Văn hóa - Giải trí

Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới tại Đà Nẵng: Cơ hội quảng bá nghệ thuật biểu diễn Việt Nam

13:35, 09/09/2017 (GMT+7)

Hiệp hội Sân khấu Quốc tế ITI đã chọn Đà Nẵng làm nơi đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới (ITI World Performing Arts Festival) lần thứ nhất vào năm 2018. Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió, lễ khai mạc có thể kịp diễn ra đúng vào ngày 1-7-2018 nhằm kết hợp kỷ niệm sự kiện 70 năm thành lập ITI. Đây cũng là điểm độc đáo của liên hoan lần này.

Giới nghệ sĩ biểu diễn Đà Nẵng phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn nước nhà tại Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất Đà Nẵng 2018. TRONG ẢNH: Cảnh trong vở Hoàng Diệu do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.Ảnh: TTXVN
Giới nghệ sĩ biểu diễn Đà Nẵng phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn nước nhà tại Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất Đà Nẵng 2018. TRONG ẢNH: Cảnh trong vở Hoàng Diệu do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.Ảnh: TTXVN

Để hình dung về Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất Đà Nẵng 2018, có thể tìm hiểu đôi chút về một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật quan trọng bậc nhất khởi đầu từ năm 1947 của ngành kịch nghệ Pháp, cũng là một trong những liên hoan văn hóa - nghệ thuật nổi tiếng nhất và lâu đời nhất trên thế giới - Liên hoan sân khấu Avignon diễn ra vào tháng 7 hằng năm.

Liên hoan này thu hút khán giả ở cả hai phần: Festival In và Festival Off. Festival In được coi là phần chính thức gồm các vở kịch dàn dựng bởi các tên tuổi lớn trong giới kịch nghệ Pháp và thế giới được trình diễn trang trọng tại những sân khấu lớn và quy mô.

Festival Off được coi là festival mở dành cho tất cả các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nghiệp dư của Pháp và quốc tế muốn tham gia festival để tìm kiếm cơ hội quảng bá thương hiệu. Như vậy, tuy là lần đầu tiên đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới, nhưng Đà Nẵng hoàn toàn có thể học tập mô hình Liên hoan Sân khấu Avignon để phân ra Festival In/Chương trình chính thức và Festival Off/Chương trình phi chính thức, vừa khẳng định đẳng cấp nghệ thuật, vừa tạo sự phong phú, đa dạng và khuyến khích những thể nghiệm cách tân trên sân khấu.

Dự kiến khoảng 20 đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia thành viên ITI - trong đó có Việt Nam - sẽ được mời tham gia Festival In, được thành phố bảo đảm chi phí ăn ở/đi lại tại Đà Nẵng suốt thời gian diễn ra liên hoan; đồng thời cũng khoảng ngần ấy đoàn sẽ được mời tham gia Festival Off, tự túc toàn bộ chi phí ăn ở/đi lại khi đến dự Liên hoan nhưng được Đà Nẵng bố trí thời gian và địa điểm công diễn. Để được mời tham gia Festival In, các đoàn nước ngoài sẽ do ITI thẩm định lựa chọn, còn các đoàn trong nước sẽ do Đà Nẵng phối hợp với ITI Việt Nam cùng tiến cử.

Đà Nẵng không chỉ thay mặt cả nước mà còn cùng cả nước góp sức chung tay làm tròn trách nhiệm đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần này. Vì vậy, giới nghệ sĩ biểu diễn Đà Nẵng phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn nước nhà. Ngay từ bây giờ, các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cần khổ công tập luyện một tiết mục đặc sắc nhất của nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015) để có thể được chọn thay mặt ngành Tuồng Việt Nam tham gia Festival In.

Đồng thời, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố có thể tham gia Festival Off bằng vở dân ca kịch chuyển thể từ kịch bản Chuyện tình bên dòng sông Thu của Lưu Quang Vũ - một nhà viết kịch lừng danh quê Đà Nẵng; bằng một tiết mục đặc sắc nhất của Nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian ở Đà Nẵng (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016).

Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới sẽ tập trung vào việc trình diễn các tiết mục sân khấu và vào các hoạt động học thuật liên quan đến nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu - bao gồm cả múa, âm nhạc, mỹ thuật sân khấu...

Không phải ngẫu nhiên mà liên hoan này mang tên Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn chứ không chỉ Liên hoan Sân khấu. Trong Festival Off, có khả năng dàn dựng tiết mục trình diễn phục trang sân khấu, chẳng hạn khán giả có thể sẽ được tận mục sở thị chiếc váy của nàng Juliet xinh đẹp trong vở kịch Romeo and Juliet của William Shakespeare từng xuất hiện trên sân khấu của nhiều nước khác nhau, và sẽ thấy chiếc váy của nàng Juliet sân khấu Anh không giống với chiếc váy của nàng Juliet sân khấu Pháp, cũng không giống chiếc váy của nàng Juliet sân khấu Nga...

