Kỷ niệm 30 năm ngày mất nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988-2018)

Ngọn lửa Lưu Quang Vũ

.

Nếu như mỗi thi sĩ đích thực là một độc đáo được sinh ra để thể hiện hết những ưu tư về định mệnh của mình, thì với Lưu Quang Vũ - khí chất lửa thi sĩ ấy chính là hiện thân của sự độc đáo đó. Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, quê Đà Nẵng, mất ngày 29-8-1988 tại Hải Dương.

Anh là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Kỷ niệm 30 năm ngày thi sĩ mất, bài viết này thay một nén tâm hương “Tưởng người nên lại thấy người về đây” (Nguyễn Bính).

Lưu Quang Vũ (1948-1988). Ảnh: Internet
Lưu Quang Vũ (1948-1988). Ảnh: Internet

Ngay từ thuở mới lên năm, lên sáu, thân phụ của anh - nhà thơ Lưu Quang Thuận, sớm phát hiện ra tâm hồn đa cảm, tài hoa nơi đứa con trai đầu lòng của mình, và ông “đã tin chắc rằng sau này lớn lên con trai của mình sẽ trở thành thi sĩ” (Lưu Quang Vũ - Thơ và đời. NXB Văn hóa, 1997).

Dự báo này đã được khẳng định khi thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và một số các tờ báo khác, và tiếp sau đó là tập thơ Hương cây - Bếp lửa (in chung với Bằng Việt - 1968).

Kể từ những bài thơ đầu tiên xuất hiện trên văn đàn, thơ Lưu Quang Vũ đã được nhà phê bình Hoài Thanh và nhà thơ Chế Lan Viên hết lòng ngợi khen, nhất là, sau khi tập thơ Hương cây - Bếp lửa. Từ đó “đi đâu cũng thấy nói đến thơ Lưu Quang Vũ. Người ta sẵn sàng làm mọi việc để tỏ lòng ưu ái với một tài năng trẻ” (Vương Trí Nhàn - Cánh bướm và đóa hướng dương, NXB Hải Phòng, 1999).

Vâng, nếu là Lưu Quang Vũ cứ mãi êm ái theo cái nhịp điệu mắt sáng với môi hồng “Võng nào êm bằng võng ru ngày ấy. Trang giấy nào thơm bằng giấy đến trường” (Tuổi thơ, 1963), cho đến Gửi tới các anh (1965), Lá bưởi lá chanh (1965), và trong trẻo, tin yêu, ngân vang, hoài vọng “Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh... Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về” (Vườn trong phố, 1967).

Vâng, nếu là thế, đẹp nhường ấy, thì những bài viết và lời ngợi khen của Hoài Thanh, hay của Chế Lan Viên liệu đã là đỉnh điểm của thơ Lưu Quang Vũ chăng?

Làm sao có thể mang cái vô biên, vô cùng để khuôn vào trong một suy tưởng nào đó, bởi đấy dường như bao giờ cũng là một thực tại luôn thách thức vượt qua mọi tri thức, mà những tố chất bẩm sinh đầy bí mật của một thi sĩ - kiểu như Lưu Quang Vũ, mới chính là hướng cho mọi tiếp cận.

Cho dù có lúc tưởng như ta nắm bắt, tưởng như ta đến gần rồi, hóa ra lại càng thấy xa thẳm mãi mãi. Và có lúc tưởng chừng như bị thi sĩ mê hoặc, ta cũng chất chứa bao niềm thất vọng, hướng con mắt khát khao về phía chân trời mong muốn đến cháy bỏng một ánh chớp hồi âm “Quen thất vọng tôi hồ nghi mọi chuyện. Tìm trong mắt em náo động những chân trời” (Lá thu, 1972).

Đọc thơ Lưu Quang Vũ, ta nhận thấy cái con người chon von chót vót niềm cô đơn đến tột cùng ấy: “Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/... Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận/ Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/ Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/ Nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp/ Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách...” (Mấy đoạn thơ, 1971).

