15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Nhiều chính sách sáng tạo, nhân văn phát triển Đà Nẵng - Bài 1: Văn hóa là động lực phát triển

.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị, cùng với những đổi thay mạnh mẽ về diện mạo đô thị, phát triển kinh tế, Đà Nẵng đã có những chính sách đột phá, sáng tạo, mang tính nhân văn trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và nhất là các chính sách an sinh xã hội.

Từ đó, đời sống người dân ngày càng chuyển biến sâu sắc, góp phần xây dựng nên hình ảnh đô thị Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại.

Nhiều hoạt động văn học - nghệ thuật diễn ra sôi nổi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. TRONG ẢNH: Một hoạt động nghệ thuật tại bờ đông cầu Rồng.  			     Ảnh: NGỌC HÀ
Nhiều hoạt động văn học - nghệ thuật diễn ra sôi nổi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. TRONG ẢNH: Một hoạt động nghệ thuật tại bờ đông cầu Rồng.

Bài 1: Văn hóa là động lực phát triển

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành vào ngày 16-10-2003 “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhấn mạnh, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm văn hóa-thể thao của miền Trung, quan tâm phát triển văn hóa-xã hội tương xứng với sự phát triển kinh tế.

15 năm qua, thực hiện Nghị quyết 33, Đà Nẵng đã từng bước đầu tư cho văn hóa trên diện rộng, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, làm nền tảng xây dựng Đà Nẵng văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

Bước tiến của lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Nhìn nhận 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Bùi Văn Tiếng cho rằng, nghị quyết này tuy đề cập không nhiều về văn hóa-xã hội, đặc biệt là chưa đề cập đến văn học-nghệ thuật nhưng có một số định hướng khá cơ bản để thúc đẩy lĩnh vực văn hóa-xã hội nói chung và văn học-nghệ thuật nói riêng trong giai đoạn phát triển mới của Đà Nẵng.

Đây là lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng khuyến cáo Đà Nẵng phát triển văn hóa tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế, do vậy đã tạo hưng phấn cho những người làm văn hóa và giới văn nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật để góp phần xây dựng thành phố phát triển như mong đợi.

Trước hết là một cú hích về tinh thần, tạo động lực cho những người lao động trên lĩnh vực văn hóa và văn học-nghệ thuật trong thành phố. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 33, đời sống kinh tế càng phát triển hơn trước và cũng trở thành “bà đỡ” để văn hóa, đặc biệt là văn học-nghệ thuật phát triển tương xứng.

Ông Bùi Văn Tiếng dẫn chứng, giải thưởng văn học-nghệ thuật 5 năm của thành phố đã có từ trước, nhưng đặc biệt lần thứ 3 thì càng có nhiều tác phẩm không chỉ là thành tựu của riêng văn học-nghệ thuật Đà Nẵng mà còn đóng góp vào thành tựu chung của văn học-nghệ thuật cả nước.

Ở giai đoạn này, xuất hiện một số tiểu thuyết được đánh giá cao về chất lượng trong việc sáng tạo văn học-nghệ thuật như: “Kỳ nữ họ Tống” của Nguyễn Văn Xuân; “Minh sư” của Thái Bá Lợi, “Thế kỷ bị mất” của Phạm Ngọc Cảnh Nam.

Ngoài ra, phải tính đến một số “binh chủng” như âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh nghệ thuật, sân khấu... cũng có những bước phát triển mạnh trong 15 năm qua, tác động kịp thời đến đời sống văn hóa của người dân. Sân khấu đã dựng lại được một vở kịch của Lưu Quang Vũ “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, đến bây giờ vẫn còn nóng hổi tính thời sự; nhiếp ảnh đã đưa các tác phẩm ảnh nghệ thuật vào triển lãm tại Bệnh viện Ung bướu để động viên tinh thần người bệnh, xoa dịu nỗi đau về tinh thần…

15 năm qua, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ngành của thành phố được kịp thời và cụ thể hơn bằng Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 23-10-2008 của Thành ủy, Kế hoạch số 1991-KH/UBND-VX ngày 3-4-2009 của UBND thành phố.

