Mỗi loại hình nghệ thuật có một công chúng khác nhau và mỗi công chúng như vậy lại có một cách thưởng thức nghệ thuật không giống nhau.
Nhưng khác nhau đến mấy thì tựu trung cũng chỉ có hai cách thưởng thức nghệ thuật chung nhất: thưởng thức một mình và cùng thưởng thức với đám đông. Phổ biến nhất là cách cùng thưởng thức với đám đông: xem kịch/xem múa trong nhà hát, hoặc xem phim trong rạp chiếu phim, xem xiếc trong rạp xiếc, xem tranh/tượng/ảnh nghệ thuật trong bảo tàng/phòng triển lãm/trưng bày ngoài trời... Văn chương và âm nhạc thường thích hợp với thưởng thức một mình.
Nhiều người thích một mình đọc truyện/đọc thơ hoặc nghe nhạc. Đương nhiên nếu muốn thì người đọc/người nghe vẫn có thể cùng đám đông nghe đọc thơ, nghe thổi kèn, nghe hợp xướng hoặc đơn ca...
Sự trân trọng lao động nghệ thuật sẽ tạo nên cách ứng xử có văn hóa trong thưởng thức các chương trình nghệ thuật. TRONG ẢNH: Khán giả thưởng thức đêm nhạc “Điều ước cho tình yêu” tại Nhà hát Trưng Vương. Ảnh: HÀ TIẾN ANH |
Cách cùng thưởng thức với đám đông cũng có thể chia hai loại: giao tiếp trực diện với diễn viên và không giao tiếp trực diện với diễn viên. Không giao tiếp trực diện với diễn viên như khi cùng xem phim/xem kịch/xem múa trên màn ảnh rộng hoặc trên máy thu hình; cùng nghe ngâm thơ hoặc đọc truyện trên máy thu thanh; cùng nghe nhạc trên băng đĩa; cùng xem tranh/tượng/ảnh nghệ thuật trong bảo tàng/phòng triển lãm/trưng bày ngoài trời…
Văn hóa ứng xử trong thưởng thức nghệ thuật ở trường hợp này chỉ tác động đến người cùng thưởng thức. Một số biểu hiện được xem là thiếu văn hóa ứng xử như nói chuyện ồn ào với nhau hoặc nói chuyện điện thoại; viết/vẽ/khắc lên tranh tường hoặc tượng ngoài trời.
Văn hóa ứng xử trong thưởng thức nghệ thuật ở trường hợp giao tiếp trực diện với diễn viên đáng quan tâm hơn nhiều, bởi không chỉ tác động đến người cùng thưởng thức mà còn tác động đến các diễn viên đang lao động nghệ thuật trên sàn diễn.
Lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên sân khấu đòi hỏi sự tập trung tư tưởng để hóa thân vào vai diễn. Một tác động khách quan từ phía khán giả có thể làm các nghệ sĩ thiếu tập trung, dẫn tới khó đạt hiệu quả cao trong diễn xuất.
Có thể kể ra mấy biểu hiện thiếu văn hóa ứng xử trong thưởng thức nghệ thuật thường thấy ở trường hợp giao tiếp trực diện với diễn viên như: để chuông điện thoại di động reo vang trong rạp và thậm chí còn vô tư hồn nhiên lớn tiếng điện đàm như chỗ không người; lên sân khấu tặng hoa cho nghệ sĩ, thậm chí còn đứng lại để chụp ảnh chung, ôm hôn hoặc bắt tay ngay khi họ đang diễn, hay tặng hoa khi buổi diễn kết thúc nhưng lại đứng dưới và với hoa lên, buộc nghệ sĩ phải cúi xuống nhận; giơ cao điện thoại chụp ảnh và quay video suốt buổi biểu diễn, làm phiền nhiều khán giả khác bởi đèn flash và tiếng động khi chụp ảnh cũng như che khuất tầm nhìn của họ; nghe hòa nhạc mà vỗ tay rào rào khi chỉ huy chưa ngưng đũa/nhạc công chưa dừng buổi diễn...
Đương nhiên mấy biểu hiện vừa nêu chỉ là của một thiểu số khán giả, nhưng thế cũng đã quá đủ để buồn lòng...
Thực ra khán giả Đà Nẵng vẫn được đánh giá là rất nhiệt tình đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Chẳng hạn, tối 7-12-2011, Nhà hát Trưng Vương với 1.200 ghế ngồi đã chật kín khán giả trong đêm nhạc duy nhất của nhạc sĩ Phạm Duy lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Tạ ơn đời”.
Hay tối 22-12-2011, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh không còn ghế ngồi, tất cả lối đi cũng được trưng dụng làm chỗ ngồi, thậm chí nhiều khán giả kiên trì đứng để nghe và xem các nghệ sĩ biểu diễn Tây ban cầm thể hiện tài năng trong chương trình Guitar Concert Đà Nẵng 2011 do Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng và Khoa Guitar thuộc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Hoặc tối 25 và 26-11-2017, chương trình chiếu phim, giao lưu đoàn phim và trình diễn thời trang đã diễn ra trước Nhà hát Trưng Vương trong khuôn khổ Liên hoan phim lần thứ 20. Trong những ngày này, Đà Nẵng liên tục có mưa gây không ít trở ngại cho hoạt động của Liên hoan phim, nhưng người dân Đà Nẵng vẫn đội mưa đến theo dõi chương trình, vẫn che ô, mặc áo mưa để dõi theo từng bước chân của người mẫu. Bình quân mỗi chương trình có khoảng vài trăm khán giả theo dõi, lấp đầy các hàng ghế bên ngoài Nhà hát Trưng Vương...