Đọc thơ ấy, chúng ta lưu ý thời gian ra đời bài thơ vào giữa thời đất nước chiến tranh, thời mà dường như tất cả đều đặn sắp hàng chung một màu áo trận. Ai ngược lại với màu sắc ấy, cái khuôn thước ấy, là tự chuốc họa vào thân. Chỉ mỗi thi sĩ mới đủ gan góc và kiêu hãnh chất chứa niềm cô đơn ấy treo chon von lên ngọn thi sơn tự đắp cho mình.

Chính anh mới đích thực là nhà thơ đã tạo dựng, đã làm nên cái ốc đảo của riêng mình:“Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi. Chống lại bóng đen trì trệ của đời... Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả” (Nói với mình và các bạn, 1970).

Đành rằng không phải sự xáo động nội tại, sự dằn vặt, quẫy cựa và nỗi cô đơn ghê gớm nhất, tất cả những hệ lụy đó mới là thi liệu trong thế giới thơ Lưu Quang Vũ. Nhưng có thể nói, nguồn mạch đó bao lần cháy lên thành lửa trong thơ anh.

Một thứ lửa mang ý niệm đột biến của sự sống, của vĩnh hằng:“Sự sống là lửa. Thiêu hủy và sinh nở. Bình minh là lửa. Mở ngày mới và xé toang ngày cũ. Cho ta làm ngọn lửa” (Mấy đoạn thơ về lửa, 1971).

Ba mươi năm rồi, kể từ ngày thi sĩ Lưu Quang Vũ qua đời (29-8-1988), tưởng nhớ anh là tưởng nhớ đến cái ngọn lửa hiếm hoi ấy mà ngưỡng vọng, mà nghe từ sâu lắng:“Những chân xưa chờ lúc vắng trở về” (Giấc mộng đêm).

Cũng như những nhà thơ đồng thời với anh, những tháng năm đất nước chiến tranh triền miên, trái tim thi sĩ của Lưu Quang Vũ cũng bật lên những cảm xúc, những thanh âm chung:

“Tiếng đất nước cất lên cùng sóng vỗ. Nghe quen rồi mà cứ rưng rưng” (1968). Nhưng tài năng của một nghệ sĩ chân chính, nghệ sĩ bản lĩnh và gan góc, thường bao giờ cũng là kẻ tiên phong khởi xướng, dự báo và dấn thân.

Tương quan giữa cái tôi nghệ sĩ và thế giới, mẫu người như anh, càng được thể hiện rất rõ về sau trong nghệ thuật sân khấu, đã làm lấp lánh tuổi tên Lưu Quang Vũ - tác giả hàng đầu trên khắp các sân khấu trong Nam ngoài Bắc lúc bấy giờ.

Nhất là những năm tháng gần cuối cuộc đời, thời gian mà tài năng Lưu Quang Vũ phát lộ rực rỡ nhất. Những năm tháng ấy, dường như đến bất cứ nơi đâu cũng thường nghe người ta nói đến kịch Lưu Quang Vũ.

Các vở diễn: Ông không phải là bố tôi, Hồn Trương Ba da hàng thịt... đã được công diễn nhiều nơi, có sân khấu chỉ diễn mỗi vở kịch của anh trong suốt nhiều ngày đêm mà khán giả vẫn đến đầy ắp trong nhà hát.

Đúng vào cái thời điểm tên tuổi Lưu Quang Vũ đẹp lung linh trong tình yêu của hàng triệu trái tim khán giả, thì anh đột ngột bị tai nạn qua đời. Nhưng, nói như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn và tất cả những ai yêu mến anh:

Lưu Quang Vũ sống mãi tuổi bốn mươi! (Cánh bướm và đóa hướng dương). Một sự sống, một sức sống trường cửu và lấp lánh những huyền thoại, mà “thuốc trường sinh” là tất cả những giá trị lao động nghệ thuật anh đã vắt ra từ máu xương tim óc lưu lại cho đời.

Được sinh ra trong chiếc nôi nghệ thuật, bố là một nhà thơ và là nhà viết kịch, chú ruột cũng là nhà thơ (Lưu Trùng Dương), từ tuổi hoa niên sách vở đến trường, Lưu Quang Vũ đã là học sinh giỏi văn và đã đoạt các giải thưởng văn và họa của thành phố Hà Nội.

