Sạp báo - một thời gắn với đời sống văn hóa của người Đà Nẵng, hay quầy cho thuê truyện – “nhân chứng” cho những buồn vui đẹp đẽ của tuổi học trò giờ đã qua cái thời hoàng kim, song vẫn đẹp trong hoài niệm của nhiều thế hệ.
Quầy báo của ông Hồ Văn Hiền tồn tại gần 20 năm. ông nói rằng, ông không chỉ bán báo mà còn truyền bá văn hóa (ảnh trái). Ảnh: QUỲNH TRANG |
1. Những năm 1990, các sạp báo ở vỉa hè đường Bạch Đằng được xem là đặc sản văn hóa của Đà Nẵng. Ngày ấy, tiệm bán báo chưa nhiều nhưng các sạp báo ăn nên làm ra. Dân công chức mỗi sáng đi làm tạt ngang qua các sạp báo, mua một vài tờ báo mình yêu thích. Hay bác xe ôm, xích-lô tranh thủ lúc vắng khách sột soạt giở báo ra đọc. Những chị bán hàng vỉa hè cầm tờ báo tranh luận sôi nổi về những vấn đề nóng của ngày. Thậm chí, vào chợ, các tiểu thương cũng cầm tờ báo phe phẩy rồi bàn tán rôm rả đủ chuyện trên đời…
Còn tôi, từ nhỏ đã nhận nhiệm vụ đi mua báo cho mẹ. Mẹ không đọc báo sớm vì bận buôn bán nhưng hễ về tới nhà là gọi inh ỏi: “Có đứa nào đi mua cho mẹ tờ báo không?”. Hồi đó, mỗi tờ báo thường có giá từ 2.000 - 3.000 đồng (bằng một tô bún buổi sáng). Chị em tôi thường tranh nhau đi mua báo cho mẹ vào những ngày thứ hai - ngày báo Hoa Học Trò ra số mới. Tôi tranh thủ mua tờ báo 2.000 đồng rồi đứng chây lì ở sạp đọc lấy đọc để các tờ báo khác cho đến khi bị chủ sạp nhắc nhở.
Ngày đó, người thích đọc báo có 3 cách mua báo. Đó là đặt báo để được giao tận nhà; đến mua tại các sạp báo; hoặc mua từ những người bán báo dạo. Song, đến sạp báo là lựa chọn của phần đông. Tôi không có điều kiện đi xa để biết những sạp báo ở nơi khác như thế nào nhưng ở quanh khu vực tôi sống, các sạp báo thường nhỏ gọn độ vài mét vuông, được dựng bằng gỗ. Người ta bày báo trên sạp và bên trong còn một đoạn trống có thể ngủ lại.
Khoảng những năm 2000, sạp báo “nở rộ”. Thời điểm ấy, hầu như ngã tư nào của quận trung tâm cũng có sạp báo. Nói là sạp cho sang chứ thực tế chỉ là một bàn gỗ nhỏ cùng một sợi dây giăng ngang, kẹp dãy báo lên thì thành sạp. Tuy vậy, nhiều người bán báo lâu năm chia sẻ, thu nhập của người bán ít hơn dạo trước vì “trăm người mua” cũng “vạn người bán”. Đây cũng là thời điểm một số tiệm bán báo lớn xuất hiện tại Đà Nẵng và duy trì đến ngày nay. Đó là các cụm sạp báo trên đường Yên Bái và Hàm Nghi.
Những bộ truyện một thời rất được học trò yêu thích nay nằm chỏng chơ trên giá, bám đầy bụi thời gian (ảnh phải). Ảnh: THANH TÂN |
Khoảng năm 2002 - 2003, UBND quận Thanh Khê cho dựng 4 ki-ốt cạnh bờ hồ đường Hàm Nghi. Ban đầu, những ki-ốt này chủ yếu bán mặt hàng văn phòng phẩm. Nhưng thời đó, sức mua hạn chế nên sau nhiều lần thay tên đổi chủ, các tiệm văn phòng phẩm lần lượt đóng cửa. Không hẹn mà gặp, những người chủ mới đến các ki-ốt này đều mở sạp báo. Ông Hồ Văn Hiền - một trong những chủ sạp còn bán báo thuần túy tại con đường này cho đến nay chia sẻ, ngày ông mới đến đây, đường Hàm Nghi thưa thớt người qua lại. Nhưng từ ngày 4 sạp báo lớn được mở với rất nhiều lựa chọn cho người đọc, con đường nhộn nhịp hẳn. Thời điểm này, một ngày ông Hiền bán đến 300 tờ báo các loại. Sách báo đa dạng, thị hiếu người đọc cũng tạo thành những trào lưu khá thú vị. Nhớ khoảng năm 2005, dòng báo chí pháp luật - đời sống áp đảo thị trường. Thể loại báo này giải tỏa “cơn khát” thông tin về những câu chuyện từ đời sống, đánh trúng tâm lý một bộ phận người đọc ưa thích những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn... Song, thể loại báo chí này như “mì ăn liền”, chỉ đắt đỏ được khoảng 3-4 năm.
2. “Chừng 5 năm trở lại đây, báo giấy rất ít người mua, các sạp báo ngã tư cũng dần thưa vắng, số sạp bán báo thuần túy hiện tại còn rất ít. Đa số họ bán báo kèm nước giải khát, card điện thoại và những đồ dùng linh tinh mới đủ sống”, ông Hiền bày tỏ.
