Văn hóa - Giải trí
Nhà văn xứ Quảng những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực sự mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho đất nước, mang lại cuộc sống tự do cho mỗi người Việt Nam. Trong lĩnh vực văn học, Cách mạng Tháng Tám cũng có ý nghĩa chấm dứt một thời kỳ phát triển tự phát và đầy phức tạp của non một thế kỷ văn học thời Pháp thuộc. Văn học yêu nước và tiếp đó là văn học cách mạng tuy đã có mặt, sung sức và đầy triển vọng nhưng chưa phải là dòng chính thống và nhiều lúc phải ra đời và hoạt động dưới hình thức bán hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Những tác phẩm văn học hiện thực tiến bộ tuy đã rất thành công trong việc phản ánh chân thực cuộc sống khốn khổ, ngột ngạt, lầm than của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, nhưng cũng chưa tìm được lối thoát cho cuộc sống ngột ngạt ấy.
Nhà thơ Khương Hữu Dụng về hoạt động tại xứ Quảng sau Cách mạng Tháng Tám. TRONG ẢNH: Nhà thơ Khương Hữu Dụng (bên trái) và con trai, Đại tá Khương Thế Hưng. Ảnh: Internet |
Những ngày đầu sau cách mạng thành công, trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng dường như đã có một cuộc tập họp đội ngũ không hẹn trước của những tác giả văn chương xứ Quảng, những người từng có thành quả sáng tạo từ trước năm 1945 và những trí thức trẻ đam mê sáng tác văn chương. Họ như đang đứng trước ngã ba đường lịch sử, trước thời khắc biến chuyển trọng đại của dân tộc. Không thể không xuất hiện tâm lý ngỡ ngàng khi bắt gặp cuộc sống mới, trước mắt, một luồng sáng mới đã xuất hiện nhưng sau lưng vẫn còn bị ám ảnh bởi cái cũ chưa tan. Làm sao để con người văn chương vẫn là mình, không dễ đánh mất, nhưng phải nhanh chóng hòa nhập vào cái mới. Đó không phải là điều đơn giản. Nhưng dẫu sao, không khí sôi nổi của Cách mạng Tháng Tám dường như đã cuốn hút họ. Nhà báo, nhà văn Phan Khôi, ở tuổi 58, sau những vang dội với lối thơ mới mẻ “trình làng”, mở đầu phong trào Thơ mới từ những năm 30, sau đó là thời kỳ làm báo nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, đến thời điểm này cũng đang có mặt ở quê Quảng Nam. Khương Hữu Dụng những ngày nổ ra cách mạng đang hoạt động ở Đà Lạt nhưng sau đó về hoạt động văn nghệ ở Quảng Nam; Nguyễn Văn Xuân, Phan Du từng có truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy cũng nhập cuộc với đội ngũ những người viết bước vào chế độ mới. Tế Hanh quê Quảng Ngãi, giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1939, tác giả tập Hoa Niên (1944) nổi tiếng từ trước, ngay sau Cách mạng thành công đã có mặt tại Đà Nẵng với cương vị ủy viên giáo dục của Ủy ban Nhân dân thành Thái Phiên (tên gọi thành phố Đà Nẵng sau cách mạng). Nguyễn Đình, vừa sáng tác thơ trào phúng vừa làm công tác bình dân học vụ và phổ biến luật hỏi, ngã. Võ Quảng làm Chánh tòa thành phố, sau này thành nhà văn, nhà thơ thiếu nhi. Nguyễn Văn Bổng làm công tác tuyên truyền, làm giáo dục với vị trí Hiệu trưởng Trường trung học Thái Phiên, hoạt động trong Đoàn văn hóa cứu quốc Thái Phiên. Ngoại trừ một vài người ít ỏi không đi cùng con đường với cách mạng, còn hầu hết các nhà văn đều đi theo kháng chiến, tập họp nhau trong Đoàn văn hóa kháng chiến của tỉnh, sáng tác thơ văn và tham gia các công tác của đoàn thể. Một số anh em đã làm thơ từ trước, nhưng sau Cách mạng và đi vào kháng chiến, thơ văn mới được biết rộng rãi như Hồ Thấu, Phạm Văn Ký, Trinh Đường...
