Cá tính Quảng gồm những gì? Người ta nghĩ ngay đến chuyện “cãi”. Và, tất nhiên không chỉ có thế. Nhóm biên soạn tập sách Cá tính Quảng kể ra: Cãi, Ngông, Hề, Chơi và Làm.
Lại dè dặt đặt câu hỏi: Ri mà là cá tính Quảng ư? trong lời nói đầu. Như là sắp bắt đầu cãi vậy. Chia làm 5 cá tính nhưng có vẻ như khó mà tách bạch rạch ròi.
Những cá tính Quảng ăn sâu vào suy nghĩ mỗi người như Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ông Ích Khiêm, rồi những Tú Quỳ, Thủ Thiệm, gần đây là Phan Khôi… có lẽ ít nhiều “làm khó” những người làm sách.
Bìa sách Cá tính Quảng. |
Nhân vật đương thời được chọn, theo các tác giả, với tinh thần bình đẳng và dân chủ, “mỗi nhân vật có những đóng góp, những gợi hứng đáng trân quý, các tác gia dựa vào đó để viết về họ, chứ không có ý phân “chiếu trên, chiếu dưới” vì thế có những nhân vật “lạ” xuất hiện trong tập sách bên cạnh những tên tuổi “quen thuộc” và tất nhiên không thể nào đủ mặt “anh hào” hết được!
Chữ Nôm đã dùng chữ hoán của chữ Nho để đọc là cãi. “Cãi chính là nền tảng đầu tiên của việc thiết lập bình đẳng theo hàng ngang, tức là không phải tôn ti trật tự kiểu chiếu trên chiếu dưới theo hàng dọc của triều đình phong kiến, gia trưởng. Vượt qua đèo Hải Vân, cách biệt triều đình, người Quảng lại sống nơi biên ải, không cãi mới lạ” (trang 8).
Đó là họa sĩ Lê Kinh Tài “vẽ như cãi lộn với chính mình”. Dù đã rất nổi tiếng, tranh xuất hiện nhiều nơi trên thế giới nhưng do cách tiếp cận với hội họa “không giống ai” nên “nhiều người vẫn chưa cho rằng Lê Kinh Tài biết vẽ tranh”(?).
Đó là người được học hành bài bản nhưng khi vẽ lại dùng cái “tâm hài nhi” để dược tự nhiên và tự do nhất… vì thế anh vẽ như “cãi lộn với đời, với mình”. Nguyễn Nhật Ánh là trường hợp lạ nhất trong văn học Việt, với sức viết đáng nể, cuốn sách nào của ông ra đời cũng thành hiện tượng và bán rất chạy. Được ví như J.K. Rowling của Việt Nam. Lý giải về trường hợp này, là do nhà văn đã trở thành… “thầy cãi của tuổi mới lớn”.
Là người “dệt mộng” cho những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày, “là người cung cấp món ăn tinh thần bổ ích cho các bạn nhỏ tuổi sống xa thôn quê, đồng nội, đưa các em và thế giới kỳ diệu của chữ nghĩa và sự tưởng tượng” (Mai Sơn).
Có một ông lão “lui cui mươi hai mươi năm” chỉ để … chơi thôi, thấy ngứa thì gãi, thấy nghịch nhĩ thì phải sửa, phải nói… Đó là ông: Lai Quảng Nam! Ông nói về Bài chòi: Trong bộ Bài Tới (dùng để chơi Bài chòi) mọi con bài đều có giá trị bình đẳng, ngang hàng, không hề có giá trị lớn nhỏ…
Vì vậy, bài chòi Thuận Quảng là một thứ bài mà không có “bạc”, nghĩa là không nhằm sát phạt ăn thua, gây đau khổ cho chính người chơi và gia đình họ, cách chơi chính là “tới”, dựa trên hên xui, may rủi, và chỉ để giải trí” (trang 21). Về Bùi Văn Nam Sơn: làm việc cật lực, dịch, viết, hiệu đính, giới thiệu, nói chuyện, giảng dạy.
