Văn hóa - Giải trí

Thầm lặng sau mỗi vở diễn

15:46, 24/11/2018 (GMT+7)

Thành công của mỗi vở tuồng luôn có sự đóng góp quan trọng của âm nhạc, của những người nhạc công. Dù ít ai biết đến họ nhưng nhiều nhạc công vẫn lặng lẽ cống hiến bởi niềm đam mê với môn nghệ thuật này.

Hòa tấu nhạc dân tộc “Chèo đưa Ông về” do dàn nhạc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.
Hòa tấu nhạc dân tộc “Chèo đưa Ông về” do dàn nhạc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.

Dàn nhạc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hiện có 11 nhạc công, chơi các loại nhạc cụ chủ chốt gồm trống, kèn, nhị (đàn cò); nhạc cụ màu (là những nhạc cụ phụ, điểm tô thêm làm đa dạng âm sắc, âm vực của nhạc tuồng) như: bộ hơi (sáo, tiêu), bộ gảy (thập lục, tam đại, tứ đại, đàn bầu, đàn nguyệt...), bộ gõ (thanh la, mõ, song loan, trống cơm...). 

Trong đó, một số nhạc công chơi được cùng lúc nhiều nhạc cụ. Nhiều nghệ nhân đã dành cả tuổi thanh xuân cho môn nghệ thuật truyền thống này.

Nhạc công Huỳnh Công Tấn (sinh năm 1966), trải qua 34 năm công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, từ khi 18 tuổi, do yêu thích nhạc cụ dân tộc, anh đã tìm đến nhà hát xin các thầy theo học đàn nhị. Bốn năm sau, anh tiếp tục đi học thổi sáo và trở về công tác tại nhà hát đến bây giờ.

Không chỉ bằng tình yêu nghề, nhiều nhạc công tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đến với tuồng theo truyền thống của gia đình.

Như trường hợp anh Lê Quang Phú (sinh năm 1983), con trai cố nghệ sĩ Lê Quang Ngạch (nguyên Trưởng đoàn Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng). Vốn tiếp xúc tuồng từ nhỏ nên từng âm điệu cứ thấm dần trong anh. Được các cô chú trong nhà hát tuồng chỉ dẫn, từ một diễn viên, anh chuyển sang học nhạc công.

Hiện nay, anh đảm nhận vai trò “phó sư” trong dàn nhạc, nghĩa là người đánh trống chiến, một loại nhạc cụ đóng vai trò là “đạo diễn” tiết tấu. Sự sáng tạo của nhạc công kết hợp với âm sắc phong phú của các loại trống đã tạo nên không khí bi hùng của một đêm diễn.

Tương tự, nhạc công Trần Quốc Công đến từ vùng đất Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), cái nôi của Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam (nay là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh). Cha và chú của anh Công đều có khả năng thiên phú về nghệ thuật, đặc biệt là dân ca.

Thừa hưởng chất nghệ thuật đó, trong anh luôn bùng cháy niềm đam mê đối với sân khấu. Năm 1994, khi mới 13 tuổi, anh tham gia và trúng tuyển khóa diễn viên cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Sau này, các thầy nhận thấy anh có khả năng về âm nhạc nên truyền nghề thổi kèn cho anh.

Anh Công cho rằng, loại hình nhạc cụ truyền thống đặc trưng chỉ trong tuồng mới có là đánh trống, thổi kèn và kéo nhị. Kèn được dùng để lấy bậc cho người hát, dùng giai điệu để đặc tả tính cách của nhân vật; giới thiệu không gian và diễn tả tâm trạng nhân vật.

Anh cũng là một trong số ít người không nhận đi thổi kèn cho những nơi khác để kiếm thêm thu nhập, mặc dù cuộc sống của anh không phải đã dư dả; bởi lẽ, tất cả tình cảm, sự tận tâm anh đã dành trọn cho công việc.

Theo nhạc công Trần Quốc Công, âm nhạc trong tuồng đóng vai trò rất quan trọng, xuất hiện từ lúc mở màn cho đến khi kết thúc một đêm diễn. Âm nhạc trong tuồng có sử dụng nhiều đoạn nhạc dùng để chuyển từ lớp này sang lớp khác, để thay đổi không gian sân khấu, dẫn dắt và giới thiệu nhân vật, làm cầu nối giữa các lớp khiến người xem không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, để phụ họa cho các động tác võ đạo (múa không lời, đánh kiếm, đấu võ...); nhạc tuồng có những bản nhạc (nhạc chiến đấu) nhằm tạo không khí cho vở diễn và những bản nhạc biểu hiện tình cảm của nhân vật (tâm trạng bên trong và những đột biến của kịch tính); tạo tiếng động trên sân khấu...

Để trở thành nhạc công có tay nghề trong dàn nhạc tuồng phải có sự khổ luyện, khả năng cảm thụ nghệ thuật tuồng. Độ cảm thụ ấy có khi mất vài năm, có khi cả chục năm. Âm nhạc là một trong những yếu tố quyết định thành công của một vở diễn nhưng khi cánh màn nhung khép lại, những người ngồi sau dàn nhạc lặng lẽ gói ghém nhạc cụ ra về và ít ai chú ý đến họ. Những tràng pháo tay, lời tán thưởng chỉ dành cho nghệ sĩ trên sân khấu.

Dẫu ít ai biết đến, dẫu chế độ ưu đãi, xét duyệt các danh hiệu nghệ sĩ, xét duyệt huy chương tại các hội diễn... cho những nhạc công chưa nhiều nhưng những người như anh Tấn, anh Công vẫn luôn bám trụ với nghề, chỉ để thỏa niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.