Danh thắng Ngũ Hành Sơn - Di tích cấp quốc gia đặc biệt: Khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử

.

Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Điều này càng khẳng định sự đánh giá cao của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, khảo cổ... và đặt ra yêu cầu cho các ngành chức năng trong bảo tồn, phát huy di tích này.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn với vẻ đẹp kỳ bí thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày. 								      Ảnh: NGỌC HÀ
Danh thắng Ngũ Hành Sơn với vẻ đẹp kỳ bí thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày. Ảnh: NGỌC HÀ

Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được trải dài trên diện tích rộng lớn khoảng gần 2km2, gồm 6 ngọn núi đá vôi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Các ngọn núi tuy có khác nhau về kích thước, nhưng nhìn từ xa hình dáng khá giống nhau; đặc biệt, mỗi ngọn núi lại có một màu đá riêng biệt.

Đá Thủy Sơn màu hồng, đá ở Mộc Sơn màu trắng, đá ở Hỏa Sơn màu đỏ, đá ở Kim Sơn màu thủy mặc và đá ở Thổ Sơn màu nâu. Tại đây có nhiều hang động đẹp như: động Huyền Không, động Huyền Vi, động Vân Thông, động Tàng Chơn, động Quan Âm; những ngôi chùa cổ kính như chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng...

Ngoài vẻ đẹp hiếm có, danh thắng Ngũ Hành Sơn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quý giá. Hồ sơ của Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, cũng khẳng định những văn bia, hiện vật văn hóa Phật giáo... đang còn lưu giữ tại danh thắng cho thấy Ngũ Hành Sơn là mảnh đất có lịch sử lâu đời, vốn là một trung tâm cư trú, giao thương và trung tâm tín ngưỡng của người Chăm - cư dân bản địa trong lịch sử. Sau khi thuộc về Đại Việt, nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng.

Ngay từ thế kỷ XVII, Phật giáo ở đây có sự ảnh hưởng rộng khắp và mang tính quốc tế. Cụ thể, văn bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật (Phật trong hang thiêng núi Phổ Đà) ở động Hoa Nghiêm được khắc trực tiếp trên vách đá vào năm Canh Thìn (1640), do Thiền sư Huệ Đạo Minh (tên thật là Phạm Văn Nhân, người phủ Tĩnh Gia, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trụ trì chùa Phổ Đà biên soạn.

Văn bia chứa nhiều tài liệu, sử liệu quý về danh xưng Ngũ Hành Sơn, danh xưng các làng xã đất Quảng, về ngôn ngữ, văn tự, quan hệ Việt - Hoa, quan hệ Việt - Nhật, sử liệu Phật giáo... Văn bia chùa Thái Bình (chùa gần ngọn Thủy Sơn và Thổ Sơn) tạo dựng ngày 11 tháng 7 năm Tân Sửu (Vĩnh Thịnh thứ 17 - tức năm 1721) ghi rằng, trước đây có vị đại sư Lưu Chân Dĩnh, người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) thuộc dòng Lâm Tế chính tông thứ chín đến đây dựng chùa hành đạo, kéo dài 24 năm.

Trong quá trình đó, sư không ngừng chăm lo phát triển bổn tự, hiển dương Phật pháp, mua nhiều kinh luật, pháp khí, ruộng đất cho chùa, đặc biệt là “giáo hóa được 3.000 giới tử”.

Về giá trị văn hóa, hệ thống di tích dày đặc trong Ngũ Hành Sơn, bao gồm hàng chục ngôi chùa, am, tháp, miếu thờ, hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm, chứa đựng tín ngưỡng của người Việt, người Hoa và cả người Chăm bản địa như: Phật giáo, Đạo giáo, đạo Mẫu, Bà La Môn giáo.

Tại các chùa ở Ngũ Hành Sơn, ngoài thờ Phật là chính, còn thờ các vị thần trong Đạo Giáo như Ngọc Hoàng, Quan Thánh, Bát Tiên, Tam Đa, ông Tơ bà Nguyệt... và các vị nữ thần có nguồn gốc Champa như bà Ngọc Phi, bà Lôi Phi, Linh Sơn Thánh Mẫu (nữ thần Po Inư Nagar); phản ánh nguyên vẹn chân dung của diễn trình giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa Việt trên dải đất miền Trung đầy nắng và gió, cũng như thái độ ứng xử hòa hiếu, mang đậm chất nhân văn của tổ tiên chúng ta trong quá trình Nam tiến.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn mang vẻ đẹp riêng, hài hòa của một vùng sinh thái tự nhiên đan xen đời sống văn hóa tâm linh.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn mang vẻ đẹp riêng, hài hòa của một vùng sinh thái tự nhiên đan xen đời sống văn hóa tâm linh.

