Gần 30 năm kể từ ngày Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 8 được tổ chức tại Đà Nẵng vào năm 1988, hoạt động phim truyện, điện ảnh của Đà Nẵng vẫn khá trầm lắng. Vì thế, để chuẩn bị cho LHP toàn quốc lần thứ 20 diễn ra tại Đà Nẵng vào năm 2017, phim tài liệu được xác định là thế mạnh của Đà Nẵng tại sự kiện này.
NSƯT Trí Trung (phải) trao tặng đĩa gốc phim tài liệu Nhớ đảo cho đại diện UBND huyện Hoàng Sa. |
“Đất vàng” cho phim tài liệu
Chia sẻ với chúng tôi, NSƯT Trí Trung (VTV8) cho rằng, mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng và miền Trung-Tây Nguyên nói chung có bề dày văn hóa, lịch sử, nhiều danh nhân nổi tiếng, xã hội nhiều chuyển động..., tất cả là nguồn tư liệu quý giá cho phim tài liệu. Phim tài liệu tại Đà Nẵng bắt đầu phát triển vào những năm 1990, đội ngũ làm phim chủ yếu công tác tại VTV8, gắn liền với những tên tuổi Đoàn Huy Giao, Trí Trung, Huỳnh Hùng, Hồ Trung Tú..., cùng những bộ phim như Lá hát, Trang đời huyền thoại, Nhớ đảo, Một đời bên Bác, Giở lại trang nhật ký Chu Cẩm Phong, Tây Nguyên - miền mơ tưởng... “Phim tài liệu của Đà Nẵng luôn được đồng nghiệp ở các đài truyền hình, giới làm phim kính trọng bởi anh em có sự đam mê, dấn thân hết mình trong từng thước phim. Để có được bộ phim hoàn chỉnh, bản thân tôi luôn trăn trở về nhân vật của mình, cứ thế chỉnh tới, chỉnh lui đến khi nào ưng ý mới thôi”, NSƯT Trí Trung chia sẻ.
Trong khi đó, NSƯT Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố, người có duyên với nhiều giải thưởng phim tài liệu cũng cho rằng, tình yêu đặc biệt với mảnh đất có nhiều anh hùng, hào kiệt thôi thúc người trong nghề sáng tác. Vì thế, dù luôn bận rộn với công tác quản lý nhưng anh vẫn tìm mọi cách để làm phim.
Kỳ vọng gì ở LHP lần thứ 20?
Suốt 20 năm qua, phim tài liệu của các nghệ sĩ Đà Nẵng (chủ yếu những người công tác tại VTV8, DRT) gặt hái rất nhiều giải thưởng của LHP truyền hình toàn quốc, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Báo chí quốc gia... nhưng chưa chạm vào giải Bông sen vàng tại các kỳ LHP Việt Nam. Ngay cả khi Đà Nẵng đăng cai LHP Việt Nam lần thứ 8 năm 1988, thành phố cũng không có phim nào tham gia.
Phim truyện hay phim điện ảnh càng không có chỗ đứng. Theo NSƯT Trí Trung, phim truyện từng được sản xuất phục vụ chương trình phát sóng của VTV8 nhưng không hiệu quả nên sau này không còn thực hiện. “Chúng ta thiếu đội ngũ sáng tác, đạo diễn thể loại phim truyện và đặc biệt là diễn viên. Vì thế, dù các đoàn làm phim quốc tế hay mới đây đoàn làm phim Zippo, Mù Tạt và em đã chọn Đà Nẵng để thực hiện nhiều cảnh quay; sự kiện điện ảnh “Gặp gỡ mùa thu” tổ chức tại Đà Nẵng nhưng Đà Nẵng vẫn đứng ngoài cuộc chơi”, NSƯT Trí Trung nhận định.
Xác định thế mạnh của thành phố hiện chỉ là phim tài liệu nên để chuẩn bị cho LHP, NSƯT Huỳnh Văn Hùng cho biết đã phát động đến toàn thể hội viên trong Hội Điện ảnh thành phố sáng tác và sản xuất phim tài liệu tham gia. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, chỉ mỗi NSƯT Huỳnh Văn Hùng dự định thực hiện phim tài liệu Dưới chân Thành Điện Hải. Nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn khi hầu hết thế hệ “vàng” của phim tài liệu hiện vì lý do sức khỏe đã bỏ cuộc chơi, trong khi lớp kế cận vẫn chưa đủ độ chín về nghề cũng như niềm đam mê, vậy thì liệu phim tài liệu có cơ may tỏa sáng tại LHP toàn quốc lần thứ 20 diễn ra ở Đà Nẵng vào năm 2017 hay không.
NSƯT Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết, điều lo lắng nhất trong công tác chuẩn bị cho Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 20 diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017 là rạp Lê Độ - nơi diễn ra sự kiện này. Theo quy hoạch tổng thể mặt bằng nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, rạp Lê Độ bị thu hồi toàn bộ mặt tiền (121m2); đồng nghĩa với việc trong tháng 10, khi thi công nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, rạp Lê Độ tạm thời đóng cửa. Sở đã có công văn trình UBND thành phố đầu tư, xây mới rạp và UBND thành phố đã đồng ý chủ trương, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu lập kế hoạch đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