Sức lan tỏa của clip "Hành tinh không bạo lực"

.

Một video tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực bằng ngôn ngữ ký hiệu dài chừng 5 phút của nhóm thanh niên điếc trên địa bàn Đà Nẵng đã gây ấn tượng với cộng đồng. 3 năm qua, video clip này đã giúp CLB Người điếc Đà Nẵng truyền đi thông điệp “Hành tinh không bạo lực”.

Các bạn trong Câu lạc bộ Người điếc Đà Nẵng tham gia chiến dịch tuyên truyền phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Các bạn trong Câu lạc bộ Người điếc Đà Nẵng tham gia chiến dịch tuyên truyền phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Trên nền bài hát “Nào anh em” (Men Move), các bạn thuộc CLB Người điếc Đà Nẵng đã diễn tả lại bằng ngôn ngữ ký hiệu với mong muốn những hành động bạo lực đối với phụ nữ sẽ không còn. Các “diễn viên” đặc biệt này còn vào vai những người đàn ông sẵn sàng chia sẻ chuyện giặt giũ, bếp núc và kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực với phụ nữ.

Nhóm tác giả cũng đưa vào clip nhiều hình ảnh cảnh sắc thiên nhiên Đà Nẵng và các tình huống có thực về việc trêu ghẹo phụ nữ yếu thế. Kết thúc video là hình ảnh dòng chữ “Không bạo lực” được các bạn khắc trên lòng bàn tay truyền đi thông điệp “Hãy chung tay xây dựng một hành tinh không bạo lực”.

Trương Thị Ngân, Chủ nhiệm CLB Người điếc Đà Nẵng bày tỏ: “Trước đây, các bạn chỉ nghĩ bạo lực là đánh đập bên ngoài cơ thể. Nay các bạn đã nhận thức đầy đủ về vấn đề này nên biết cách tự bảo vệ mình tốt hơn. Từ đó, các bạn kêu gọi cộng đồng chung tay dừng bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái khiếm khuyết”.

Người lên ý tưởng video này là Hồ Trần Thanh Huyền (nguyên chuyên viên Thành Đoàn Đà Nẵng). Huyền chia sẻ, tháng 8-2015, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) phối hợp với Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Vietnam Volunteer Center- VVC) thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho thanh niên nhằm gắn kết và thúc đẩy các hoạt động thanh niên đi liền với công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Mục tiêu sau tập huấn là học viên sẽ dùng mạng xã hội để tuyên truyền về vấn đề trên. Theo tìm hiểu của Huyền, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ có ít nhất 1 người đã trải qua bạo lực giới; đặc biệt, nguy cơ bị bạo hành của phụ nữ khuyết tật cao hơn nhiều.

Do đó, Huyền cùng nhóm bạn thực hiện tuyên truyền hướng về đối tượng yếu thế này, chú trọng vào nhóm người điếc. Huyền đã liên lạc với CLB Người điếc Đà Nẵng để khảo sát về nhận thức của thanh niên điếc với vấn đề bình đẳng giới và bạo lực.

Câu trả lời nhận được là các bạn chỉ nghĩ bạo lực đồng nghĩa với bị la mắng, đánh đập và không có nhiều khái niệm hay kiến thức về bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ. Họ cũng chưa bao giờ được tập huấn về vấn đề này.

Từ đó, nhóm quyết định tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho 40 thanh niên điếc thuộc CLB và 30 thanh niên là sinh viên ngành công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Cùng với đó, nhóm tạo một video clip tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Theo Huyền, khi thực hiện video, khó khăn nhất là bạn không không sử dụng được ngôn ngữ ký hiệu, chỉ biết một vài ký hiệu cơ bản. May mắn Huyền tìm được bài hát “Nào anh em” được chuyển thể từ “Men Move” - ca khúc chính thức của chiến dịch UNiTE - Chiến dịch toàn cầu về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ của Liên Hợp Quốc.

Sau đó, Huyền mất 2 ngày trao đổi với các trưởng nhóm CLB Người điếc để dịch bài hát từ lời Việt sang ngôn ngữ ký hiệu và mất hơn 10 ngày nữa để nhóm thực hiện video có thời lượng chỉ 5 phút. Tuy nhiên, các bạn đều cảm thấy vui vì đã góp tiếng nói chung cho phong trào phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn nữa, video được tuyên truyền và lan đến cộng đồng người điếc không chỉ ở Đà Nẵng mà đến các tỉnh, thành khác; qua đó, tác động đến nhận thức của cộng đồng người điếc và toàn xã hội. Từ video này, các bạn trong CLB Người điếc Đà Nẵng cũng tham gia nhiều hơn các hoạt động của UN Women và Hội Phụ nữ thành phố Đà Nẵng (trong 3 năm vừa qua) để tiếp tục lan tỏa thông điệp bình đẳng giới, yêu thương và bảo vệ phụ nữ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.