Văn hóa - Giải trí
Thành Điện Hải bị xâm hại
Thành Điện Hải - một di sản cấp quốc gia đang bị xâm hại khiến không ít người, nhất là những người làm văn hóa cảm thấy xót xa...
Cổng thành phía nam thành Điện Hải đóng kín, không sử dụng do lối ra nằm trong khuôn viên Công viên phần mềm số 2 Quang Trung. |
Bị xâm hại nghiêm trọng
Theo Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) thành phố, tại thời điểm lập hồ sơ xếp hạng di tích năm 1988, thành Điện Hải chỉ còn lại 4 tường thành chính cùng hệ thống hào, rãnh ở phía đông và phía nam di tích, còn các hào, rãnh khác đã bị xâm hại gần như hoàn toàn nên xác định ranh giới bảo vệ khu vực I là toàn bộ khu vực tính từ chân tường của 4 tường thành chính và khu vực mặt nền bên trong của thành Điện Hải; hệ thống hào, rãnh và tường thành ngoài được đưa vào khu vực bảo vệ II của di tích.
Tuy nhiên, hiện tại khu vực bảo vệ II của di tích bị xâm hại nghiêm trọng. Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố cho biết, phía nam thành Điện Hải hiện có Công viên phần mềm số 2 Quang Trung xâm hại một phần khu vực bảo vệ II. Một phần phía đông thành Điện Hải là Trung tâm Hành chính thành phố cũng gây ảnh hưởng về mặt cảnh quan và trong quá trình thi công trước đây có gây sụt lún thành hào. Phía bắc khu vực bảo vệ II di tích thành Điện Hải hiện đang tồn tại công trình Trung tâm Thể dục-Thể thao người cao tuổi nằm chồng lấn lên hào, rãnh và tường thành ngoài của di tích. Đặc biệt, phía tây thành, 28 hộ dân khu vực này đã cơi nới, xây dựng nhà sát vào tường thành, xâm hại đến khu vực bảo vệ II, tại thời điểm năm 1988, chỉ một số hộ dân làm nhà ở cách chân tường thành khoảng 5m.
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ xâm lấn khu vực bảo vệ II di tích thành Điện Hải, các hộ dân còn trưng dụng cả tường thành đặt để vật dụng sinh hoạt (xô chậu, thùng rác), phơi quần áo... trông rất nhếch nhác, mất mỹ quan.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT chia sẻ: “Thành Điện Hải bị xâm hại nghiêm trọng trước và sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1988. Đến nay, sự xâm hại ngày càng nặng và rõ ràng vi phạm Luật Di sản, khiến những người làm văn hóa cảm thấy xót xa”.
Nói thêm về thành Điện Hải bị xâm hại, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, chẳng phải đến bây giờ, mà lịch sử cho thấy thành Điện Hải đã bị xâm hại kể từ khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp vào năm 1888. Người Pháp biến nơi đây thành bệnh viện, đến sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước chia đôi từ vĩ tuyến 17, các trường học của người Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng chuyển vào Đà Nẵng, họ lấy khu bệnh viện này làm trường học mang tên Trường Trung học Blaise Pascal. Sau đó, trường này chuyển sang dạy tiếng Việt và mang tên Nguyễn Hiền. Đến năm 1974, chính quyền Sài Gòn cho thành lập Trường Đại học Cộng đồng Quảng Đà trên khu đất này. Sau ngày giải phóng Đà Nẵng (năm 1975), thành Điện Hải được xưởng dược và Bệnh viện Da liễu Quảng - Đà tiếp quản, năm 1976 lại bàn giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Nam-Đà Nẵng. Mãi đến năm 2004, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định di dời xí nghiệp này và xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trong khuôn viên thành Điện Hải.
Trả lại khu vực bảo vệ di tích
Trước tình trạng trên, Sở VH-TT đã đề xuất UBND thành phố 3 vấn đề trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải. Thứ nhất, giao Sở VH-TT phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu các căn cứ lịch sử, đặc điểm kiến trúc lập sơ đồ ranh giới phục dựng toàn bộ phần hào, rãnh và tường thành phía ngoài thành Điện Hải để có cơ sở tham mưu triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng như tham mưu giải quyết các mâu thuẫn giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích với nhu cầu cơi nới, xây dựng của các hộ dân khu vực phía tây thành. Từ đó đề xuất điều chỉnh Quyết định 8819/QĐ-UBND, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định (Quyết định 8819 điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ II của di tích theo hướng mở ranh giới bảo vệ di tích cách chân tường thành ra ngoài 2m để làm thành đường dân sinh và tạo sự ngăn cách giữa di tích và các hộ dân - PV).
Thứ hai, trên cơ sở sơ đồ ranh giới phục dựng toàn bộ phần hào, rãnh và tường thành phía ngoài thành Điện Hải, Sở VH-TT đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường tiến hành đo đạc, kiểm tra tính pháp lý về nhà và đất đối với các hộ nằm trong hành lang ranh giới dự kiến phục dựng và đề xuất phương án xử lý theo quy định.
Thứ ba, đối với việc đầu tư xây dựng Kho lưu trữ thành phố ở vị trí phía bắc thành Điện Hải, Sở VH-TT đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch, xây dựng phù hợp với cảnh quan chung của khu vực, không chồng lấn lên di tích thành Điện Hải nhằm phát huy giá trị của di tích và cảnh quan đô thị.
“Trước mắt, Sở VH-TT đề xuất UBND thành phố chỉ đạo nghiêm cấm bất kỳ động thái nào xâm phạm thêm di tích và từng bước khôi phục nguyên trạng thành Điện Hải. Hiện nay, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đề xuất của Sở VH-TT”, ông Hùng chia sẻ.
Nhân chứng cho buổi đầu chống Pháp Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, thành Điện Hải là một trong những hệ thống phòng thủ cực kỳ quan trọng đối với triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt đối với Đà Nẵng. Nơi đây ghi dấu những chiến công, xương máu của quân, dân Đà Nẵng trong buổi đầu chống Pháp của dân tộc Việt Nam; lưu giữ 11 súng thần công trực tiếp tham chiến. Có thể thấy, thành Điện Hải vừa có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc thành lũy, vừa có giá trị lịch sử và giá trị về chiến lược quân sự. Những năm qua, để phát huy giá trị di tích này, Bảo tàng tổ chức chương trình “Hành trình đến với thành Điện Hải” cho học sinh trên toàn thành phố nhằm giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ; thực hiện sưu tầm những hiện vật liên quan đến thành Điện Hải và giới thiệu về thành Điện Hải đến khách tham quan. “Nằm ngay giữa lòng thành phố, có giá trị đặc biệt, nếu thành Điện Hải được quan tâm trùng tu, khôi phục và bảo vệ đúng Luật Di sản thì tôi cho rằng nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn về văn hóa, lịch sử của thành phố”, ông Quốc Thiện nhấn mạnh. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