Về giá trị khảo cổ, Ngũ Hành Sơn là nơi lưu dấu của nền văn hóa cổ Champa, một thời đã phát triển rực rỡ ở miền Trung trong nhiều thế kỷ mà dấu vết di tích và di vật hiện vẫn còn để lại đến ngày nay.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, trên những trang sách viết về Ngũ Hành Sơn của người Pháp, có cho biết sơ lược về một vài dấu tích đền tháp và di vật điêu khắc Chăm như cuốn “Ngũ Hành Sơn” (Les Montagnes de Marbre) của Albert Sallet, hay trên bản đồ khảo cổ học Chăm in năm 1908 của Henri Parmentier có ghi tên Tháp Ngũ Hành Sơn.

Hai đợt khai quật khảo cổ Di chỉ khảo cổ Nam Thổ Sơn (dưới chân núi Thổ Sơn) vào năm 2000 và 2018 cũng đã tìm thấy nhiều hiện vật vô cùng phong phú về loại hình và chất liệu, nhất là sự có mặt của các di vật có nguồn gốc từ nước ngoài, chứng minh nơi đây là khu vực cư trú, giao thương của người Champa trong giai đoạn thế kỷ VII-XI.

Hiện nay, Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa Champa có giá trị như: đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở trước sân chùa Linh Ứng, đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở hang Chiêm Thành thuộc động Tàng Chơn, đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở động Huyền Không, hai trụ cửa đá sa thạch ở trên đường lên chùa Tam Thai (đây có thể là những trụ cửa của một ngôi tháp Chăm đã bị đổ và được chuyển về vị trí hiện nay), bệ đá hình vuông mang phong cách Mỹ Sơn A1 ở sân chùa Linh Ứng, tượng linga-yoni ở động Tàng Chơn, các tượng hộ pháp ở động Tàng Chơn, tượng nữ thần Po Inư Nagar ở động Huyền Không, gạch Chăm lát nền động Huyền Không...

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, trong quá trình thực hiện hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, qua tìm hiểu các tư liệu cũng như lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đều khẳng định di tích cấp quốc gia Ngũ Hành Sơn hội tụ các giá trị về cảnh quan với vẻ đẹp hiếm có, giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ và cả giá trị kinh tế; bảo đảm các tiêu chí về xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt và xứng đáng trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy di tích

Năm 1980, danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận di tích danh thắng cấp quốc gia. Tuy nhiên sau đó, danh thắng này bị xâm hại nghiêm trọng. Ngoài những tác động của thiên nhiên xâm thực, di tích này phải đối mặt với sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Trước thực trạng này, lúc bấy giờ, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có nhiều biện pháp khắc phục quyết liệt. Cụ thể, năm 1991, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có chủ trương cấm khai thác đá núi Non Nước.

Năm 1992, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra Quyết định số 563/QĐ-UB ngày 17-2-1992 về việc thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn. Đến năm 1999, UBND thành phố Đà Nẵng ra Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 23-2-1999 về việc cho phép thành lập Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và năm 2018 đổi tên thành Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Từ đó đến nay, cơ quan quản lý trực tiếp danh thắng Ngũ Hành Sơn này đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, thời gian qua, Ban quản lý di tích phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện việc kiểm kê các di vật, cổ vật tại di tích; sao chụp, dập và biên dịch các tư liệu Hán Nôm; thực hiện bảng vẽ kỹ thuật các công trình kiến trúc cổ; đồng thời, tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện hữu, các công trình văn hóa - du lịch, các công trình phụ trợ; chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại di tích...

“Đến nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã có nhiều thay đổi tích cực như: động Huyền Vi được nâng cấp; bến Ngự - nơi vua Minh Mạng cập thuyền ngày trước ở chân ngọn Kim Sơn được phục chế; các bia ma nhai được quan tâm gìn giữ; vườn Lộc Uyển trên chùa Linh Ứng được cải tạo; đường lên đỉnh Thượng Thai được khai thông…

Bây giờ danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt thì chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn theo đúng Luật Di sản và tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả di tích.

Cụ thể, chúng tôi tham mưu xây dựng bảo tàng trưng bày các hiện vật liên quan đến di tích, bao gồm các sản phẩm làng nghề qua các thế hệ để giới thiệu đến khách tham quan; kiến nghị nhanh chóng thực hiện giải tỏa, đền bù các hộ dân còn lại trên đường Huyền Trân Công Chúa để cải tạo không gian ngọn Thủy Sơn; tiến hành giai đoạn 2 của động Huyền Vi, Tam Thanh và Quán Thế Âm (ngọn Hỏa Sơn, Kim Sơn) để mở rộng, phát triển về phía tây của danh thắng”, ông Hiền nói.

Ngày nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng, là điểm tham quan nổi tiếng đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Từ đầu năm đến nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón gần 1,9 triệu lượt khách, trong đó khách nước ngoài gần 1,27 triệu lượt, thu ngân sách 81 tỷ đồng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
.