Sáng tác
Ra phố
Nhà Oan ở giữa bản Hón, sát ngay nhà văn hóa bản. Tính từ đó, qua hai mươi mốt nóc nhà, xuống cái dốc, hai bên hai hàng cây chó đẻ um tùm, qua khoảng năm trăm mét chiều dài những ruộng lúa, một con suối nữa… một đám nhà mặt đường, cái xây cái gỗ, là đến thành phố. Tất nhiên, đấy là ngoại ô. Ngoại ô, thành phố miền núi, khoảng giữa phố và bản. Con đường đất, đắp bằng gạch vỡ, xỉ và linh tinh lang tang những chuyện ngồi lê dưới hàng ban, bằng lăng. Sâu hơn, đi gần hai cây số mới đến thành phố.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Oan đang đi giữa phố. Nắng như muốn ăn những miếng thơm trên quần áo, da thịt. Năm tháng rồi, Oan mới đi giữa phố ban ngày. Chói mắt và ngài ngại, kiểu như con vạc thấy ánh sáng thì rụt cổ lại, he hé nhìn.
- Oan ơi! Oan ơi!
Oan không ngoảnh lại, không nhìn sang bên đường. Một đoàn ô-tô, xe máy vụt qua; gió táp thành luồng, ai gọi Oan thì cuốn đi. Oan đang ù ù tai, nhòa nhòa.
Oan đi mua cái áo. Chị Thanh sắm cho đầy đủ chẳng thiếu thứ gì, nhưng thứ gì cũng ít. Quần soóc, váy hai dây, dép cao gót... Oan thấy đẹp, thơm nhưng cứ làm sao… Mặc áo vào như chưa mặc, mặc quần vào thấy gió như tay ai tìm lên.
Chị Thanh dạy thế thế, cong cong vòng một tí. Chị cầm tay Oan bảo phấn lót thế này, phấn má hồng thế kia, môi son làm sao cho mọng, chín như quả nhót. Oan cũng đã thuộc, bây giờ chẳng cần bật điện, đánh mò môi má vẫn đẹp như tiên, con trai nhìn muốn cắn ngay. Muốn cắn ngay! Câu chị Thanh hay nói. Thanh bị cắn nhiều lần, nước dãi, mùi bia, mùi thuốc lá bết vào má. Muốn lau mà không ngay được. Kệ người ta, cho người ta thích, thích như con hổ đói cào đói cấu… đợi lúc không chịu nổi nữa mới… giật. Năm chục, một trăm, có khi lộn túi triệu, hai triệu cũng đút vào khe ngực. Oan không còn ghê ghê khi nước dãi đàn ông rớt từ trên má xuống cằm. Khách có lần hỏi Oan - Em là gỗ gì. Oan bảo - Em là gỗ mạ. Cây mạ không làm chuồng trâu, làm cột nhà được, chỉ cho hoa đỏ, thơm. Thơm trên búi tóc con gái. Ra chỗ khác thì không sắc không hương. Oan biết (không biết từ bao giờ) những câu nói suối để bảo ruộng, nói bếp để bảo thịt. Chao ôi! Người phố nói mồm với trong bụng chẳng giống nhau. Chao ôi! Oan đã quen khuôn mặt sân khấu từ bao giờ. Một lần Oan soi gương, Oan bảo mình – Con ma cà rồng kia mày nhìn tao cái gì. Đỏ chót, hoăn hoắt cái mồm; lựng tái cái má sát sạt mặt gương. Như sắp móng vuốt, quắp từng miếng thịt, máu tươi ròng ròng; như con dao phay mài ba ngày lạnh toát vào cổ. Oan buông tay, cái gương tan tành; một mảnh cắm vào chân. Oan nghiến răng rút nó, máu đỏ một giọt tròn, to dần, to dần. Oan ngoảnh mặt ra sau, không hiểu sao lại đưa đầu ngón tay xuống. Mằn mặn máu như mồ hôi. Oan sợ son phấn, Oan kể giấc mơ cho lũ bạn, chị Thanh nghe. Lũ bạn bảo: Năm trăm một giọt máu, mỗi ngày một trăm chưa đủ. Chị Thanh bảo: Làm thật nhiều cho mệt đi, hết mê man mộng mị. Oan không giấc mơ, không suy nhược thần kinh, làm suốt từ tối hẳn đến khi hàng phố đi ngủ hết. Mình không kêu mệt, khách không chê, chị Thanh tháng nào cũng thưởng một
trăm nghìn.
Oan ra phố ban ngày. Lắm người mặt bóng loáng, dài dại. Không biết có ai nhận ra Oan không? Cái mông, quần bò cũng không giấu được cong vút. Cái eo, hai bên bóp vào, hun hút, hun hút luồng gió. Oan không nói, chưa gặp ai để nói. Người ta nói về Oan cũng chưa. Nhìn thì… hình như. Oan ong nóng, rồi rừng rực như đám cháy rừng sau gáy.
