Sáng 1-6, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp bàn về việc mở Đường sách Đà Nẵng. Tại đây, các đơn vị liên quan báo cáo các vấn đề đã triển khai trong việc thực hiện mở đường sách, tập trung thảo luận nhằm tìm ra giải pháp sớm đưa đường sách vào hoạt động.
Đề án Đường sách Đà Nẵng được triển khai vào cuối năm 2016, do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng Viện Quy hoạch thành phố thực hiện. Địa điểm tổ chức đường sách tại khu đất 3 mặt tiền đường Bạch Đằng, Thành Điện Hải, Trần Phú (sát với sân tennis Thanh Niên), hoạt động từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày.
Đường sách có 16 kios sách (mỗi kios rộng khoảng 30m2), có vị trí để tổ chức gian hàng cafe sách, không gian chung để tổ chức hoạt động của Đường sách; có không gian trưng bày, mua bán sách, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, giới thiệu các tác giả, tác phẩm mới.
Theo kế hoạch, Đường sách Đà Nẵng hoàn thành vào cuối tháng 3-2017, thế nhưng đến đầu tháng 6-2018 vẫn chưa hoàn thành. Thời điểm ban hành đề án, để thu hút các nhà xuất bản tham gia, UBND thành phố bỏ ra hơn 7 tỷ đồng đầu tư toàn bộ công trình và miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các đơn vị tham gia trong một năm. Tuy nhiên, sau đó UBND thành phố chuyển sang kêu gọi đầu tư theo chủ trương xã hội hóa.
Khó khăn trong việc xây dựng đường sách tại Đà Nẵng là chưa có sự thống nhất với các đơn vị đầu tư, giữa lợi ích của đơn vị đầu tư và mục tiêu lâu dài, bền vững của đường sách.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng kêu gọi các đơn vị liên quan phải quyết tâm thực hiện đường sách, dù có đầu tư theo chủ trương xã hội hóa hay không; vì ngay từ đầu đã xác định tạo không gian văn hóa, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân.
Ông Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đề ra các phương án để nhà đầu tư lựa chọn, không thể ép buộc nhà đầu tư theo ý mình; cùng bàn luận, góp ý với nhà đầu tư để xây dựng không gian hợp lý.
Về Thư viện Khoa học tổng hợp, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, bắt đầu quá tải, nên cần có những phương án nâng cấp, mở rộng thư viện. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cho rằng không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng về không gian đọc mà nên đầu tư vào thư viện trực tuyến, phát triển qua mạng Internet.
Đồng thời, cần có thư viện vệ tinh của thành phố, mở các thư viện tại các quận để người dân có thể đọc sách gần nhà, vừa tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân vừa có không gian rộng, giải quyết được sự quá tải ở Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.
Trong dịp hè, các đơn vị cần phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa thông qua đọc sách, tổ chức các buổi giới thiệu sách, văn học thiếu nhi cho học sinh. Bên cạnh đó, các quận, huyện cần triển khai thực hiện tốt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, tiếp thu kinh nghiệm từ Hội sách Hải Châu để nâng cấp hội sách trên địa bàn các quận.
THU THẢO