Đó là chưa kể việc các nghệ sĩ hóa trang, vẽ mặt nạ tuồng trước công chúng, ở ngay cửa rạp, được coi như màn quảng cáo thú vị và hiệu quả. Ở Liên hoan sân khấu Avignon, các nghệ sĩ còn trực tiếp đi khắp đường phố để tiếp thị cho vở diễn của mình, mặc nguyên phục trang của vai diễn, cùng các đạo cụ đặc biệt, biến hóa xử sự đúng tính cách của nhân vật...

Trước năm 1975, người Đà Nẵng cũng từng chứng kiến các nghệ sĩ hát bội/cải lương mặc nguyên phục trang của vai diễn ngồi xích-lô đi trên một số đường phố để quảng cáo trước khi diễn ở Rạp hát Hòa Bình. Có thể câu chuyện của sân khấu Đà Nẵng nửa thế kỷ trước sẽ tái hiện trong Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất này.

Nghệ thuật hô/hát bài chòi có thể là một trong những “đặc sản” của Đà Nẵng được giới thiệu tại Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới.  					             Ảnh: NGỌC HÀ
Nghệ thuật hô/hát bài chòi có thể là một trong những “đặc sản” của Đà Nẵng được giới thiệu tại Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới. Ảnh: NGỌC HÀ

Khác với điện ảnh - nghệ thuật thứ bảy, cũng khác với văn chương, nghệ thuật biểu diễn là sự giao tiếp rất gần và rất thực giữa nghệ sĩ với công chúng/khán giả. Nhiều năm nay, người Đà Nẵng từng được mãn nhãn trước các màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật, được thụ hưởng những buổi đại tiệc âm thanh và ánh sáng và không phải không có người nhận ra thông điệp về tình yêu, về khát vọng hòa bình... mà các đạo diễn muốn thể hiện trong từng màn diễn, nhưng so với Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới thì chắc chắn không bằng.

Sức hấp dẫn đồng thời là sức mạnh của nghệ thuật biểu diễn chính là sự giao tiếp rất gần và rất thực ấy giữa nghệ sĩ với công chúng/khán giả, là sự truyền đạt trực tiếp các thông điệp nghệ thuật ấy. Chính vì thế, hoạt động không thể thiếu trong liên hoan này là các cuộc trao đổi mang tính học thuật giữa những nhà lý luận/phê bình sân khấu các nước thành viên ITI nhằm giúp công chúng có nhiều thông tin hữu ích về thị hiếu nghệ thuật đương đại, về nỗ lực cách tân sân khấu, về kinh nghiệm bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống...

Trước khi đến Tây Ban Nha dự Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 35, tôi nghĩ, khó khăn lớn nhất của Đà Nẵng khi được chọn đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất là nơi công diễn. Nhưng khi trực tiếp xem các vở diễn ở một số sân khấu khác nhau ở Segovia, tôi thấy Đà Nẵng với Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Cung Thể thao Tiên Sơn, các sân khấu ngoài trời ở Công viên Biển Đông và ở bờ đông cầu Rồng... cơ bản vẫn có thể đáp ứng nhu cầu về nơi công diễn của khoảng 40 đoàn nghệ thuật biểu diễn đến từ các quốc gia thành viên ITI cũng như từ các địa phương trong nước.

Và cũng chính khi trực tiếp xem các vở diễn ở một số sân khấu khác nhau của Segovia, tôi thấy công chúng sân khấu mới là vấn đề lớn nhất. Làm sao để công chúng thưởng thức các vở diễn với đẳng cấp văn hóa cao - chịu ngồi từ đầu chí cuối, biết vỗ tay tán thưởng mỗi lúc hạ màn, không sử dụng điện thoại di động, không chụp ảnh trong khi diễn viên đang biểu diễn trên sân khấu... nhằm tạo điều kiện để các nghệ sĩ tập trung hóa thân vào vai diễn...

Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất Đà Nẵng 2018 không chỉ là nơi để khán giả và quan trọng hơn là để giới nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam có thể tiếp cận những thành tựu của nghệ thuật biểu diễn thế giới, mà còn là nơi để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế các tiết mục đặc sắc mang tính đại diện của Việt Nam như Nhã nhạc Cung đình Huế (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2003), Ca trù (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2009), Đờn ca tài tử Nam Bộ (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013), hay Tuồng, Kịch nói, Múa rối nước...
ITI là tổ chức quốc tế phi chính phủ được thành lập tại Prague (Cộng hòa Czech) ngày 1-7-1948 do UNESCO và cộng đồng sân khấu quốc tế khởi xướng. Sau 70 năm hoạt động, đến nay Hiệp hội Sân khấu thế giới có 90 nước thành viên, trong đó Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của ITI từ Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 30 tổ chức tại Tampico (Mexico) năm 2004.

BÙI VĂN TIẾNG

.