Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục cho thấy sức nóng của mình khi cuốn sách mới “Cảm ơn người lớn” của ông vừa được NXB Trẻ ấn hành với số lượng 150.000 bản.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi tặng chữ ký bạn đọc ở Hà Nội. |
Trước hết nhà văn phải rung động với câu chữ của mình
Đây không phải là lần đầu tiên những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được in với số lượng lớn. Trước đó, tập truyện “Cây chuối non đi giày xanh” lần đầu đã in đến 170.000 bản. Còn tính đến thời điểm này, sau 10 năm phát hành, cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã cán mốc 400.000 bản in và đang được tiến hành dịch sang tiếng Nhật.
Điều đó cho thấy, Nguyễn Nhật Ánh là một cái tên ăn khách nhất trên thị trường sách hiện nay. Nếu nhìn vào bình diện chung của những đầu sách văn học thường chỉ lom dom ở mức 1.000 - 2.000 bản, thì con số 150.000, 170.000 bản in quả là rất ấn tượng.
Vậy đâu là bí quyết khiến những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trở nên ăn khách, dù thế hệ độc giả đã ít nhiều có sự đổi thay? Nhiều nhà văn cho rằng, rất khó cắt nghĩa được “hiện tượng” Nguyễn Nhật Ánh. Bởi sau hàng chục năm, nhiều lớp độc giả đã đi qua tuổi teen, nhưng không vì thế mà lượng độc giả mới thờ ơ với tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh.
Bằng chứng là mới đây, buổi giao lưu và tặng chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại Hà Nội vẫn rất đông độc giả đến xếp hàng chờ xin chữ ký, bất chấp thời tiết hôm đó rất bất lợi, trời mưa và rét buốt từ đêm hôm trước. Sự kiện diễn ra từ 8 giờ đến 12 giờ ngày 9-12, nhưng nhiều độc giả đã đến xếp hàng từ lúc 5 giờ, và chương trình ký tặng chỉ thực sự kết thúc vào lúc 13 giờ 30. Điều đó cũng cho thấy, vẫn còn rất nhiều bạn đọc yêu quý sách, đọc sách, chỉ có điều các nhà văn có khai thác đúng và trúng từng đối tượng hay không mà thôi.
Còn theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bí quyết để ông giữ được kỷ lục xuất bản là bởi ông biết cách nuôi dưỡng cảm xúc bản thân và chỉ viết khi có cảm xúc. Mặc dù là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng yếu tố cảm xúc với ông rất quan trọng. “Nếu mình viết mà không có cảm xúc với đề tài và nhân vật mình đang viết thì không thể nào viết hay được”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lý giải, đồng thời nhấn mạnh: “Cuốn sách trước khi làm cho người đọc rung động thì bản thân nhà văn phải rung động với những câu chữ mình viết. Điều này đúng không chỉ với việc viết văn, mà ngay cả khi phải làm báo cáo cơ quan hay viết một bài báo, một thiên phóng sự”.
Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng thừa nhận, đơn vị xuất bản cũng góp vai trò quan trọng trong việc này. Bởi hệ thống phát hành chuyên nghiệp, quan tâm đến tâm lý bạn đọc mà cuốn sách hướng đến là những “gia vị” cần thiết để thu hút nhiều bạn đọc hơn.
Không “ăn theo”
Có một điều ít người biết, tên cuốn sách “Cảm ơn người lớn” được tác giả đặt sau khi viết xong câu cuối cùng: “Có lẽ điều đáng kể nhất mà người lớn đóng góp cho cuộc đời chính là họ đã làm ra trẻ con một cách hồn nhiên!”. Trong tác phẩm mới này, có ít nhất 3/19 chương viết về người lớn, đó là Người lớn dễ thương, Người lớn kỳ dị, Người lớn hồn nhiên.
Đây cũng là cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh được NXB Trẻ phát hành bản tiếng Việt đồng thời tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có đông bà con người Việt sinh sống. Điều này mở ra cơ hội cho những xuất bản phẩm tiếng Việt nhanh chóng đến tay cộng đồng đọc sách tiếng Việt ở nước ngoài.
Một chi tiết cũng đáng quan tâm là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tiếp tục cho những nhân vật Mùi, Tủn, Tí Sún của “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” bước vào cuốn “Cảm ơn người lớn”. Bởi thế, ngay trên bìa 1 cuốn “Cảm ơn người lớn”, ông đã lặp lại thông điệp 10 năm trước ông từng dùng đề từ khi viết “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng từng là trẻ em”.
Lý giải điều này, Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, ông không phải cố tình viết tiếp cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. “Tự nhiên một lúc tôi có cảm giác mình có trải nghiệm cuộc sống nhiều, có những suy tư nghĩ ngợi về thời gian, cái chết, tiền bạc, tình yêu, hôn nhân, văn chương, sự ám ảnh tuổi thơ…
Vậy thì chọn nhân vật cu Mùi là thuận lợi nhất. Vì ngay trong cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, khi lớn lên, Mùi trở thành nhà văn. Cái suy tư của nhân vật khi lớn lên thành nhà văn thì khi nói ra những chiêm nghiệm nó có gì nhuần nhuyễn, hợp lý... Điều đó cho phép mình giãi bày được nhiều, gửi gắm được nhiều thông điệp. Chứ hoàn toàn không nghĩ rằng, ồ cuốn kia đã ra được đúng 10 năm, giờ mình viết một cuốn kỷ niệm”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nếu “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” có sự tách biệt thế giới trẻ con và thế giới người lớn. Trong cuốn đó, thông điệp gửi gắm là người lớn phải thông cảm, bao dung hơn với trẻ con, bởi lúc trẻ con mình cũng nghịch ngợm, cũng làm những chuyện “điên điên” như trẻ con vậy; thì cuốn “Cảm ơn người lớn” tác giả có bổ sung thêm ý: ngược lại trẻ con đôi lúc cũng phải thông cảm cho người lớn vì người lớn có những nỗi niềm, có những gánh nặng.
Bài và ảnh: MAI HOÀNG