KHÔI PHỤC ĐOÀN MÚA NON NƯỚC

Hướng đi cho nghệ thuật múa chuyên nghiệp

.

Hội Nghệ sĩ múa thành phố vừa quyết định thành lập Đoàn Nghệ thuật múa Non Nước, hoạt động theo hình thức xã hội hóa (XHH).

Nghệ sĩ, diễn viên múa tại Đà Nẵng khá đông đảo nhưng phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp vẫn là bài toán khó. TRONG ẢNH: Tác phẩm múa hài “Vợ sếp” của Vũ đoàn Nhật Huy tham gia Múa hài Việt Nam lần thứ nhất.
Nghệ sĩ, diễn viên múa tại Đà Nẵng khá đông đảo nhưng phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp vẫn là bài toán khó. TRONG ẢNH: Tác phẩm múa hài “Vợ sếp” của Vũ đoàn Nhật Huy tham gia Múa hài Việt Nam lần thứ nhất.

Theo NSND Lê Huân, từ đầu những năm 2000, Hội Nghệ sĩ múa thành phố từng đề xuất xây dựng, hình thành Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước. Đến năm 2008, đoàn hoạt động theo mô hình XHH với 32 thành viên gồm: dàn nhạc dân tộc làm nòng cốt, đội múa dân gian 3 miền, dân gian Chăm, dân gian các dân tộc, đội nhạc cụ dân tộc, đội hát dân ca...

Khi ấy, NSƯT Lê Huân, Trưởng đoàn Văn công Quân khu 5, làm trưởng đoàn. Đoàn thực hiện XHH bằng cách kêu gọi sự tài trợ của chính quyền và các mạnh thường quân; đồng thời kết hợp với hai ngành văn hóa và du lịch tiếp cận các dịch vụ kinh doanh. Đoàn vẫn thực hiện chính sách trả lương cho diễn viên, dàn nhạc. Giai đoạn 2008-2010, khủng hoảng kinh tế kéo theo nhiều hệ lụy, hoạt động của đoàn gặp khó khăn và không thể duy trì.

6 năm trôi qua, nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật múa chuyên nghiệp và từng là thành viên của Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước vẫn nung nấu ý định khôi phục đoàn, trong đó có biên đạo múa Lê Thị Hậu. Để thực hiện quyết tâm này, biên đạo múa Lê Thị Hậu đã từ bỏ vai trò giảng viên tại một trường cao đẳng nghệ thuật. Nói về lựa chọn này, chị chia sẻ, hơn 10 năm giảng dạy chuyên ngành múa, chị cảm thấy chua xót vì những lứa học trò được đào tạo bài bản nhưng khi ra trường lại không có “đất” dụng võ.

Hiện Đà Nẵng có những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có đội múa như Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đoàn Văn công Quân khu 5 nhưng chỉ tiêu tuyển dụng rất ít ỏi. Vì thế, nhiều sinh viên múa ra trường hoặc sẽ rời địa phương để tìm cơ hội, hoặc đầu quân vào các vũ đoàn, nhóm nhảy biểu diễn quần chúng, sự kiện.

Những gì các em học được hầu như không thể phát huy và bị đánh đồng với các diễn viên trải qua những khóa học ngắn hạn, đơn giản. “Tôi trăn trở khá nhiều và mạnh dạn đề xuất với Ban Chấp hành cũng như các anh chị trong Hội Nghệ sĩ múa thành phố. May mắn, có khá nhiều nghệ sĩ đồng lòng, chung sức để Đoàn Nghệ thuật múa Non Nước ra đời”, chị Hậu chia sẻ.

Để không giẫm lên “vết xe đổ” của ngày trước, định hướng phát triển Đoàn Nghệ thuật múa Non Nước được các nghệ sĩ bàn bạc kỹ càng. Theo đó, đoàn hoạt động theo phương thức tự thu, tự chi và không thực hiện biên chế trả lương mà trả thù lao theo thỏa thuận.

Đoàn sẽ dàn dựng các tiết mục từ nhỏ lẻ đến các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao; tổ chức biểu diễn năng động từ sự kiện, sân khấu quần chúng đến sân khấu chuyên nghiệp; tìm kiếm sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, doanh nghiệp, đổi lại sẽ làm công tác quảng bá cho các đơn vị đó…

Đoàn dựa vào đội ngũ hơn 80 hội viên thuộc Hội Nghệ sĩ múa có nhiều kinh nghiệm, đội ngũ diễn viên của các vũ đoàn, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, đặc biệt Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật thành phố.

Biên đạo múa Lê Thị Hậu cho biết thêm: “Để tồn tại trong cơ chế thị trường, anh chị em nghệ sĩ của đoàn chấp nhận biểu diễn sự kiện và ban đầu có thể đó là nguồn nuôi hoạt động chuyên nghiệp. Không chỉ tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật múa Non Nước sẽ là nơi bồi dưỡng, đào tạo, phát triển kỹ thuật, kỹ năng nghệ thuật múa, đón nhận các tác phẩm sáng tạo của các biên đạo múa, mở rộng giao lưu với các đơn vị nghệ thuật múa trong và ngoài nước”.

Với vai trò cố vấn của Đoàn Nghệ thuật múa Non Nước, NSND Lê Huân sẽ giám sát hoạt động của đoàn; đồng thời vận động hội viên phát huy tinh thần sáng tạo, sáng tác các tác phẩm múa chuyên nghiệp phục vụ hoạt động của đoàn, đặc biệt về đề tài lịch sử, văn hóa địa phương. Bản thân ông cũng vừa sáng tác tác phẩm “Người mẹ thành Điện Hải” nhằm chuyển tải giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Đà Nẵng qua nghệ thuật múa.

“Nghệ sĩ múa Đà Nẵng dù còn nhiều vất vả, gian nan nhưng chúng tôi sẽ vượt qua và đổi mới phương thức hoạt động theo hướng linh hoạt, hòa nhịp phát triển của thành phố với thiên chức của người nghệ sĩ, góp phần xây dựng đời sống văn học, nghệ thuật Đà Nẵng ngày càng phát triển”, NSND Lê Huân nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.