Nhà thơ Hải Như nổi tiếng với những bài thơ có lối kể rất riêng về chủ đề Bác Hồ. Nhà thơ Hải Như là một danh nhân văn hóa của Nam Định nói riêng và của cả nước nói chung thời kỳ hiện đại. Ông không chỉ đóng góp cho Nam Định mà còn cho nhiều tỉnh, thành trên lĩnh vực văn học thông qua các bài thơ viết về từng địa phương. Trong số đó có hơn trăm bài đã được phổ nhạc, nhiều bài trở thành nhạc hiệu, truyền thống địa phương như Cả Hà Nội hành quân (nhạc Lê Lôi) được chọn làm nhạc hiệu Đài Phát thanh Hà Nội; Hà Nội thành phố của niềm tin (nhạc Hồ Bắc); Thành phố hoa phượng đỏ (nhạc Lương Vĩnh); Thành phố tiếng thoi (nhạc Huy Thục) được lấy làm nhạc hiệu Đài Phát thanh Nam Định; Nụ cười Đà Lạt (nhạc Trương Quang Lục); Hoa sữa (nhạc Phạm Đình Sáu); liên khúc Hoa trong vườn Bác và hợp xướng Chào bình minh thời đại (lời thơ Hải Như; nhạc cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn, năm 1970 Nhà hát giao hưởng Việt Nam đã cho ra mắt tại Nhà hát lớn ở Hà Nội)…
Mới đây, trên Tạp chí Xây dựng Đảng và nhiều báo, tạp chí khác đã đăng bài ca ngợi nhà thơ Hải Như. Kênh truyền hình HTV9 Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát lại bộ phim 2 tập của Hãng phim TFS sản xuất năm 2006 thể hiện rõ nét chân dung một tài thơ đích thực được nhiều tổ chức, nhiều nhân vật quan trọng như nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh, nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành... đánh giá rất cao.
Tôi được biết các nhà lãnh đạo địa phương Nam Định trước đây như Phan Điền, Nguyễn Văn An, Bùi Xuân Sơn, Trần Minh Ngọc, Trần Văn Tuấn... rất coi trọng nhà thơ Hải Như. Mỗi lần nhà thơ về thăm quê đều được lãnh đạo địa phương cho xe đón từ Hà Nội và tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi. Cố Bí thư tỉnh Phan Điền có lần về tận quê thăm hỏi thân sinh nhà thơ Hải Như. Gần đây, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh đã đến nhà thăm nhà thơ Hải Như…
Tôi cũng từng biết nhà thơ Hải Như góp ý cho nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Điền để người bạn của ông là kiến trúc sư nổi tiếng Nguyễn Cao Luyện thiết kế xây dựng Bảo tàng Cổ vật Nam Định trên hồ Thượng Lỗi. Bảo tàng lịch sử địa phương nào cũng có, nhưng Bảo tàng Cổ vật chỉ có ở Nam Định:
Nhà truyền thống đuổi giặc ngoại xâm không quê nào vắng thiếu.
Riêng bảo tàng cổ vật trưng bày văn hiến chỉ thành Nam! (Thơ Hải Như)
Thơ Hải Như bộc lộ tình yêu tha thiết quê hương, yêu những người con quê hương ưu tú như nhạc sĩ Đặng Thế Phong, nhà thơ Tú Xương, thi sĩ Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương..., yêu nhớ đến da diết những phố hàng Nâu, Hàng Thao, chợ Rồng..., nuối tiếc đặc sản kẹo Sìu Châu nay không còn như trước, nhớ nét bản sắc quê hương (Guốc làng Nam Dương), tự hào với làng rèn Vân Chàng... Càng tự hào và yêu nhớ quê hương bao nhiêu, ông càng trăn trở, buồn về những cái tốt đẹp bị mai một, về sự thờ ơ, vô cảm của những người có trách nhiệm trước sự xuống cấp của di tích văn hóa, của “nếp sống thành văn” Nam Định :
“Ta cần thấy kích – thước – mình đã có”
Em muốn mời anh về đây trò chuyện
Với Người xưa thăm vòng nhỏ quê em
Thành quách cũ Đinh Lê còn in dấu
Quê nhà Trần ba lần thắng quân Nguyên
Trong khoảnh khắc sống ngược dòng lịch sử
Trên đường dài có nhiều lúc ta quên
Lắng nghe. Lắng nghe triệu năm dìu dặt
Tiếng nhắc nhở yêu thương người đã khuất vọng về
Đỉnh Mây bạc bốn mùa mây phơ phất
Rừng Cúc Phương động Trăng khuyết còn kia
Một cái nôi của loài người sót lại
Vết chân in nhân loại cũ đi về!... (NẾP SỐNG THÀNH VĂN)
Thay cho lời kết, xin mượn ý nhà văn Xô Viết Ilya Grigoryevich Ehrenburg đã nói nhân mừng thọ tuổi 80 danh họa người Tây Ban Nha Pablo Ruiz Picasso, đại ý: Sớm muộn nghệ thuật cuối cùng cũng ủng hộ những nhà sáng tạo chân chính, xóa bỏ hết tên tuổi những kẻ “đoạt ngôi” được bọn cùng thời với chúng “xông hương”...
Và tôi tin sớm muộn nhà thơ Hải Như cũng sẽ được quê hương ghi nhận xứng đáng với tầm cỡ của ông.
TRẦN MỸ GIỐNG