Nhưng qua công việc, lại là tính “hay cãi”. Để “cãi” lại quan điểm tiếng Việt không thể dịch hoặc diễn đạt được triết học phương Tây ông đã âm thầm sáng tạo, kiện toàn, chỉnh lý để tiếng Việt có thể diễn đạt sáng sủa, tường minh các thuật ngữ, các khái niệm đặc thù của triết học phương Tây. Nhờ đó mà nhiều công trình đồ sộ đã đưa đến với người đọc Việt Nam qua các bản dịch của ông.
Nhiều người cảm thấy lạ lẫm khi nhìn ngoại hình “không giống ai” như chàng cao bồi không tuổi của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, một người làm tượng từ bắc tới nam, đôi khi xuất phát từ những ý tưởng “không giống ai” của ông mà cầu Rồng là một minh chứng rõ ràng nhất.
Kẻ chơi ngông “bất bại” Đàm Vĩnh Hưng khá rõ với công chúng, người một thời đi tặng đĩa dạo cho quán cà-phê rồi hát nhạc xưa theo kiểu “giang hồ”… Một ca sĩ, có lần “say” trước khi hát cho hưng phấn, giữ đời tư kín như bưng, là người của công chúng nhưng không thích ra khỏi nhà, tự nhận mình “vô duyên thấy ớn”, như Mỹ Tâm mà không… chướng thì gọi bằng gì?
Đã quen thuộc hình ảnh một Ánh Tuyết áo dài chấm gót, tóc thề quá vai, duyên dáng thướt tha, nền nã thổn thức những bài tình ca lãng mạn của thời tiền chiến, nhưng lại còn có một Ánh Tuyết khác ngoài đời. Là Ánh Tuyết có biệt tài “nói lái thôi rồi”…
Tất thảy làm nên một Ánh Tuyết lạc quan và yêu đời. Cũng như từng quen thuộc với cái cười của Hoài Linh, ít ai nghĩ rằng Hoài Linh luôn đau đáu quan niệm nghệ thuật “đi tìm cái buồn để làm vơi đi cái bi”. Là “Người đàn bà ngồi đan” Ý Nhi, nhà thơ sang trọng, lịch lãm, lại là một người có lúc tuyên bố tự… chán mình! Thực ra đó là cách nói của một người đã trải mọi lẽ ở đời, tự chọn một thái độ sống thoát ra mọi bộn bề của cuộc sống.
Là con người tài hoa với thơ và “những chuyện tình để đời” như những giai thoại của nhà thơ Phan Vũ – Em ơi, Hà Nội phố. Một Lê Cát Trọng Lý, viết và hát nhạc “không giống ai”. Là Trần Anh Hùng nổi đình nổi đám qua các phim Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiếu thẳng đứng, Xích lô, Rừng Na Uy…
Một vài gương mặt gần gũi dễ nhận ra thể hiện sự “dân chủ” của nhóm biên soạn chọn nhân vật. Đó là cô gái có thi là có giải như cô gái huy chương vàng môn đi bộ Nguyễn Thanh Phúc. Như người lặng lẽ cả đời với đôi gánh nước trên vai: Cụ
Đường - giếng Bá Lễ Hội An. Hay nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được - người giữ lửa cho làng gốm Thanh Hà những mấy thế kỷ. Sự xuất hiện của nhân vật “VIP của làng” trong tập sách thật thú vị. Đó là anh chàng “Nhi khùng”, người có hai cái thú trong đời: đi bắt gỗ lậu và đi dự… đám tang! Đến nỗi bọn lâm tặc cứ thấy anh là hoảng và đám tang nào thiếu “Nhi khùng” là cảm thấy “thiếu thiếu” một cái gì… Với “nghề” đi bộ dăm ba chục cây số là “chuyện nhỏ” và trí nhớ tuyệt vời Nhi khùng tô điểm thêm cho đời sống một góc khác, thật đặc biệt…
Cá tính Quảng là tập sách ra đời từ tâm huyết của một cô gái Quảng Nam mới 28 tuổi - Mỹ Nguyễn, nằm trong tủ sách Nét Quảng. Cá tính Quảng là câu chuyện dài, khó có thể nói hết (và có lẽ không bao giờ nói hết được) trong một tập sách. Mọi thứ dường như đang mở ra một câu chuyện để mọi người cùng tham gia, những người yêu mến và quan tâm đến xứ Quảng.
Lê Trâm
(*) Đọc Cá tính Quảng, nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng 2018.