- Này em ơi… quên anh rồi à.
- Em là… em có phải là…?
Tiếng ngờ ngợ, khuôn mặt loang loáng dừng lại. Một đám đâu như ba mươi, ngoài bốn mươi, sơ vin, áo kẻ đen tàu tàu.
Không có mùi đàn ông, mà giọng nói lại như từ trong bóng tối. Bóng tối một lần, đúng ra là ánh điện đỏ. Hôm nào cũng điện đỏ như mơi như mời, như sôi như nấu. Oan nhận lời chị Thanh lên phòng 9B. Không có ai… tấm ga chợt trắng man dại. Oan sắp lại cái gối, kéo mép ga, công việc chẳng để làm gì. Từ phòng xông hơi, hơi xộc ra, sương khói kiểu như trên sân khấu bắt đầu nền cảnh để thần tiên xuất hiện.
- Em đến lâu chưa!
- Dạ! Em đợi anh…
Những thanh âm da thịt lặp, những câu nói ngọt, trầm xuống mà tiếng cuối cùng nhẹ hơn hơi thở, những gì… những gì thường có. Tất cả để đôi tay mềm nóng dạo chơi. Người kia không nói gì, sắp một tiếng rồi không nói gì. Vẫn ở một tư thế nằm sấp. Oan không biết, đôi tay, tiếng ngọt muốn để thật lâu trong họng cứ trầm bổng theo tay đàn da thịt. Như là lên gân, Oan cảm thấy tay mình bị đẩy lên, thịt thành từng nắm, cuồn cuộn dâng cao. Đạo đức chết khô hay nở xòa. Bố Oan bảo rằng người hư, người ngoan chỉ cách nhau một sợi dây sắn. Nếu là trăn thì mềm oặt, nếu là rắn thì giẫy giụa trườn troài. Không thể biết ông khách này là trăn hay rắn. Không mềm oặt tức là bảo một câu, đại để – Làm nghiêm túc như thuốc chữa bệnh. Cũng không trườn troài, tức là kêu rên hay chỉ chỗ ý, chỗ nọ. Loáng thoáng ý nghĩ, đôi tay của Oan bị truyền xuống thành tiếng da thịt kêu bé, tốc độ chậm đi.
- Hết giờ. Phòng 9B mở cửa.
Cửa mở, ông khách đứng dậy, lục túi quần đưa tờ một trăm. Ông bắt tay, tay ông giơ ra rất lâu. Tay ông bắt tay Oan ở dưới. Oan chưa bao giờ tạm biệt tại phòng mà được bắt tay.
- Hình như cái Oan. Cái Oan bản Hón.
Bà Sôm bán ong. Hai bên ghi-đông, bốn năm túi con ong. Gác-ba-ga đằng sau là cái mẹt, trên đó có hai tổ, những lỗ ong non đùn đùn, mật đọng thơm ra cả đường. Bà này, cuối chiều là thấy. 5 giờ 15, 6 giờ kém, 6 giờ 15… ở bưu điện, sân phường, khách sạn… đúng giờ thấy bà. “Mua ong đi. Ong đất đấy”. “Ngâm rượu. Chồng uống thì vợ khen hay”. “Uống vào suốt đêm hư như con ngựa ấy”… Hóa ra là bà bán cái hư, người phố ngâm rượu, gọi sức khỏe lên. Người phố lắm tiền mà khờ khạo. Con ong chăm chỉ, xây tổ, hút mật, đẻ con; nó chỉ dạy dỗ con người khi nó đang cong đít trên nhụy hoa hay con đường vù vù. Những xác chết trong rượu thơm nếu làm thầy giáo chắc chắn chỉ dạy người ta cách chết. Chết ngọt ngào, phấn khởi và tin tưởng.
Bà Sôm cùng bản. Bà cuối chiều đến tối, còn Oan thì suốt đêm. Bà đưa những con ong vào những người đến cho Oan. Bà sắp tám mươi rồi không biết, chỉ Oan biết. Nếu không có cái bóng chiều chạng vạng, nếu không có những đứa con gái như Oan thì không có những khách ườn oài. Không có, Oan sẽ làm gì nhỉ? Cong đít dưới ruộng, ngâm mình dưới suối hay lên rừng uống mồ hôi mình cho đã những cơn khát.
Bà Sôm không nhìn thấy Oan, bố mẹ các em, cả bản Hón chưa ai nhìn thấy Oan. Oan đã chọn được hai cái áo phông, trên ngực in đôi trai gái nhìn nhau tình tứ. Sẽ rất vừa, rất đẹp, cái Loan sẽ mặc suốt ngày cho mà xem.
