Diễn ra từ ngày 25-6 đến hết 8-7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn), triển lãm “Sắc hoa Bắc Trung Nam” quy tụ 67 tác phẩm của 23 nữ họa sĩ đến từ 3 miền đã đưa người xem vào những trạng thái cảm xúc khác nhau, từ cảm xúc trước cái đẹp đến tâm tư, khát vọng về tình yêu cùng những nỗi trăn trở đời thường của người phụ nữ.
Họa sĩ Đặng Thị Dương giới thiệu tác phẩm Ru rừng đến công chúng. |
Đến với triển lãm lần này, các họa sĩ nữ giới thiệu cho công chúng Đà Nẵng những tác phẩm chất lượng, tâm đắc của mình. Dù được chuyển tải dưới chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic hay lụa..., các tác phẩm đều chuyển tải hình ảnh cuộc sống, phong cảnh quê hương, biển trời, rừng núi, cao nguyên, đồng bằng... thật dịu dàng, lãng mạn. Đó là nét đẹp thanh tao trong Sen hồng, Sen trắng (Lan Hương), vẻ đẹp thanh xuân trong Mưa xuân (Cao Thị Được), Bên hoa và em (Mai Liên), sự hồn nhiên trong Tuổi thơ (Nguyễn Thị Hải Hòa), cảnh đẹp tự nhiên trong Ru rừng (Đặng Thị Dương), Đêm phố Hội (Trần Thanh Thục), đậm sắc màu tôn giáo và thiền trong Chân không, Hạnh nguyện (Nguyễn Thị Huệ)... Có khi, đó là sự phá cách dữ dội như Môi trường, Mạch ngầm (Nguyễn Thị Dư Dư), Bóng danh vọng (Ngô Trần Bích Thủy)...
Đáng chú ý, một số nữ họa sĩ đã chọn chất liệu chủ đạo hoặc đề tài chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác của mình như chất liệu trúc chỉ (Bảo Vi), cắt vải (Thanh Thục), chủ đề về sen (Lan Hương), hồn nhiên (Đặng Thị Dương)... Họa sĩ Thanh Thục chia sẻ, chị là nữ họa sĩ sáng tác mà không cầm cọ bởi 30 năm nay chị sử dụng chất liệu cắt vải và trở thành họa sĩ Việt duy nhất sáng tạo tranh vải với đề tài trường cảnh, khổ lớn. Chị từng vẽ tranh sơn dầu, bột màu, màu nước trên nhiều chất liệu và đến với tranh cắt vải rất tình cờ. Trong một lần đến nhà bạn làm thợ may chơi, ngồi trò chuyện với bạn, buồn tay, chị lấy kéo cắt những mảnh vải vụn và ghép thành bức tranh phong cảnh làng quê trữ tình. Khi nhận ra hiệu ứng thẩm mỹ bất ngờ từ mẩu vải vụn, chị bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn có họa tiết và theo đuổi niềm đam mê đó đến tận bây giờ.
Trong khi đó, họa sĩ Lan Hương mê mải vẽ, đuổi theo những tháng ngày của sen, nhìn sen vươn mình dịu dàng, rồi lại buông mình âm thầm kết thúc. Dù là sen ở thời kỳ nào, hình dáng ra sao... đều được họa sĩ chiêm nghiệm như thể một kiếp người.
Theo đánh giá của họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, các tác phẩm tại triển lãm chất lượng khá tốt và thể hiện rõ phong cách hội họa của từng vùng miền. Các họa sĩ miền Bắc thường vẽ với sự trầm tư, còn họa sĩ phía Nam mang tới gam màu tươi vui, thể hiện tình yêu thiên nhiên, cuộc sống. Các họa sĩ miền Trung lại có nét vẽ chân chất, mộc mạc... Thế giới hình và màu của các họa sĩ cất lên vẻ khoáng đạt, mơ mộng, đa cảm, mãnh liệt.
Nữ họa sĩ Lan Hương (giảng dạy tại một trường mỹ thuật ở Hà Nội), cho rằng, phụ nữ có cơ hội sáng tạo nhiều hơn nam giới, bởi phụ nữ dễ rung động, xúc cảm về cuộc sống, gia đình, tôn giáo, lễ giáo... Đó là những đề tài hấp dẫn mà họa sĩ nữ rất nhạy nắm bắt. Vì thế, nếu như có đủ năng lượng cho sáng tạo thì phụ nữ làm tốt hơn cả nam giới.
Tuy nhiên, để có đủ năng lượng như thế, nữ họa sĩ phải chắt chiu từng khoảng thời gian, sắp xếp công việc hợp lý, khoa học từ việc xã hội, đến việc gia đình nếu không muốn mọi thứ đổ vỡ. “Khi đã đến với lĩnh vực sáng tạo, tôi phải tranh thủ từng chút thời gian. Những ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi phác thảo rồi để đó, khi nào sẵn sàng thì mang ra vẽ. Nhưng cũng có những lúc bỏ đi rất nhiều phác thảo vì “lửa” nguội rồi không vẽ được”, họa sĩ Đặng Thị Dương (hơn 30 năm dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Với nhiều họa sĩ nữ khác, có khi họ cảm thấy mỏi mệt bởi bên cạnh thời gian dành cho nghệ thuật, họ vẫn phải dồn sức vào chăm sóc gia đình, cống hiến xã hội. Nhiều đêm làm việc đến gần sáng mới đi ngủ, vừa chợp mắt lại phải dậy đi làm, to toan gia đình, nhưng bằng sự say mê hội họa, họ lại lao vào thế giới hình và màu còn dang dở. Nói như nữ họa sĩ Hải Hòa, Trưởng khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Huế, chị có nhiều cơ hội để chọn những ngành nghề khác nhưng nhất quyết theo đuổi đam mê của mình. “Đó không phải là sự lựa chọn vu vơ, ngoài yếu tố tài năng hội họa bẩm sinh thì còn tình yêu đặc biệt cho hội họa. Tình yêu ấy cứ lớn dần theo năm tháng và tạo nên nguồn năng lượng để sáng tác”, họa sĩ Hải Hòa tâm sự.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