Tôi còn nhớ như in cảm giác háo hức mỗi sáng thứ hai đầu tuần lao ra sạp báo mua một tờ Hoa Học Trò. Cầm tờ báo còn ấm trên tay, tôi hít hà mùi mực in thơm phức trước khi cẩn trọng lật giở ngấu nghiến từng trang báo. Ngày đó, để mua được tờ Hoa Học Trò, tôi phải nhịn ăn sáng 2-3 hôm mới đủ. Giờ đây, đi ngang qua một số sạp báo, thấy người ta chất ê hề các tờ báo giấy cứng một góc nhưng bìa đã bạc phếch do phơi nắng cả ngày. Theo các chủ sạp báo còn cầm cự đến ngày nay, lượng người ghé lại mua báo trong ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bà Châu Thị Lượng (chủ một sạp báo ở đường Hàm Nghi) buồn rầu cho biết, người đi mua báo chủ yếu là người lớn tuổi và chủ các tiệm cà-phê mua dăm ba tờ về để phục vụ khách. Giới trẻ bây giờ dường như chỉ đọc tin tức trên mạng. Riêng tạp chí thì hầu như không ai mua. Thu nhập từ việc bán báo mỗi ngày chỉ chừng 50.000 - 70.000 đồng, bằng 1/3 lúc trước. Đi ngang qua các sạp báo, nếu để ý sẽ thấy, hầu như quầy nào cũng để bên cạnh một thùng đầy báo, tạp chí bán ế. Chủ quầy để đó bán ký cho một số người có nhu cầu.
3. Ngoài tình trạng các sạp báo, trong những đổi thay, chịu chung tình cảnh bị “thất sủng” là những quầy cho thuê truyện. Hiện nay, quá dễ dàng để mua một cuốn truyện rồi thư thả đọc ở bất cứ đâu; thậm chí, không cần mua, với một chiếc máy tính xách tay, máy tính bảng hay một chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể tha hồ chìm đắm trong thế giới truyện từ cổ chí kim qua mạng Internet. Đến các thư viện mượn truyện đọc bây giờ cũng không có gì khó... Chỉ bấy nhiêu có thể thấy có rất nhiều cách để lý giải chuyện những quầy cho thuê truyện ngày càng rơi vào tình trạng ế ẩm.
Chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ những ngày đọc truyện thuê. Thế hệ học trò lứa 7X, 8X, 9X của các Trường THPT Phan Châu Trinh, THPT Trần Phú, THCS Kim Đồng… hẳn không thể quên quầy cho thuê truyện cô Xuân (trên đường Nguyễn Chí Thanh) - một trong những quầy truyện lớn nhất ở địa bàn trung tâm thời ấy.
Cửa hàng của cô Xuân tập hợp tất cả những bộ truyện “hot” nhất thời bấy giờ. Hình ảnh những cô cậu học trò áo trắng, quần xanh mỗi giờ tan học là chen chúc lựa truyện tại quầy cô Xuân như vừa mới hôm qua. Anh Đỗ Minh Long (SN 1985, cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh) nhớ lại, quầy truyện cô Xuân một thời là điểm “đóng đô” của anh và nhóm bạn thân. Mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật, Long đều phải dậy sớm, đạp xe thật nhanh đến đây để giành chỗ ngồi. Chỗ ngồi chỉ là cái ghế nhựa con con, không có chỗ dựa lưng nhưng bọn trẻ con cứ chen chúc nhau. Hồi ấy, khí thế đọc sao mà hăng say.
Giờ đây, chúng tôi lần tìm lại những quầy cho thuê truyện hút khách ngày ấy nhưng đa số đã đóng cửa, số ít còn tồn tại thì hoạt động cầm chừng, như quầy cho thuê truyện ở địa chỉ 126 Nguyễn Duy Hiệu, một thời là nơi vào ra tấp nập của các cô cậu học trò, giờ đìu hiu đến lạ.
Những kệ sách bằng gỗ vẫn đầy ắp sách, truyện nhưng đã phai màu theo thời gian. Vẫn những chiếc ghế nhựa con con nhưng nay được xếp gọn gàng lại một góc. Khung cảnh vẫn y nguyên nhưng người thuê truyện thì vắng bóng. Ông Hà (chủ quầy) buồn rầu: “Đã lâu rồi không thấy cô cậu học trò nào đến thuê truyện nữa. Gần 3.000 cuốn truyện cũ mốc theo thời gian. Tôi cũng chẳng biết sang lại cho ai vì nhu cầu đọc truyện không còn nữa, ai mà đi sang! Bỏ đi thì tiếc nên tôi vẫn cứ để đó mặc dù mỗi ngày phải lau dọn rất vất vả”.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến một quầy cho thuê truyện trên đường Đống Đa. Vừa bỏ mũ bước vào, cô chủ quán đã đon đả ra hỏi: “Em đến sang quầy truyện à em?”. Nhìn lên tấm bảng hiệu, mới thấy, dòng chữ “Bán truyện/Sang quầy” to đùng. Vẫn biết, mọi thứ có thể thay đổi theo thời gian và không phải lúc nào cũng như ý muốn chủ quan của những con người, nhưng sao vẫn thấy hụt hẫng và có phần xa xót. Không biết vì chúng tôi thuộc những thế hệ 8X, 9X có chút hoài cổ hay đó là sự lưu luyến chính đáng những nét văn hóa đẹp một thời.
Vẫn biết, mọi thứ có thể thay đổi theo thời gian và không phải lúc nào cũng như ý muốn chủ quan của những con người, nhưng sao vẫn thấy hụt hẫng và có phần xa xót. Không biết vì chúng tôi thuộc những thế hệ 8X, 9X có chút hoài cổ hay đó là sự lưu luyến chính đáng những nét văn hóa đẹp một thời. |
Giờ đây, đi ngang qua các sạp báo, nếu để ý sẽ thấy, hầu như quầy nào cũng để bên cạnh một thùng đầy báo, tạp chí bán ế. Chủ quầy để đó bán ký cho một số người có nhu cầu. |
THANH TÂN - QUỲNH TRANG