Nói dối trong truyện cổ dân gian Việt Nam

.

LTS: Nhân Đại hội Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra trong hai ngày 22 và 23-12, Báo Đà Nẵng giới thiệu với bạn đọc bài viết về truyện cổ dân gian của tác giả Bùi Văn Tiếng, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Có lẽ nhân vật cổ tích nói dối có “số má” nhất trong thế giới nghệ thuật truyện cổ dân gian Việt Nam là chú Cuội. Sở dĩ như vậy là bởi có không ít nhân vật cổ tích nói dối nhưng chưa thấy nhân vật nào nói dối về một quyển sách dạy nói dối, chứng tỏ Cuội nói dối rất “đẳng cấp”.

Có điều suy cho cùng thì những lời nói dối của Cuội cũng vô hại, thậm chí nếu không nói dối chắc gì Cuội đã được người mù giúp đỡ để thoát khỏi cái sọt bên bờ sông, đồng nghĩa với việc thoát khỏi cái chết dưới đáy sông: “Giữa lúc Cuội ngồi trong sọt chờ đợi, thì một người mù đang dò dẫm dọc bờ sông.

Thằng bé liền gọi to: - Ông mù ơi! Ông mù! Nếu ông muốn lại được sáng mắt ra, thì hãy đến đây! Nghe thấy thế, người mù liền dò đường đến chỗ cái sọt. - Nhanh lên nào, nhanh lên! - Cuội nói - Ông hãy tháo cái nắp sọt này ra, rồi tôi sẽ bảo cho ông biết cách chữa bệnh mù. Người mù dò dẫm quanh cái sọt và rốt cuộc cũng tìm cách mở được cái nắp ra. Nắp sọt vừa bật mở, Cuội nhảy vọt ra ngoài chuồn thẳng”(1).

Nói dối và nhất là nói dối để lừa một người mù là điều thất nhân tâm nhưng buộc phải làm vậy trong cảnh ngộ thập tử nhất sinh như trường hợp của Cuội dễ được người đời thể tất, cho nên một mặt người đời thường bảo nhau là phải luôn cảnh giác với loại người “nói dối như Cuội”, mặt khác vẫn thường nghĩ đến hình ảnh “chú Cuội ngồi gốc cây đa” trong những đêm trăng sáng.

Lý Thông cũng là một nhân vật cổ tích nói dối có “số má”, nhưng khác với Cuội, phần lớn những lời nói dối của Lý Thông đều xuất phát từ cách nghĩ lợi mình hại người, tranh công/ cướp công. Muốn cướp công Thạch Sanh vừa giết được con trăn tinh, Lý Thông đã nói dối rằng:

“Thôi chết rồi! Đây là con trăn của vua nuôi. Nay chú giết nó tất phải chịu tội chết. Thôi chú mau liệu đường trốn đi. Mọi việc để anh và mẹ lo liệu”.

Đương nhiên cách mà Lý Thông lo liệu là nói dối một lần nữa và với một người nữa: “Lý Thông đem đầu trăn tinh vào cung, tâu với vua là tự tay mình trừ yêu quái”. Hai lần nói dối lừa người, Lý Thông được vua phong chức đô đốc-là phần thưởng lẽ ra thuộc về Thạch Sanh.

Cướp công giết trăn tinh, dẫu sao Lý Thông cũng còn dành cho Thạch Sanh một con đường sống: “Thạch Sanh tưởng thật, vội vã xách rìu trở về túp lều xưa”; nhưng khi cướp công giết đại bàng cứu công chúa, Lý Thông liền manh tâm giết chết Thạch Sanh: “Sau khi kéo được công chúa lên rồi, Lý Thông bèn sai quân sĩ bê những tảng đá lớn lấp kín miệng hang nhốt Thạch Sanh ở dưới rồi tức tốc đưa nàng về cung”, định mượn tay đại bàng như từng mượn tay trăn tinh để giết Thạch Sanh và tiếp tục nói dối vua để cướp công Thạch Sanh lần thứ hai.

Rõ ràng lời nói-dối-cướp-công lần này của Lý Thông đã tanh mùi máu - đương nhiên không phải máu Thạch Sanh như tâm địa Lý Thông mong đợi mà là máu của đại bàng... Và loại người nói dối có “số má” như Lý Thông, mặc dầu được Thạch Sanh nhân hậu tha cho tội chết nhưng rốt cuộc vẫn bị sét đánh tan thây - tức vẫn bị dân gian nghiêm khắc trừng phạt, thậm chí đến tận ngày nay mà dân gian vẫn chưa thôi cảnh giác: Ở đây đất chật người đông/ Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều...    

Người nhà giàu trong truyện Cây tre trăm đốt cũng là một nhân vật cổ tích nói dối có “số má” khi ông ta nói dối để lừa anh Khoai: “Mày chịu khó ở với tao làm lụng cho thật giỏi, thức khuya dậy sớm siêng năng, rồi tao gả cô út cho mày”.

Ba năm sau người nhà giàu tiếp tục nói dối khi thấy anh Khoai phản ứng về việc ông ta sắp gả con gái út cho kẻ khác: “Ấy! Tao thấy rằng năm nay cô út cũng đã lớn rồi, cho cưới đi là vừa. Tao chuẩn bị đám cưới là chuẩn bị cho mày đấy chứ! Nhưng mày mà muốn cưới ngay thì mày phải làm cho tao cái việc này: mày chịu khó lên rừng tìm lấy một cây tre có một trăm đốt, gánh về đây để vót đũa dùng trong cỗ cưới, thì tao cho mày cưới cô út ngay”.

Lời nói dối trước của người nhà giàu nhen nhóm trong anh Khoai một niềm hy vọng, trong khi lời nói dối sau của ông ta tưởng như làm bùng cháy nhưng kỳ thực là đã thẳng tay dập tắt niềm hy vọng ấy, bởi anh Khoai tìm đâu ra trong rừng núi bạt ngàn kia một cây tre trăm đốt - mà dẫu có một cây tre độc đáo như vậy thì làm sao có thể gánh về làng...

Hai lần nghe nói dối thì cả hai lần anh Khoai đều tin là thật và chính sự thiệt thà cả tin ấy đã mang lại cho anh một công thức tháo - ráp có khả năng biến điều không thể thành có thể. Đốt tre trong rừng không thiếu, ngàn đốt cũng có chứ đừng nói trăm đốt, nhưng vấn đề là làm thế nào để khi thì thành một cây tre cao một trăm đốt và khi thì thành hai bó gánh trên vai - mỗi bó năm chục đốt.

Và bí quyết có sức mạnh làm hồi sinh niềm hy vọng tưởng đã tắt ngấm trong anh Khoai chính là hai câu thần chú “Khắc nhập” và “Khắc xuất”. Và hơn thế, hai câu thần chú về công thức tháo - ráp này còn góp phần chứng tỏ thiệt thà bao giờ cũng thắng dối gian!  

BÙI VĂN TIẾNG

(1) Các đoạn trích truyện cổ tích trong bài này đều dẫn từ nguồn: Lữ Huy Nguyên và Đặng Văn Lung (biên soạn), 100 truyện cổ tích Việt Nam, NXB Văn học, 2013.

;
;
.
.
.
.
.