Máu huyết thi sĩ tuần hoàn trong một cơ thể mà từ thuở còn nằm nôi đã được ru bằng thơ, cho đến thời lớn lên được hít thở trong một bầu không khí tràn trề chất men nghệ thuật, một con người như thế số phận đã gọi tên từ buổi sơ sinh rồi! Đấy là chưa nói đến những tình yêu, những hạnh phúc và dang dở, những bi kịch và bất trắc, những đắm say và thất vọng đến vỡ tan...

Tất cả mọi gập ghềnh và truân chuyên ấy đã vẽ nên một biểu đồ thời gian trong toàn bộ cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Rõ nét nhất và sâu thẳm nhất là thơ, mà đúc kết, nói như nhà thơ Vũ Quần Phương: “Tôi thấy thơ mới là nơi anh ký thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh sẽ thắng được thời gian...” (Lưu Quang Vũ. Thơ và đời).

Mấy chục năm rồi, kể từ ngày Lưu Quang Vũ đi xa (cùng với vợ anh, thi sĩ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ), tất cả lặng lẽ đi về cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương của mọi người.

Như đôi chân thịt xương đi trên mặt đất gập ghềnh này, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã không bước qua khỏi ngưỡng cửa của định mệnh, anh chị lại tiếp tục đi bên nhau, vĩnh viễn bên nhau một tình yêu bất tử như bài thơ Lưu Quang Vũ đã viết, sẽ khó mà giải thích đấy là huyền nhiệm hay là một linh cảm:

“Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay... Đã đi qua cùng tận của con đường. Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên. Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt”.

Cho dù sau hơn cả một thập kỷ hòa bình, đường bắc nam “giang hồ vặt” cũng nhiều lần, nhưng tôi chưa một lần có duyên hội ngộ cùng thi sĩ. Chuyện đời và thơ anh với tôi tất cả là huyền thoại. Nhớ có lần đã lâu, gặp gia đình Lưu Minh Vũ - con trai của Lưu Quang Vũ, ghé vào quán nước nhà tôi.

Hôm ấy Lưu Minh Vũ đi cùng với vợ con về Đà Nẵng thăm quê nội, hình như là nhân vào mùa tảo mộ. Cũng là lần đầu thôi, đáng lẽ ra tôi chỉ trò chuyện vui về cái công việc “Ai chọn giá đúng”, một chương trình giải trí hằng tuần của VTV3 mà suốt một thời gian dài hồi ấy Lưu Minh Vũ làm người dẫn chương trình.

Vậy rồi, như kẻ thơ mơ “lên đồng”, hay là niềm cảm xúc đẫn dắt tôi lại nói về thơ Lưu Quang Vũ. Cũng chả rõ đấy là lòng ngưỡng vọng, hay là cảm xúc lên tiếng thôi thúc tôi nói một cách say sưa, mãi đến khi vợ chồng Lưu Minh Vũ chào tạm biệt, tôi còn mải mê cái men say “Đất nước đàn bầu” của thi sĩ… - Một thứ nghệ thuật thơ khắc họa độc đáo những hình tượng, điệp trùng thanh âm và chập chùng ngữ nghĩa, đọc lên nghe ngân vang, nghe dập dồn thấm đẫm niềm xao xuyến: “Đi tìm lại thời gian đã mất.

Thuở biển cả điên cuồng gầm thét. Những con chim lạc mỏ dài. Bay qua vầng trăng lớn. Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực. Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng... Những tiếng hú dài ào ạt mưa rơi...”.

Nếu hiểu theo quan niệm “Nghệ thuật chỉ là những câu thơ, chính tâm hồn kia mới là thi sĩ” thì mẫu thi sĩ như Lưu Quang Vũ - đấy là một tương quan máu thịt. Nghĩa là, cuộc đời và tâm hồn Lưu Quang Vũ thế nào thì thơ anh thế ấy “Lòng như vầng trăng nhọn, chém giữa trời khôn nguôi”.

Đẹp đẽ, cháy sáng lên một tâm hồn tận hiến cho nghệ thuật, và anh đã bước lên đỉnh cao chon von ấy, gởi vào trời xanh vô tận những vang hưởng tiếng nói của một trái tim đắm say đến cuối cuộc đời!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.
.