.

Đêm Trung thu nên là lễ hội đường phố

.

Nét đẹp truyền thống từ bao đời nay ở nước ta là vào rằm Trung thu (tháng tám âm lịch) hằng năm, luôn diễn ra lễ hội múa lân đầy sinh động, hấp dẫn không chỉ cho các cháu thiếu niên, nhi đồng mà cả người lớn tuổi cũng bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn và tình yêu thương dành cho con trẻ.

Theo dõi nhiều năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chúng ta, trong hai đêm 14 và 15 tháng 8 (âm lịch) hằng năm đều có múa lân, tổ chức lễ hội trăng rằm.

Tuy nhiên, việc múa lân này thường diễn ra ở các trường học, các cơ quan, doanh nghiệp dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trên một số tuyến phố chính của Đà Nẵng cũng có những gia đình, doanh nghiệp đưa lân đến múa trước nhà, trụ sở chủ yếu là lấy “hên”, thu hút rất đông người xem. Có những tuyến đường đông nghẹt kéo dài gần cả tiếng đồng hồ.

Trước tình trạng đó, lực lượng Cảnh sát giao thông phải tìm cách ngăn chặn hoặc hướng dẫn phân luồng cho người và phương tiện đi lại. Thậm chí có năm, lực lượng chức năng nghiêm cấm, đẩy đuổi quyết liệt, không cho các đội lân đi múa di động ở các gia đình, các doanh nghiệp nằm trên các tuyến đường phố chính. Nhiều khu phố không cho các cháu làm đầu lân và tổ chức múa lân, vì lý do  bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông?!

Chính cách làm đó dẫn đến đêm hội trăng rằm không hấp dẫn, nếu kết hợp với trời mưa vậy là đêm Trung thu cả thành phố sẽ vắng hoe.

Việc làm này, theo suy nghĩ của người quản lý là làm cho đường phố luôn luôn thông thoáng để các phương tiện lưu thông, an ninh trật tự được bảo đảm.

Thế nhưng ở một góc độ khác lại có cái không hay của nó, nhất là làm cho ngày hội trăng rằm hằng năm dành cho tuổi thơ không còn hấp dẫn, nhiều cháu không được thưởng ngoạn những màn múa lân hấp dẫn, nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp không thực hiện được nguyện vọng là để lân múa vào nhà lấy “hên” mong làm ăn được phát đạt!

Nên chăng thành phố nghiên cứu biến ngày hội trăng rằm Trung thu hằng năm thành ngày hội đường phố với lễ hội múa lân, với cách thi lân đẹp, múa hay,  với cách tự do tiếp cận múa trên nhiều tuyến phố chính mà người dân và các doanh nghiệp có nhu cầu…

Muốn vậy, chúng ta mạnh dạn cho cấm ô-tô hoạt động trên các tuyến phố chính ở khu vực trung tâm  từ 18 giờ 30 đến 23 giờ của ngày 14 và 15 tháng 8 (âm lịch). Thời gian đó chỉ cho xe máy và người đi bộ lưu thông. Các đội lân sẽ được tự do hoạt động trên các đường phố hay tại các gia đình, doanh nghiệp có nhu cầu đưa lân đến múa. Thậm chí có thể cấm cả xe máy chỉ để cho người đi bộ trên một vài tuyến đường cho các đội múa lân tự do hoạt động phục vụ người xem.

Nếu cách làm này được tổ chức thực hiện, được hướng dẫn và quản lý tốt sẽ nhanh chóng biến thành ngày hội đường phố rộn ràng với tiếng trống, cảnh múa lân và nhộn nhịp người xem, nhất là trẻ em được bố mẹ, người thân đưa đi xem múa lân.

Bởi đây là ngày truyền thống dành cho các cháu mà ông bà, bố mẹ không thể không ưu tiên cho trẻ. Họ sẽ tự nguyện đưa con đi dạo phố, đi xem múa lân, tất sẽ biến đường phố đông vui nhộn nhịp, hoạt động múa lân có người xem, có người hoan hô. Lâu nay chúng ta tổ chức lễ hội biển, lễ hội hóa trang nhưng ít thu hút được người xem bởi cũng có lý do là các hoạt động đó chưa thành thói quen, nếp nghĩ của mọi người.

Cũng có thể thông qua ngày hội trăng rằm, chúng ta tổ chức thêm các hoạt động văn nghệ, lễ hội hóa trang, các điểm thi múa lân… thì chắc chắn sẽ tạo ra một không khí lễ hội hấp dẫn.

Nếu chúng ta duy trì thường xuyên, tổ chức ấn tượng, có thể mời thêm các đội lân các địa phương bạn về tham gia, thi tài…, có thể tạo một sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố.

Mặc khác, đây cũng là hoạt động bổ ích, lý thú mang tính truyền thống của dân tộc có từ bao đời nay. Nó không chỉ phục vụ tuổi thơ đơn thuần mà còn là cách để người lớn chúng ta tạo dựng trong lòng trẻ thơ một ký ức tốt đẹp, một hành trang thú vị cho cả cuộc đời.

Một vài suy nghĩ như thế mạnh dạn đề xuất với các nhà quản lý thành phố chúng ta xem xét!

Tuyết Minh

;
.
.
.
.
.