Hoạt động sáng tác văn chương tuy chưa nhiều nhưng đội ngũ những người viết đã nhiệt tình tham gia các công tác của đoàn thể, thể hiện tình cảm của mình với cách mạng, với chế độ mới. Bên cạnh các hoạt động âm nhạc sôi nổi của các thanh niên trí thức yêu âm nhạc, sau này nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Bích Sơn, Văn Cận (tên thật là Võ Văn Hoài), những cây bút văn chương cũng tham gia duyệt tin bài cho các buổi phát thanh, hoặc trực tiếp làm các công việc liên quan đến công tác tuyên truyền như cắt, viết khẩu hiệu, vẽ áp-phích cổ động... Điều quan trọng là không khí sinh hoạt tinh thần được khơi dậy cùng với không khí hồ hởi của những ngày đầu Cách mạng thành công. Nhà văn Võ Quảng lúc vừa cướp chính quyền là Ủy viên tư pháp, sau đó chuyển sang làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thành Thái Phiên, sau này nhớ lại: “Cả Ủy ban hành chính đều biết yêu văn học nghệ thuật nhưng trong những năm đó chưa kịp làm gì, chỉ mới biết đón tiếp những nhà văn, nhà thơ, những đoàn nghệ thuật từ Hà Nội vào, từ các tỉnh đến... Một số đoàn kịch, đoàn văn công từ Bắc vào, tổ chức nhiều đêm diễn ở Đà Nẵng. Không chỉ những kịch nói, mà còn có những kịch thơ, hài kịch. Vở hài kịch “Thằng Tây đoan bắt rượu” làm nhiều người cười lăn cười lóc” (1).
Nhờ cảm hứng từ không khí rạo rực của cách mạng, một số cây bút văn xuôi đã có những thành quả sáng tác đầu tiên nóng hổi tính thời sự. Tiêu biểu trong số này là các sáng tác của Nguyễn Văn Bổng, cây bút từng xuất hiện trên các báo ở Hà Nội trước cách mạng với các truyện ngắn như Say nửa chừng, Cha mẹ, Làm lại cuộc đời, Dưới đáy sông Hương... Truyện ký Nguyễn Văn Bổng ở buổi đầu cách mạng tuy vẫn còn sơ lược về nội dung và nghệ thuật nhưng mang tình cảm sôi nổi, háo hức rất chân thành của một người viết, một thanh niên trí thức được hòa mình vào cuộc sống mới, hòa mình với quần chúng cách mạng trong những bước đi đầu tiên. Đáng chú ý là các tác phẩm như Ngày hội của lòng em, Sáng tác, và nhất là bút ký Mùa đông 1946. Có thể những bài viết ban đầu này được Nguyễn Văn Bổng tập hợp thành tập bút ký Nhập vào đám đông được Nhà xuất bản Hoa Lư của Lưu Quang Thuận tại Hà Nội ấn hành. Nhưng rất tiếc, tập bút ký vừa in xong còn để ở nhà in thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sách bị cháy hết! (2).
Như đã nói trên, tuy thành quả sáng tác của các cây bút Quảng Nam-Đà Nẵng những ngày đầu sau Cách mạng thành công còn rất thưa vắng, ít ỏi, chủ yếu là văn xuôi ở dạng ký, và tập trung vào một tác giả là Nguyễn Văn Bổng nhưng thông qua những trang viết của nhà văn này, và qua sự kiểm nghiệm của lịch sử văn học, chúng ta càng hiểu thêm, đã có một đội ngũ nhà văn xứ Quảng trưởng thành cùng cách mạng, và chính cách mạng đã làm thay đổi số phận của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, hướng họ đến với dòng chảy của nền văn học nghệ thuật cách mạng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
BÙI CÔNG MINH
(1) Võ Quảng, Nhớ lại đôi điều liền sau Cách mạng Tháng Tám, in trong cuốn Đà Nẵng 1946, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng ấn hành năm 2001, tr.33.
(2) Theo Kỷ niệm một thời tuyên truyền kháng chiến Quảng Nam- Đà Nẵng, Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng ấn hành, 12-1996, tr.8