Đọc lại Thu Bồn tráng sĩ hề… dâu bể

.

“Thêm một phác thảo chân dung nhà thơ Thu Bồn”. Đó là mục tiêu được ghi trong Lời nhà xuất bản cuốn sách Thu Bồn tráng sĩ hề… dâu bể (NXB Hội Nhà văn, 2013), do nhóm bạn bè thân hữu tổ chức biên soạn và cho ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ (17-6-2003 - 17-6-2013). Đây là cuốn sách thứ hai về nhà thơ Thu Bồn, được ấn hành sau ngày ông mất.

Bìa tập sách Thu Bồn Tráng sĩ hề dâu bể
Bìa tập sách Thu Bồn Tráng sĩ hề dâu bể

Trước đây, kỷ niệm một năm ngày mất, nhà văn Hoàng Minh Nhân, người biên tập Tủ sách Đất Quảng đã biên soạn và xuất bản cuốn Thu Bồn – gói nhân tình dày gần 1.000 trang. Sách lần này chỉ gần 400 trang, gồm có bốn phần, nhằm “nhìn lại để đánh giá một cách bình tĩnh và công bằng hơn đóng góp của Thu Bồn với tư cách một chiến sĩ luôn có mặt ở những tuyến đầu nóng bỏng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và một nhà thơ lớn, mà nhiều tác phẩm đã thành những tượng đài trong văn học nước nhà”. (tr.6, sđd).

Phần 1 là tuyển 36 bài thơ được người đọc yêu thích, trong đó có những bài ông sáng tác từ thời kỳ đầu đến với thơ từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước như Hôn mảnh đất quê hương, Tre xanh, Gửi lòng con đến cùng Cha đến những bài thơ ông sáng tác trước khi mất như Tự bạch, Bài thơ chưa kịp đặt tên, trong đó có những bài tràn đầy cảm xúc mạnh mẽ và cháy bỏng, thể hiện tư tưởng và phong cách cường tráng của Thu Bồn, đã trở thành “tượng đài” có sức sống lâu bền trong lòng người đọc như Đất, Tre xanh, Tạm biệt Huế, Hành phương Nam… Không phải ngẫu nhiên mà ông lấy tên dòng sông quê hương làm bút danh cho mình. Ngoài sự tuôn tràn, ào ạt, cuốn phăng về biển cả, còn có cả dòng chảy vô hình khả nhiên như một định mệnh, một thi mệnh / thủy mệnh, nên trong thơ nhiều lần ông nhắc đến từ “sông” như nỗi ám ảnh dai dẳng thi nhân mang theo suốt cả cuộc đời. Chỉ trong 36 bài thơ in ở tập này, đã có 55 lần dòng sông xuất hiện, trong đó có bài xuất hiện đến 8 lần (Chùm thơ nhờ em đặt tên). Ngay trong hai câu thơ ông viết bằng cái nhìn / tâm thức Huế, được coi là thể hiện hồn cốt của con người và nước non xứ Huế, sông cũng chảy qua đến 3 lần: “con sông dùng dằng con sông không chảy / sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Tạm biệt Huế).

Tiếc rằng, cái làm nên dòng chảy mạnh mẽ và cũng là đóng góp lớn lao của Thu Bồn chính là ở trường ca và tiểu thuyết, nhưng do khuôn khổ của cuốn sách, đã không được trích ở đây. Phần 2, là 7 bài hồi ký kể lại con đường đến với thơ, kỷ niệm và hoàn cảnh ra đời các bài thơ, trường ca và tham luận Đại hội lần thứ 4 Hội Nhà văn Việt Nam. Trong đó, bằng cuộc đời xông pha đi qua bốn cuộc chiến tranh để làm nên thực tiễn sáng tác của mình, ông chỉ ra mối quan hệ sinh tồn giữa người viết và hiện thực đời sống của nhân dân: “Tôi nghĩ rằng, người viết văn không thể nào như một con tàu mang đủ năng lượng để đi suốt mà không cần tiếp nhiên liệu ở ga. Những cái ga nhân dân chiến đấu đầy đủ nhiên liệu cho con tàu đi xa. Nhưng cũng đáng buồn thay cho con tàu chỉ sinh ra để tiếp nhận nhiên liệu ở các ga, vì như vậy nó không còn là mục đích của con tàu nữa. Người viết văn cũng vậy. Đi, sống, cuối cùng là để có được những sáng tác tốt. Đó là yêu cầu, cũng là nhiệm vụ”. (Vài kỷ niệm ở chiến trường Khu 5, tr.118).

Chính nhờ sự gắn bó máu thịt với nhân dân, mà Thu Bồn đã tự dệt nên huyền thoại về hình tượng người lính và có một sự nghiệp văn chương đồ sộ đáng để cho văn giới ngưỡng mộ và khâm phục: 10 trường ca, 10 tiểu thuyết, 5 tập thơ, 1 tập truyện ngắn. Không phải vì hành trang cuộc đời đi đây đi đó nhiều, mà khẳng định ông là con người hành động, mà chỉ cần đọc tên các tác phẩm của ông cũng nhận ra trạng thái động, một con người luôn trong tư thế ngước nhìn lên bầu trời mà đi tới: Bài ca chim Chơrao, Quê hương mặt trời vàng, Người vắt sữa bầu trời, Chớp trắng, Những đám mây màu cánh vạc, Đỉnh núi, Vùng pháo sáng…

Phần 3 (trang 156-192), ngoài lược thuật lễ tang nhà thơ của các tác giả Nguyễn Duy, Hoàng Minh Nhân, bài viết của người anh ruột Hà Trình và thơ của hai người vợ Đỗ Thị Thanh Thu và Lý Bạch Huệ, còn trích ý kiến từ sổ tang, điện chia buồn của bạn bè đồng nghiệp và lãnh đạo Trung ương và địa phương.

