Văn hóa - Giải trí

Moonligth Khúc nhạc trầm buồn về cuộc sống và tình yêu

09:28, 05/03/2017 (GMT+7)

Không có những cảnh quay lãng mạn và hào nhoáng như La La Land, song bộ phim Moonlight (Ánh trăng) vẫn lấy được cảm xúc của ban giám khảo khó tính bởi tính chân thực của bộ phim. Nói như đạo diễn Barry Jenkins, “mục tiêu của bộ phim chỉ đơn giản là khắc họa chân dung những con người đang cố gắng sinh tồn trong cuộc đời này”.

Một cảnh ngập tràn tình yêu thương trong phim Moonlight.
Một cảnh ngập tràn tình yêu thương trong phim Moonlight.

Trước và trong mùa giải Oscar lần thứ 89, La La Land luôn trở thành tâm điểm khi giành 6 giải quan trọng trên tổng 14 đề cử. Nhưng Moonlight lại bất ngờ vượt qua La La Land để giành giải Phim xuất sắc nhất, gây sự chú ý lớn cho những người yêu điện ảnh trên thế giới. Từ một nội dung phim khá cũ và kén người xem, dưới bàn tay tài tình của mình, đạo diễn Barry Jenkins đã đem đến cho khán giả một hình ảnh khác, rộng lớn hơn, thi vị hơn về cộng đồng người da màu của mình.

Ngay chính cái tên Moonlight cũng đã gợi cho người ta nhớ đến bản Sonata Moonlight của Beethoven được ông sáng tác vào mùa hè năm 1801 ở Hungary để tặng cho cô học trò mà ông đem lòng thương mến, đó là nữ bá tước 17 tuổi Giulietta Gucciardi. Và đến năm 2016, đạo diễn Barry Jenkins thành công khi khắc họa trên màn ảnh một câu chuyện đầy cảm xúc khác với cái tên Moonlight.

Giống như cấu trúc ba phần của bản sonata bất hủ, Moonlight được kể lại với ba chương hồi rất rõ ràng, xoay quanh cậu bé da màu Chiron trong suốt ba giai đoạn của cuộc đời: tuổi thơ sống cùng bà mẹ nghiện thuốc của Little (Alex Hibbert đóng), tuổi vị thành niên với những khám phá về giới tính của Chrion (Ashton Sanders đóng) và cuối cùng là người đàn ông trưởng thành sau bao biến cố cuộc đời Black (Trevante Rhodes đóng).

Trong phim, Little được giới thiệu là một cậu bé không cha nhút nhát, e dè, sống cùng bà mẹ nghiện ngập trong căn nhà tồi tàn. Chuỗi ngày u ám ấy thay đổi kể từ sau sự xuất hiện của Juan (Mahershala Ali đóng) – một gã buôn thuốc phiện với tấm lòng cao thượng. Juan cho Little ăn ngon, ngủ yên trong căn biệt thự xa hoa, dạy cậu học bơi và kể cho cậu nghe câu chuyện về việc định hình chính con người cậu.

Nhưng Juan cũng chính là người bán thuốc cho mẹ của Little, đưa bà rơi vào cơn mê tưởng mỗi đêm, rồi lại cuống cuồng tự nhốt mình bên ngoài căn nhà mỗi sáng. Một gã đàn ông da màu làm giàu trên thân xác những con nghiện thiêu thân. Một sự thật tàn nhẫn mà ngay chính Juan cũng không thể chấp nhận, nhưng cũng không còn cách nào khác. Bi kịch cuộc đời lúc nhỏ của Little cũng không khác gì bi kịch của bao đứa trẻ và người da màu khác trên chính đất Mỹ. Moonlight giống như một chú tắc kè liên tục đổi màu theo từng bước thay đổi của cốt truyện, của tâm lý nhân vật. Đạo diễn Barry Jenkins cho biết, anh muốn “vẽ nên cơn ác mộng Miami bằng những tông màu đẹp đẽ nhất”.

Dẫu vậy, Moonlight vẫn không xa rời các yếu tố xã hội đương đại. Vẫn là người da màu gắn liền với bi kịch nghiện thuốc, làm giàu từ hành vi phi pháp như câu chuyện xoay quanh mẹ của Little, của Juan và của chính Little khi trưởng thành.

Thành công lớn của bộ phim là đề cập những chủ đề khá nhạy cảm, nặng nề và căng thẳng trong xã hội, nhưng lại được thể hiện khá nhẹ nhàng khiến người xem cảm nhận nó như một khúc nhạc trầm buồn về cuộc sống và tình yêu.

Đặc biệt, với Barry Jenkins, Moonlight còn là “ánh trăng” về những cộng đồng khác trong xã hội chúng ta. Ở đó, là tầm quan trọng trong cách quan tâm của cha mẹ, là may mắn khi có được một người thầy thật sự, về bạo lực học đường, về những khám phá giới tình và về tình yêu. Đây chính là thông điệp mà tác phẩm điện ảnh này muốn nhắn nhủ và cũng chính những giá trị hiện thực này đã mang đến cho Moonlight giải Phim xuất sắc nhất trong mùa giải Oscar năm nay.

ĐOÀN GIA HUY

.