Nhà có bốn chị em, Oan và Loan đẹp bằng nhau và nhất bản. Ở bản hay ở đâu cũng thế, xinh đẹp là cái vốn tự có. Oan, Loan chỉ việc lên rừng là nhiều củi, không phải gặt, lúa khắc chạy về nhà, sắn có người bóc băm phơi hộ. Oan, Loan nhàn, chân tay càng đẹp. Càng đẹp càng trắng, chân tay thon mãi ra. Trai bản không chọc sàn nữa. Đêm đêm còn tiếng thở. Oan có thai, đứa bé không chấp nhận người mẹ trắng xanh trắng bóc. Và, người bản cũng không chấp nhận đàn bà đẻ con ra chôn.
Bà Sôm bảo Oan ra phố ngồi chợ cũng được. Bố mẹ bảo nó không biết tính toán, bà Sôm bảo: “Tôi không biết chữ, mà bán ong mua được trâu”. Oan cầm ong của bà Sôm, ngồi một buổi bán hơn bà Sôm, bà Sôm cho hai chục. Ngồi hai buổi không ai mua của bà già nữa. Ba, bốn buổi… bà Sôm về bảo: “Giỏi rồi, khắc mua khắc bán đi!”. Oan về bản, hỏi bố mẹ người bắt ong, không có ai.
Một buổi thấy bà Sôm trong bản Hón, đầy hai túi thổ cẩm tổ ong. Oan hỏi bà: “Sao cháu ở trong này mà không thấy ai?”. Bà Sôm cười: “Ở bản thì thấy ai được”. Bà Sôm ngồi nhà Oan, một lúc có một chị đến. Chị tên là Thanh, người cao, trắng, khoác cái túi da bé. Chị nhìn Oan, chốc lại khen… Em xinh quá! Mười tám tuổi chưa… Bố Oan bảo nó mười chín rồi. Mẹ Oan bảo nó sắp lấy chồng đấy. Oan hỏi chị Thanh chuyện phố, hỏi xem có ai thuê bán hàng chị xin cho. Chị Thanh cười: “Tưởng gì. Như em đứng không ngoài đấy cũng đầy người cho tiền”.
Oan theo chị Thanh ra phố. Bà Sôm đi đằng sau.
Oan ở hai ngày nhà chị Thanh. Chị Thanh đi làm suốt ngày, Oan trông nhà. Có hai người khách đến, không thấy chị Thanh ở nhà vẫn ở lại một lúc nói chuyện với Oan. Họ thích nói chuyện với Oan. Chuyện bản, chuyện nhà Oan, chuyện thích ở phố hay không… Oan cúi mặt, hỏi đâu trả lời đấy, ngắn ngủn.
Chị Thanh đưa Oan đi làm. Mười hai đứa con gái đứng trong phòng, trời rét mà áo hai dây. Chị Thanh giới thiệu Oan, tất cả nhìn, từ đầu xuống ngực, chân lên ngực. Mười lăm phút, tất cả đi, sang phòng khác. Chị Thanh bảo Oan sang một phòng. Chị bảo: Việc không nặng, chỉ đấm bóp cho khách, nói ngọt là được. Chị bắt Oan nằm xuống, cởi áo Oan… tay chị dạo trên lưng, bóp đầu, những tiếng nổ tay nghe hay hay. Đến lượt chị Thanh nằm xuống, Oan làm. Cứ thế, ba lần thì chị Thanh bảo: “Được rồi, vừa làm vừa học, khách bảo làm gì thì làm nấy, khắc giỏi”.
Lâu lắm, Oan không gặp ai ở bản.
Bọn ngồi lên cuốc xẻng đang đánh phỏm, một đoàn xe đạp váy áo. Người ta, toàn người ta rồi, ai có việc của người ấy. Oan thấy tủi tủi, người ta không nhìn mình, mình là người phố mất rồi.
Từ cửa hàng, Oan ra, tay cầm cái túi trong đó có một cái áo phông in hình đôi trai gái nhìn nhau tình tứ, một hộp son phấn. Cái áo, Oan sẽ gửi về cho Loan, thôi mình không mặc nữa; chưa biết nhờ ai mang về. Son phấn sẽ cứ để dành, bao giờ về bản.
Nắng lóa lóa từ cái kính, chiếc ô-tô con màu đen. Oan nhìn theo, thấy rẽ vào chỗ làm.
- Oan… Có phải Oan bản Hón không?
Oan bắt một cái xe ôm, giục đi nhanh. Nắng, gió, bụi, hoa, người nhòa nhòa, vùn vụt.
DU AN