"Thắp lửa" cho tuồng không chuyên

.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng, nhưng vì nhiều lý do, bà Hoàng Thị Kim Hà (55 tuổi, phường Nam Dương, quận Hải Châu) không theo đến cùng con đường nghệ thuật. Dẫu vậy, tình yêu với tuồng vẫn luôn cháy bỏng và mỗi khi có cơ hội đứng trên sân khấu, bà lại sống hết mình với từng vai diễn.

Vai Trần Quốc Toản của bà Kim Hà trong trích đoạn tuồng “Trần Quốc Toản về mẹ” đã nhận được huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc. (Ảnh do Trung tâm Văn hóa thành phố cung cấp)
Vai Trần Quốc Toản của bà Kim Hà trong trích đoạn tuồng “Trần Quốc Toản về mẹ” đã nhận được huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc. (Ảnh do Trung tâm Văn hóa thành phố cung cấp)

Gia đình bà Hà có 3 đời làm nghệ thuật, thời ông bà ngoại đã có một gánh hát riêng tên là “Loan Anh”, ba và ông ngoại đều là kép chính trong đoàn hát. Từ nhỏ, Kim Hà đã được gia đình cho theo đoàn xem và học hát. Khi đoàn dựng những vở cho “đồng ấu” (trẻ con), bà luôn là người hát chính. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, bà bồi hồi kể: “Ngày trước, mỗi khi được giao vai thì vui lắm, tập luyện rất hăng say”.

Sau này, Kim Hà theo học khóa đầu tiên của Trường Văn hóa - Nghệ thuật (trước đây là Trường Nghiệp vụ Văn hóa-Thông tin). Năm 17 tuổi, Kim Hà  ra trường và theo Đoàn nghệ thuật Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng, bắt đầu sự nghiệp hát tuồng. Được chừng 7 năm, vì nhiều lý do, bà Kim Hà bỏ nghề về đi học may và gắn với nghề may trang phục biểu diễn mấy chục năm nay. Khi cuộc sống đã dần ổn định, bà nhớ nghề, nhớ sân khấu và thường xuyên được mời tham gia các hoạt động văn nghệ, ca hát của địa phương.

Tháng 7 vừa qua, bà Kim Hà được giới thiệu tham gia Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 tại Bình Định. Vai Trần Quốc Toản của bà trong trích đoạn tuồng “Trần Quốc Toản về mẹ” nhận được huy chương vàng tại hội diễn này. Bà Hà tâm sự, khi được đề nghị diễn vở này, bà rất lo lắng, bởi là nữ vào vai nam vốn đã khó, người ở độ tuổi 55 như bà lại vào vai Trần Quốc Toản chưa đến tuổi đôi mươi càng khó hơn. Bà Hà luôn suy nghĩ phải làm thế nào để có thể trở thành một Trần Quốc Toản đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, nhanh nhẹn và quyết đoán như trong tác phẩm. Rồi bà tìm đến những người đi trước, giàu kinh nghiệm hơn để nghe lời khuyên và học hỏi diễn xuất.

Yêu và đam mê tuồng là thế, nên bà Hà luôn đợi chờ một câu lạc bộ tuồng không chuyên trên địa bàn thành phố ra đời để có nơi sinh hoạt. “Vẫn còn nhiều người yêu nghệ thuật truyền thống lắm. Như mẹ tôi chẳng hạn, tuy đã ngoài 70 nhưng vì thích cải lương và tuồng nên bà và một vài người khác vẫn rủ nhau đi hát trong các đám hoặc có khi hát chỉ để thỏa niềm yêu thích. Tôi chỉ buồn khi một loại nghệ thuật rất hay như tuồng vẫn chưa được đầu tư đúng mức và quảng bá rộng rãi đến mọi người. Càng buồn hơn khi nhiều người gắn bó với nghệ thuật truyền thống vẫn chưa được vinh danh một cách xứng đáng như trường hợp người thầy đáng kính của tôi và của bao thế hệ - thầy Hồ Hữu Có”, bà Kim Hà bày tỏ.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố: Đà Nẵng chưa có câu lạc bộ tuồng

Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 diễn ra tại Bình Định vào tháng 7-2018 đã là hội diễn lần thứ 2 nhưng Đà Nẵng vẫn chưa có câu lạc bộ tuồng. Tưởng chừng như bỏ cuộc thì may mắn có bà Kim Hà tham gia trích đoạn tuồng “Trần Quốc Toản về mẹ” với sự phối hợp của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Để có câu lạc bộ tuồng, tôi nghĩ ngoài sở thích của các thành viên, rất cần sự hỗ trợ nhiều mặt, bởi đây là loại hình nghệ thuật đặc thù.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Nên tổ chức nhiều hội thi về nghệ thuật tuồng

Đà Nẵng nên tổ chức các hội thi về nghệ thuật tuồng cũng như các hội thi, hội diễn văn nghệ từ cấp quận đến cấp thành phố. Về mặt chuyên môn, nhà hát sẵn sàng hỗ trợ. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ mới mong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.