại xưởng của ông được xếp ngay ngắn những giải thưởng đến từ các cơ quan chính phủ dành cho những nỗ lực phát triển nghề làm diều của Malaysia - trở thành biểu tượng quốc gia trên toàn thế giới. Shafie Jusoh nhớ lại nhiều năm trước đây, một cơ hội đặc biệt, hy hữu khi ông mang theo 30 con diều đến một cuộc triển lãm ở Paris và tất cả đã được bán một cách nhanh chóng”. Đối với những người nước ngoài, những con diều quá sức độc đáo và họ yêu thích nó”, ông nói.

Shafie Jusoh trong xưởng sản xuất diều.
Shafie Jusoh trong xưởng sản xuất diều.

Các tia sáng sớm chuyền qua cánh cửa sổ màu xanh cũ kỹ, phủ tràn lên cánh tay khi Shafie Jusoh đang sử dụng con dao, cắt gọt một cây gậy tre gai để làm cho tre đúng như ý muốn... Sau khi gọt giũa đủ số que tre, ông uốn cong và gắn chúng với nhau để tạo thành khung sườn chính con diều. Kế đến, ông sử dụng con dao nhỏ cắt trổ các mẫu vẽ  hoa với họa tiết phức tạp trên một loại giấy màu, đính lên giấy can, sau đó mới dán vào khung tre chính. Con diều vừa dán xong phải để trong nhà một ngày cho keo khô. Toàn bộ quá trình hình thành một con diều có thể mất từ ​​hai tuần đến ba tháng tùy thuộc vào kích thước và tính chất trang trí phức tạp của mỗi con diều. “Muốn làm diều, bạn cần cả niềm đam mê và sự kiên nhẫn”, Shafie Jusoh giải thích.

Diều mặt trăng, kích thước nhỏ thường được bán với giá khoảng 400-500 ringgit (trên 2,7 triệu đồng tiền Việt Nam); các mô hình diều lớn hơn, chi phí nhiều hơn, giá bán sẽ cao hơn. Nhiều khách hàng của Shafie Jusoh quan tâm đều chọn mẫu thiết kế diều của ông và một số khác cũng mua mẫu cánh diều của ông để trang trí cho ngôi nhà của mình. Shafie không có kế hoạch nghỉ hưu trong thời gian tới và hy vọng vẫn còn thời gian để ông truyền đạt kiến ​​thức và kỹ năng của mình cho người khác. Lễ hội diều hằng năm của nhà nước tổ chức đã gây ra sự lôi cuốn đối với rất nhiều học sinh yêu mến diều truyền thống. Một số sinh viên, thậm chí cả sinh viên từ các trường bên ngoài  Kelantan, cũng tìm đến để nhờ ông dạy cho cách làm diều.

Công đoạn hoàn thành khung diều.
Công đoạn hoàn thành khung diều.

Sự đam mê và kiên nhẫn của Shafie Jusoh đã tạo nên danh tiếng cho công việc  đầy dấu ấn sáng tạo của mình. Xưởng sản xuất diều của ông trở thành một điểm đến phổ biến cho các tour du lịch quốc tế từ châu Âu và Bắc Mỹ đến thăm Kelantan.

HOÀNG ĐẶNG

.