Từ năm 2016 đến nay, chương trình “Vũ hội đường phố” được tổ chức hằng tháng trên địa bàn quận Sơn Trà. Đây chính là một điểm hẹn văn hóa, biến khu vực bờ đông sông Hàn thành không gian sống động, ngập tràn sắc màu và âm nhạc.
“Vũ hội đường phố” năm 2018 không chỉ là sân chơi của các nghệ sĩ, vũ công mà còn của người dân và khách du lịch tại Đà Nẵng. |
Cứ tối thứ 7 mỗi tuần cuối tháng, đúng 20 giờ, tiếng kèn hơi lại cất lên dõng dạc trên tuyến đường Trần Hưng Đạo. 10 nhạc công của Câu lạc bộ (CLB) Nhạc hơi (Trung tâm Văn hóa Đà Nẵng) lại dẫn đầu đoàn nghệ sĩ bắt đầu cuộc diễu hành. Vừa di chuyển, các nghệ sĩ vừa thể hiện những điệu nhảy sinh động, từ Passo, Rumba, Chachacha cho đến Tango, Bebop, Disco, Salsa…
Với hệ thống âm thanh công suất lớn đặt cố định tại 5 cụm dọc đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Lý Nam Đế đến đường Triệu Việt Vương) cùng các loại đèn pha, đèn xoay, đèn rọi trời…, khu vực bờ đông sông Hàn vốn thường ngày yên ắng bỗng trở thành một bữa tiệc của âm thanh, màu sắc và những điệu vũ duyên dáng.
Chị Nguyễn Thị Bích Dung (du khách từ Vũng Tàu) cho biết: “Gia đình tôi tình cờ đến Đà Nẵng vào đúng dịp thành phố tổ chức chương trình “Vũ hội đường phố” tháng 4. Lần đầu tiên được trực tiếp hòa mình vào cuộc diễu hành, khiêu vũ đường phố, tôi cảm thấy người lâng lâng theo điệu nhạc. Nhờ có những chương trình như vậy, du khách đến Đà Nẵng mới có thêm hoạt động vui chơi về đêm vừa vui, vừa… kinh tế”.
Theo ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, đây là năm đầu tiên chương trình “Vũ hội thành phố” tạo thêm không gian cho công chúng cùng tham gia. Khác với 2 năm trước, hiện nay không gian 2 bên lối diễu hành được mở. Người biểu diễn đóng vai trò “mồi”, khuyến khích khán giả nhập đoàn để cùng khiêu vũ. “Chúng tôi chú trọng sử dụng những điệu nhạc dễ nhảy, khán giả không biết khiêu vũ cũng có thể nhảy theo. Quan trọng là phải tạo ra bầu không khí vui tươi khiến ai cũng muốn hòa mình vào”, ông Ngọc nói. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên chương trình “Vũ hội đường phố” được tổ chức theo từng chủ đề riêng biệt cho mỗi tháng. Chẳng hạn tháng 2, chương trình mang chủ đề “Hương sắc mùa xuân” với những bài nhạc trong nước và quốc tế viết về vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Tháng 4, các vũ công hòa chung trong niềm vui lớn của dân tộc với các tác phẩm “Đất nước trọn niềm vui”, “Chiều Đà Nẵng”, “Bức họa đồng quê”, “Đà Nẵng tôi yêu”…
Ông Ngọc cho hay, trong tháng 5, chương trình “Vũ hội đường phố” được tổ chức quy mô hơn nhằm chào mừng 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Liên hoan giao lưu gặp gỡ các CLB thành phố Đà Nẵng. Ngoài các tiết mục diễu hành và khiêu vũ như thường lệ, chương trình có thêm lễ xếp quân, đồng diễn các vũ điệu tập thể về quê hương, đất nước…
Hiện tại, mỗi chương trình “Vũ hội đường phố” thu hút trên, dưới 170 nghệ sĩ đến từ các CLB Mây Xanh, Tiên Sa, Vũ điệu Thể thao nữ… và các sinh viên của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng. Theo ông Ngọc, các nghệ sĩ tham gia phải tự tập luyện, tự chuẩn bị trang phục và đến với chương trình hoàn toàn bằng niềm đam mê.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ nhiệm CLB khiêu vũ Mây Xanh kể, trong nhóm có một đôi vợ chồng năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn hăng say tập luyện, gần như không bỏ một buổi trình diễn nào của chương trình “Vũ hội đường phố.”
Bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, quận Sơn Trà cho biết, kể từ năm 2017, “Vũ hội đường phố” được Trung tâm Văn hóa thành phố chủ trì, phối hợp với UBND quận Sơn Trà và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tổ chức. Mỗi tháng, quận Sơn Trà huy động các “nghệ sĩ” không chuyên từ các phường để tham gia tập luyện, trình diễn. Bên cạnh đó, quận là đơn vị chủ công trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông… cho đêm vũ hội.
Trên thực tế, không có nhiều địa phương có thể tổ chức một chương trình khiêu vũ, diễu hành mang tính chất quần chúng, chuyên nghiệp. Với “Vũ hội đường phố”, Đà Nẵng hy vọng sẽ quảng bá được văn hóa truyền thống và tiếp thu văn hóa thế giới, đồng thời mang đến một hoạt động hấp dẫn, thu hút và đầy sức trẻ của thành phố biển.
Bài và ảnh: PHONG LAN