Sau di tích cấp quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, thành phố Đà Nẵng đang tiến hành lập hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt cho di tích quốc gia Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Theo các nhà nghiên cứu, kể từ khi di tích này được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1990, những nghiên cứu, khảo cổ càng xác minh giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Ngũ Hành Sơn.
Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Lâu nay, theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, Ngũ Hành Sơn là vùng đất linh thiêng, có giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc. Tương truyền, trong thời khắc sinh ra của trời và đất, khi Đà Nẵng vẫn còn hoang sơ, một con rùa biển lớn từ Biển Đông bò vào bờ và chọn vùng đất này làm nơi đẻ trứng.
Khác biệt là con rùa lớn này chỉ đẻ duy nhất 1 quả trứng rồi trở lại biển, vỏ trứng nứt làm 5 mảnh, trở thành 5 trái núi nên gọi là Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ ra rằng, các cứ liệu lịch sử cho thấy, vùng đất này có tên gọi là Non Nước từ lâu đời và đã đi vào ca dao như một tổng kết kinh nghiệm về thời tiết của dân chúng: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà, Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”.
Trong Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lập năm 1594, sau khi được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, vẽ đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp có ghi địa danh “Non Nước Sơn”.
Cũng như trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo, tự Đạo Phủ, quê Nghệ An, soạn vào năm Bính Dần (1686), vẽ đường đi từ Thăng Long đến Chiêm Thành đều có ghi “Non Nước Sơn tam đỉnh” bằng chữ Nôm. Như vậy, địa danh núi Non Nước đã xuất hiện trên văn bản hơn 5 thế kỷ, còn sự ra đời của vùng đất này chắc phải kể từ khi những lưu dân Việt đặt chân đến đây.
Trong khi đó, tên Ngũ Hành Sơn được Lê Quang Định nói đến trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) như sau: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước”.
Nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) cũng là lần thứ 3 đến ngự du nơi này (lần thứ nhất vào năm 1825 và lần thứ hai vào năm 1827), nhà vua mới chính thức ghi tên Ngũ Hành Sơn vào bản đồ địa chính của Đại Nam (quốc hiệu nước ta thời bấy giờ) bằng một sắc chỉ - theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên, đồng thời tiến hành tu sửa chùa Tam Thai và xây dựng chùa Ứng Chân.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn với vẻ đẹp kỳ bí thu hút hàng ngàn lượt khách thăm quan mỗi ngày. Ảnh: NGỌC HÀ |
Trong buổi tọa đàm khoa học “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn” mới đây, các nhà nghiên cứu còn cho rằng dấu tích về con người ở cụm núi này, ngoài những hiện vật Chăm được thờ tự trong các hang động, thì công tác khảo cổ cũng đã chứng minh khu vực núi Ngũ Hành Sơn là nơi sinh tụ của người Chămpa từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IX.
Ngoài ra, với mật độ dày đặc chùa chiền, tượng phật được xây dựng rất sớm trên các ngọn núi ở Ngũ Hành Sơn, cùng những văn bia, hiện vật văn hóa phật giáo… đang còn lưu giữ được, đủ điều kiện để xác định Ngũ Hành Sơn chính là một trong những trung tâm phật giáo ở khu vực.
“Đây là những căn cứ mới mở ra sự hợp tác giữa những nhà quản lý với các nhà nghiên cứu và phật giáo, từng bước xây dựng hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa thế giới…”, Hòa thượng Thích Hải Ấn thuộc Trung tâm Phật giáo Liễu Quán (Huế) nói.
Dưới góc nhìn phong thủy, Ngũ Hành Sơn là vùng đất địa linh không chỉ của riêng Đà Nẵng mà còn của cả nước. Theo kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch thành phố, Đà Nẵng có một vài vị trí phong thủy tốt như: núi Sơn Trà, thành Điện Hải, Ngũ Hành Sơn…
Nếu quan sát kỹ, địa hình thành phố Đà Nẵng như lòng bàn tay ngửa, vuông vức với đầy đủ các nhân tố của vùng đất linh thiêng. Tính từ đông sang tây, năm đỉnh núi gồm: Ngũ Hành Sơn, Phước Tường, núi Chúa (Bà Nà), Hải Vân và Sơn Trà được ví như 5 đầu ngón tay bao bọc xung quanh che chở lòng bàn tay là thành phố.
Ngoài ra, Ngũ Hành Sơn cùng với núi Sơn Trà tạo nên thế đất theo thuật phong thủy gọi là “Rồng chầu hổ phục” cho Đà Nẵng. “Ngũ Hành Sơn sở hữu địa thế đa dạng hiếm có gồm núi, đồng bằng, sông, biển xen kẽ nhau. Tôi cho rằng đây là vùng đất thiêng”, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm nói.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, lịch sử Ngũ Hành Sơn gắn với quá trình mở cõi phương Nam của người Việt. Xét về lịch sử thì làng Quán Khái Đông (làng cũ của Hòa Hải) là làng đá có gốc gác từ Thanh Hóa theo chân người Việt vào đến đất này, từ đó phát triển thành làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước…
Như vậy, Ngũ Hành Sơn được xem là một trong những địa điểm trong quá trình mở cõi. Đặc biệt, thông qua xây dựng Vọng Hải đài hướng về biển Đông cho thấy ý thức cảnh giác và sự nhạy cảm chính trị đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của triều Nguyễn.
“Từ ý nghĩa lịch sử mở cõi, sự phát triển phật giáo Đàng Trong, ý thức phòng thủ biển, đảo và là căn cứ cách mạng trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ; đến di sản văn hóa tâm linh, thì so với những di tích đặc biệt khác, Ngũ Hành Sơn không hề thua kém”, ông Tiếng nhận định.
Với những giá trị đặc biệt của di tích quốc gia Ngũ Hành Sơn, các nhà nghiên cứu đề nghị thành phố Đà Nẵng đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng chính phủ công nhận Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích quốc gia cấp đặc biệt.
Mặc dù có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại việc Ngũ Hành Sơn sẽ rất khó khăn để đủ điều kiện trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt, bởi thời gian qua di tích cấp quốc gia này bị xâm hại nghiêm trọng để phục vụ việc phát triển du lịch.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, các ngành chức năng của quận đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố và đề xuất các giải pháp khắc phục sự xâm hại cũng như bảo tồn di tích cấp quốc gia này.
NGỌC HÀ