Văn hóa - Giải trí
Kêu gọi ASEAN đẩy mạnh hợp tác sản xuất và phát hành phim
Để hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên là thế mạnh của ASEAN là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khi tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV diễn ra từ ngày 1 đến 5-11, tại Hà Nội.
Hợp tác là tất yếu
Khán giả thủ đô thưởng thức các tác phẩm đặc sắc của điện ảnh thế giới trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2016. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) |
Với quan điểm hợp tác là tất yếu, những ưu điểm, hạn chế, giải pháp để khắc phục khó khăn trong việc hợp tác sản xuất, phát hành phim tại các nước ASEAN được chia sẻ trong các sự kiện của Liên hoan phim.
Việc tìm cách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh lực làm phim cũng được bàn luận sôi nổi để hợp tác sản xuất, phát hành phim trở thành thế mạnh của cả khối.
Khi được hỏi, hầu hết những người tham dự Liên hoan phim năm nay đều cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN là xu thế tất yếu, trong đó đáng chú ý là cơ chế hợp tác để hỗ trợ tài chính; hỗ trợ đào tạo và quản lý làm phim.
Theo tiến sỹ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam), khi ASEAN là một cộng đồng chung, cơ hội hợp tác trong điện ảnh được nâng lên, sẽ có nhiều đột phá mới được tạo ra.
Bà Lan cũng hy vọng, thời gian tới, nếu các nền điện ảnh khu vực ASEAN nắm chặt tay nhau sẽ có nhiều hơn những bộ phim chất lượng, bắt kịp với thời đại, đủ khả năng cạnh tranh tại các giải thưởng lớn của thế giới.
Tại tọa đàm “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN” diễn ra chiều 2/11, Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee nhấn mạnh điện ảnh giúp nhân dân các nước trong khu vực đến gần nhau hơn. Thông qua các bộ phim, người dân có thể nắm bắt nhanh nhất về văn hóa, con người ở các khu vực trên thế giới.
Vài năm gần đây, điện ảnh một số nước ASEAN đã, đang từng bước tạo dấu ấn trên trường quốc tế, góp mặt tại các sự kiện lớn của thế giới như các liên hoan phim Cannes, Berlin, Venice; đem đến niềm tự hào chung cho cả khu vực.
Theo Phó Tổng Thư ký ASEAN Vongthep Arthakaivalvatee, tất cả các nước trong khối ASEAN đều có thể làm được điều đó nếu cùng nhau quảng bá sâu về các tác phẩm liên kết, hỗ trợ những nhà làm phim trẻ trong hoạt động sản xuất, phát hành...
Đặc biệt, với các sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016, Việt Nam đã nắm bắt được tinh thần của việc hợp tác phát triển điện ảnh là lấy con người làm trung tâm, đưa mọi người đến gần nhau hơn, cùng chia sẻ mục tiêu chung-phát triển điện ảnh khu vực.
Cần thêm nhiều sự hỗ trợ
Thông tin từ Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2015 Việt Nam có 450 cơ sở được cấp giấy phép sản xuất phim; đã có 41 phim chiếu rạp, 6 phim video, 53 phim tài liệu, 40 phim hoạt hình được sản xuất.
Về phát hành và phổ biến, Việt Nam có 138 rạp, cụm rạp với 510 phòng chiếu, 86.500 ghế. Trong năm 2015 có 51 triệu lượt khán giả đến rạp; doanh thu từ hoạt động chiếu bóng đạt 2.300 tỷ đồng.
Có mặt tại một trong những sự kiện của Liên hoan phim, ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, trong năm có hơn 200 phim nước ngoài được chiếu tại các rạp, cụm rạp trong nước, chiếm tới hơn 2/3 thị phần phim chiếu rạp của Việt Nam.
Để phát triển điện ảnh, Việt Nam đã có Luật, các nghị định, thông tư, chiến lược và quy hoạch cụ thể. Cục Điện ảnh cũng đang tiến hành phân loại phim theo các hình thức phổ biến chung, không cho phép người xem dưới 13, dưới 16 và dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Anh, phim của các nước ASEAN, phim hợp tác sản xuất giữa các nước trong khu vực chiếu rạp ở Việt Nam hầu như chưa có.
Để cải thiện điều này, Việt Nam đề xuất các nước trong khối hỗ trợ, hợp tác xây dựng đề án, chính sách khuyến khích, ưu đãi các nhà làm phim nước ngoài sản xuất, phát hành phim ở Việt Nam.
Cho rằng việc sản xuất, phát hành phim trong khu vực cần có sự hỗ trợ của chính phủ các nước, bà Wei Xuan Sim (Ủy ban Điện ảnh Singapore) cho biết Singapore thường có nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất, phát hành phim, nhất là trong những liên hoan phim quốc tế được tổ chức tại đây.
Cụ thể, năm 2015 có 148 ý tưởng, dự án tham gia Liên hoan này, trong số đó có 15 ý tưởng, dự án của các nhà làm phim Singapore và một số nước tham dự được chọn hỗ trợ.
Năm 2016, Singapore cũng tổ chức hội thảo kết nối sản xuất phim giữa châu Âu và châu Á để thúc đẩy sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Trong năm, văn phòng hỗ trợ sản xuất phim của một quỹ truyền thông toàn cầu cũng thành lập tại Singapore tổ chức các hoạt động từ hỗ trợ kết nối, hỗ trợ đánh giá dự án, đến hỗ trợ tài chính, tìm nguồn trợ giúp từ bên ngoài.
Tuy nhiên, những nhà làm phim Singapore vẫn mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ nước ngoài để họ có thể làm được nhiều bộ phim ở trong, ngoài nước, bắt kịp với khu vực và thế giới.
Phó Cục trưởng Cục điện ảnh và phổ biến văn hóa Campuchia, Pok Borak chia sẻ, Campuchia hiện có Quỹ nghệ thuật Khmer để hỗ trợ các nhà làm phim trong nước về mọi mặt. Chính phủ cũng xây dựng chiến lược quản lý điện ảnh; khuyến khích hợp tác sản xuất phim với nước ngoài.
Từ năm 2013, Campuchia đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển điện ảnh với Pháp. Tuy nhiên, điện ảnh Campuchia vẫn chưa mạnh và cần được các nước hỗ trợ, nhất là quản lý, đào tạo trong lĩnh vực sản xuất, phát hành phim./.
Theo Vietnam+