Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn ra từ ngày 7 đến 10-7 tại Đà Nẵng được xem là sự kiện âm nhạc lớn, tạo dấu ấn cho hoạt động âm nhạc của thành phố bên sông Hàn.
Nam ca sĩ - diễn viên Quý Bình sẽ tái ngộ công chúng Đà Nẵng với ca khúc Bà mẹ Gạc Ma (Nguyễn Đình Hoàng) trong chương trình nghệ thuật của đoàn TP. Hồ Chí Minh biểu diễn bên lề liên hoan. |
Nhạc sĩ Văn Thu Bích (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) nhớ lại, cũng tại nhà khách Công đoàn (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) gần 20 năm trước (năm 2009) đã diễn ra buổi họp báo Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 3 do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chủ trì. Không khí của ngày hội âm nhạc ấy đã tạo sự phấn khởi cho các nhạc sĩ. Khán giả Đà Nẵng lúc bấy giờ cũng hân hoan đón nhận sự kiện này bởi họ có dịp được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc, gặp gỡ các nhạc sĩ tài hoa mà trước đó mới chỉ được nghe tên. “Cảm giác của tôi bây giờ vẫn là tâm trạng ấy-háo hức, đợi chờ lắng nghe những sáng tác mới của các nhạc sĩ trên mọi miền đất nước và giao lưu, trao đổi về nghề nghiệp...”, nhạc sĩ Văn Thu Bích cho biết.
Cùng tâm trạng, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) chia sẻ, liên hoan âm nhạc thật sự là sân chơi đầy ý nghĩa nhằm động viên, khuyến khích tinh thần sáng tác của các nhạc sĩ. Mỗi kỳ liên hoan đều xuất hiện những ca khúc chất lượng, ghi dấu trong lòng đồng nghiệp, công chúng.
Chia sẻ thêm về Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố cho biết, so với lần đầu tiên diễn ra liên hoan tại Đà Nẵng, liên hoan lần này có quy mô lớn hơn với sự tham dự của 13 chi hội âm nhạc và các nghệ sĩ đến từ 13 tỉnh, thành phố trong khu vực gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng. Ngoài ra, liên hoan còn có sự tham gia của một số tỉnh, thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Cần Thơ và Hậu Giang.
Các tác phẩm mang đến liên hoan đều là sáng tác mới trong 2 năm trở lại đây của các nhạc sĩ hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chưa được giải thưởng nào. Đáng chú ý, các đoàn Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh sẽ mang đến liên hoan những tác phẩm viết về mảnh đất Đà Nẵng.
Trong chương trình nghệ thuật chào mừng liên hoan vào sáng 8-7, đoàn Đà Nẵng trình diễn 5 tiết mục của các đơn vị nghệ thuật: Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đoàn văn công Quân khu 5, Cung Thiếu nhi và Hội Âm nhạc thành phố. Tham dự liên hoan, đoàn chủ nhà cũng sẽ trình diễn 4 tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ tên tuổi dưới hình thức hòa tấu nhạc cụ dân tộc, đơn ca, hát múa. “Sự kiện văn hóa này tạo dấu ấn cho âm nhạc Đà Nẵng và góp phần làm cho đời sống tinh thần của thành phố thêm khởi sắc. Đây là cơ hội để những người hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hoạt động biểu diễn và sáng tác của các đồng nghiệp khắp mọi miền để không ngừng phát triển phong trào âm nhạc thành phố, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng”, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa chia sẻ.
Trong khi đó, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhìn nhận, năm 2009, tại thành phố Đà Nẵng, được sự đồng ý và ủng hộ của UBND thành phố, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thành công liên hoan âm nhạc, tạo được tiếng vang lớn. Lần trở lại này, Đà Nẵng thay đổi, phát triển hơn trước nhiều và thật sự trở thành điểm hẹn lý tưởng cho các hoạt động nghệ thuật. “Đây là liên hoan lần thứ 31 tổ chức trên cả nước và lần thứ 2 diễn ra tại Đà Nẵng. Liên hoan được kỳ vọng mang đến cho công chúng những tiết mục chất lượng; đồng thời, mảnh đất và con người Đà Nẵng cũng tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhạc sĩ”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