Tuy nhiên, không phải lúc nào chương trình nghệ thuật tổ chức biểu diễn ở Đà Nẵng cũng thu hút đông đảo khán giả; có nhiều chương trình rất hay, chất lượng nghệ thuật rất cao, nhưng khán giả lại thờ ơ. Số lượng khán giả đến với các chương trình nghệ thuật quá ít ỏi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cảm hứng của nghệ sĩ biểu diễn.
Bất cập này cũng đang là một vấn đề lớn của nghệ thuật biểu diễn hiện nay nhưng không phải là biểu hiện thiếu văn hóa ứng xử trong thưởng thức nghệ thuật. Tuy nhiên, một số trường hợp liên quan đến số lượng khán giả lại được xem là thiếu văn hóa ứng xử trong thưởng thức nghệ thuật như đi trễ về sớm, đặc biệt là đồng loạt đứng lên ra về khi chương trình vẫn tiếp diễn với tiết mục cuối, thậm chí tiết mục gần cuối...
Về nguyên nhân dẫn đến ứng xử văn hóa trong thưởng thức nghệ thuật chưa như mong đợi, ngoài câu chuyện liên quan đến đẳng cấp văn hóa, còn có câu chuyện liên quan đến thị hiếu nghệ thuật của một bộ phận khán giả.
Cố GS.TS Đình Quang từng nhận xét rất đúng rằng: “Miền núi thiên về dân ca dân vũ, trường ca đoản thi hơn. Văn học tiểu thuyết, tranh giá vẽ, tân nhạc và nhạc không lời phát triển ở miền xuôi hơn. Số lượng đoàn kịch nói phía Bắc phát triển nhiều hơn phía Nam. Cải lương ra đời ở miền Nam nhưng lại đã nhanh chóng lan ra cả nước, ngược lại chèo cổ hàng ngàn năm cho tới nay vẫn không thể bắt rễ vào miền Nam mà chỉ có những cuộc lưu diễn chủ yếu cho khán giả người Bắc di cư…”(*).
Đã không thích/không hợp gu/không đúng khẩu vị thì khó mà đòi hỏi khán giả tập trung để thưởng thức, khó mà đòi hỏi họ ngồi yên cho đến phút cuối cùng. Cho nên, việc tổ chức biểu diễn cũng phải quan tâm đến tập quán thưởng thức nghệ thuật/thị hiếu thẩm mỹ của đa số cư dân bản địa.
Mặt khác, các cơ sở tổ chức biểu diễn cũng phải quan tâm đề ra những quy định và phổ biến đến khán giả về những hành vi không được làm khi ở trong nhà hát/nơi biểu diễn để họ tự giác thực hiện đi đôi với giám sát, nhắc nhở, thậm chí chế tài.
Chẳng hạn, có nhà hát in sẵn trên vé, hoặc trên booklet/ sách nhỏ quảng cáo của mỗi buổi diễn một số quy định phổ biến như không chụp ảnh, quay phim; 15 phút sau khi mở màn buổi diễn nhà hát sẽ đóng cửa; không nói chuyện riêng hoặc phát ra tiếng động lớn trong suốt buổi diễn; không sử dụng điện thoại di động trong giờ diễn; thậm chí có nơi còn ghi rõ là không cho trẻ dưới 8 tuổi vào xem. Vận dụng giải pháp nêu trên có thể góp phần “nâng cấp” văn hóa ứng xử trong thưởng thức nghệ thuật một cách hiệu quả...
Giải pháp căn cơ nhất vẫn là nâng cao chất lượng giáo dục văn chương nghệ thuật trong trường học, trước hết là trong trường phổ thông. Được tiếp cận với cái đẹp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh sẽ biết yêu cái đẹp, có được thị hiếu thẩm mỹ tinh tế và đúng đắn.
Được tiếp cận với quá trình sáng tạo cái đẹp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh sẽ biết trân trọng với lao động nghệ thuật đầy nhọc nhằn của người nghệ sĩ. Chính lòng yêu cái đẹp, chính thị hiếu thẩm mỹ tinh tế và đúng đắn, chính sự trân trọng với lao động nghệ thuật sẽ hình thành một công chúng thưởng thức nghệ thuật có đẳng cấp văn hóa, biết ứng xử văn hóa phù hợp cả khi thưởng thức một mình cũng như khi cùng thưởng thức với đám đông, cả khi giao tiếp trực diện với diễn viên cũng như khi không giao tiếp trực diện với diễn viên.
BÙI VĂN TIẾNG
(*) Dẫn theo Thanh Tuấn: Thưởng thức văn hóa cũng phải được giáo dục, Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử ngày 8-11-2013.