Sách dành phần lớn nội dung cho phần cuối với những bài thơ khóc tiễn của Nguyễn Duy, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Đắc Lữ, Thế Thanh…; hàng chục bài viết vừa hồi ức kỷ niệm, vừa đau thương của các tác giả Lưu Trùng Dương, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Trần Hữu Tá, Lê Giang, Văn Công Hùng, Phạm Xuân Nguyên...

Với Thu Bồn, văn là người. Nói người là nói đến thơ. Thật chính xác khi Trung Trung Đỉnh luận về phong cách thơ ông: “Ông không vuốt ve cuộc đời, không vuốt ve câu thơ, ông không cố tình làm lạ chữ. Tâm hồn Thu Bồn mở rộng đa đoan vậy nên có khi nào được bình yên đâu dù lúc say sưa sung mãn nhất”. (Nhà thơ Thu Bồn – tráng sĩ hề… dâu bể, tr.200). Cái lối sống vừa nghệ sĩ đa đoan, vừa tráng sĩ phong trần, cứu khốn phò nguy tưởng đã qua rồi lại còn rơi rớt trong con người Thu Bồn. Ông yêu thương con người hết mực, quan tâm đến những người thất cơ lỡ vận, chơi thân với Hoàng Cầm, Phùng Quán, rồi lại còn đi quyên tiền khắp nơi để giúp các cháu con của Dương Thu Hương khi gặp hoạn nạn…

Sống chỉ để lo cho người khác, ít nhiều mang tính chất bao đồng, thì làm sao có được sự hanh thông. Lối sống ấy trong chiến tranh đã khó, khi hòa bình càng khó hơn. Thái Bá Lợi từng so sánh: “Năm 1975, lớp anh em trong trại sáng tác như tôi đều có hàm trung úy. Trong một cuộc nhậu, Thanh Thảo nói:

“Năm ông Thu Bồn đi bộ đội, bọn tôi mới một, hai tuổi (Thu Bồn đi bộ đội năm 1947, Thái Bá Lợi sinh 1945, Thanh Thảo sinh 1946 – P.P.P), tại sao bây giờ ông chỉ hơn bọn này một cấp?”.

Thu Bồn ngạc nhiên: “Tao cũng không biết nữa”, và ông cạn hết ly rượu”. (Thu Bồn – thi sĩ của mọi người, tr.257). Hai bài cuối sách, Rong ruổi với Thu Bồn của Ngô Thảo và Xin đừng mải “đánh đu cùng dâu bể”! của Phan Thị Hoàng Anh làm người đọc vừa buồn, vừa cảm thấy xót xa. Một sự nghiệp lẫy lừng như vậy mà hoàn toàn bị loại khỏi sách giáo khoa, “đến khi mất, một tấc đất ở quê, một địa chỉ lưu giữ kỷ niệm của nhà thơ thật sự tài năng, cũng không có. Mảnh đất ở suối Lồ Ồ, có bạn bè giúp thêm để mua, sau bao năm tự tay nhà thơ tạo dựng, vun đắp, nhiều năm đã thực sự thành một địa chỉ văn hóa, nơi tụ hội bạn bè thân quý trong nước và quốc tế, mới đây đã bán cho một chủ khác; người xưa đã kịp qua mấy chuyến đò, mà người con trai duy nhất còn lại, anh Hà Băng Ngàn, nhiễm chất độc da cam, bị tâm thần phân liệt, mấy lần lên cơn, phải vào khoa tâm thần, lại không được đoái hoài đến. Chỉ nói xót xa hẳn không đủ. Nhưng người thân ruột thịt vì tự trọng, không lên tiếng; bản thân Băng Ngàn vì bệnh tâm thần, không đủ tư cách pháp nhân, thì bạn bè có thể làm gì được?” (Ngô Thảo, tr.386). Hoặc buồn hơn, nơi thờ tự Thu Bồn chỉ “một di ảnh nhạt nhòa, ẩn nhẫn nằm chơ vơ trên bàn thờ chung (mà hương khói đã có phần lạnh lẽo) trong một ngôi chùa dành cho các sư nữ ở địa phận suối Lồ Ồ…” (Phan Thị Hoàng Anh, tr.393).

Vừa qua, Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho Thu Bồn là công bằng và xứng đáng, thể hiện cái nhìn đổi mới và nhân văn cao cả. Thiết nghĩ, ở làng quê văn hiến của nhà thơ, cũng nên có một địa chỉ lưu niệm, cũng là nơi để thờ tự nhà thơ. Một vùng đất văn hóa được làm nên bởi những con người có tầm nhìn/văn hóa, luôn nỗ lực làm giàu có thêm những địa chỉ văn hóa nhân văn.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.