Qua đó, các chế độ, chính sách đối với văn học-nghệ thuật được ban hành và triển khai thực hiện; kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được nâng lên như giải thưởng văn học-nghệ thuật 5 năm của thành phố, giải thưởng hằng năm của Liên hiệp Hội, tặng thưởng hằng năm của các hội chuyên ngành, thưởng thêm 50% giá trị tiền thưởng cho các tác giả đoạt giải thưởng quốc gia, quốc tế…, phụ cấp cho chủ tịch các hội chuyên ngành từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Điều này giúp hoạt động của các hội chuyên ngành được phong phú hơn, kịp thời động viên văn nghệ sĩ thành phố tiếp tục lao động sáng tạo, tạo ra nhiều tác phẩm tốt phục vụ công chúng. Các câu lạc bộ văn học-nghệ thuật được thành lập tại các hội chuyên ngành cũng như tại các quận, huyện của thành phố, đưa hoạt động văn học-nghệ thuật phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố tâm sự, 15 năm qua, điều đọng lại quý nhất là tinh thần tận tâm, tận lực, trung thành với đường lối văn học-nghệ thuật của Đảng và Nhà nước của các nghệ sĩ.

Hội Nghệ sĩ múa hiện có trên 80 nghệ sĩ, trong đó hơn 30 hội viên Trung ương, về hoạt động chuyên môn chỉ xếp sau hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Một số tác phẩm đoạt giải thưởng cao như kịch múa Một thời và mãi mãi, múa Học trò xứ Quảng, Mộ gió…

Đối với lĩnh vực sân khấu, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho rằng, các nghệ sĩ đã góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật truyền thống bằng cách quảng bá đến đông đảo người dân và du khách.

Với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, những chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch ra đời; việc đưa nghệ thuật tuồng xuống phố, giới thiệu tuồng đến các trường học… bước đầu đã đạt kết quả tích cực khi nghệ thuật tuồng được công chúng dần biết đến, đặc biệt nhiều sinh viên đã đến nhà hát để tìm hiểu, nghiên cứu tuồng…

“Trong số 63 tỉnh, thành chỉ còn 7 đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh được đánh giá hoạt động hiệu quả cũng như làm tốt công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống”, ông Tuấn nói.

Theo các văn nghệ sĩ thành phố, các nghị quyết, chỉ thị… của Đảng và Nhà nước thấm sâu vào đời sống văn nghệ sĩ; đồng thời đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn học-nghệ thuật trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là vẫn chưa có những tác phẩm lớn, mang tầm cao, xứng tầm với việc phát triển của kinh tế, xã hội thành phố; đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận còn hạn chế về chuyên môn…

NSND Lê Huân cho rằng, với việc định hướng xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN) thì muốn làm kinh tế XHCN phải xây dựng con người XHCN nhưng ở đây con người Đà Nẵng chưa vươn tới tầm văn minh, hiện đại, tầm cảm thụ nghệ thuật còn thấp.

“Chúng ta thấy rõ văn hóa chưa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế. Du khách đến Đà Nẵng cảm thán về những cây cầu, về bãi biển đẹp nhưng bản sắc văn hóa Đà Nẵng là gì người ta chưa cảm nhận được như khi đến những vùng đất khác. Chúng ta phải nâng tầm vóc con người Đà Nẵng ở nhiều khía cạnh, đặc biệt chú trọng bồi đắp tính chân - thiện - mỹ”, NSND Lê Huân góp ý.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn Nghị quyết 33, trên lĩnh vực văn học-nghệ thuật, văn nghệ sĩ đề nghị thành phố đầu tư, đặt hàng những tác phẩm lớn, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ kế cận, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như vai trò, vị trí của văn học-nghệ thuật trong đời sống xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay.

Người đứng đầu thành phố cần có cuộc làm việc với văn nghệ sĩ thành phố để lắng nghe ý kiến đóng góp và đề xuất với lãnh đạo Thành ủy về xây dựng và phát triển thành phố nói chung và văn học-nghệ thuật nói riêng…

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.