ĐNO - Sáng 20-1, UBND thành phố tổ chức lễ đón nhận bằng di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn tại khu vực ngọn Thủy Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).
Đến dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, đại diện các sở, ban, ngành và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao bằng di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn cho Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia từ năm 1980. Gần 40 năm qua, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng ra sức gìn giữ và nâng cấp danh thắng Ngũ Hành Sơn với tất cả niềm tự hào trước một báu vật thiên nhiên hào phóng ban tặng và với niềm trân quý giá trị văn hóa-lịch sử ông cha đã dày công gầy dựng, trao truyền cho đời sau.
Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24-12-2018 xếp hạng danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Chính phủ đối với đóng góp đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
“Đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn hôm nay, người dân Đà Nẵng càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và nâng cấp danh thắng này”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cam kết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết mình với trọng trách bảo tồn và phát huy di tích. Theo đó, các giá trị văn hóa và lịch sử liên quan đến danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tổ chức nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp, có hệ thống nhằm làm tiền đề giáo dục, quảng bá hình ảnh di tích Ngũ Hành Sơn sâu rộng hơn.
Việc trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa-lịch sử cũng như những dự án phát triển kinh tế, khuếch trương du lịch trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tiến hành nghiêm túc và đúng luật định. Lãnh đạo thành phố giao Sở Văn hóa-Thể thao chủ trì, phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn cùng các cơ quan hữu quan sớm tham mưu UBND thành phố lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn gắn với phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, trình Thủ tướng phê duyệt theo đúng Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ.
Sở Văn hóa-Thể thao cần hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, tham mưu xây dựng các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn; tổ chức kiểm tra, giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt các di tích lịch sử-văn hóa, di chỉ khảo cổ, di vật, cổ vật và cảnh quan môi trường.
Sở Du lịch xây dựng phương án khai thác du lịch-văn hóa theo hướng kết nối danh thắng Ngũ Hành Sơn với các danh thắng khác của Đà Nẵng và của các tỉnh lân cận, để di tích quốc gia đặc biệt này trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng đông khách tham quan.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của dân tộc. Thời gian tới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tập trung một số nhiệm vụ trọng điểm gồm triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội của thành phố để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nội dung quy hoạch cần làm rõ những định hướng bảo tồn như: tiến hành tu bổ, tôn tạo các yếu tố gốc và di sản văn hóa phi vật thể liên quan; xây dựng không gian trưng bày sản phẩm làng nghề đá Non Nước gắn với không gian công viên lịch sử-văn hóa Ngũ Hành Sơn.
Hai là xây dựng phương án khai thác du lịch-văn hóa kết nối điểm di tích, danh lam thắng cảnh đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan.
Ba là đổi mới công tác giới thiệu, tuyên truyền về giá trị di tích, danh lam thắng cảnh bằng những hình thức phù hợp; qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trong cộng đồng.
Bốn là kiện toàn bộ máy quản lý di tích, danh lam thắng cảnh phù hợp với những quy định của pháp luật về phân cấp quản lý di tích, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương trong điều kiện hiện nay.
Tại buổi lễ, các đại biểu thực hiện nghi thức cắm mốc di tích tại khu vực bảo vệ 1 của khu di tích cấp quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Ứng xử với di sản, di tích của Đà Nẵng đáng được ghi nhận Đà Nẵng liên tiếp gặt hái “quả ngọt” trên lĩnh vực bảo tồn di tích, di sản. Có thể nói, trước hết, tự thân di tích đã có giá trị, nhưng điều tôi muốn nói là cách ứng xử, giải pháp của lãnh đạo thành phố, sự hưởng ứng của nhân dân cũng như sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, văn hóa của địa phương đã tạo nên hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy di tích. Đối với người Việt Nam, bất kỳ một dòng sông, ngọn núi nào cũng linh thiêng cả vì đó là quê hương, nguồn sống và chứa đựng yếu tố tâm linh. Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn có các yếu tố đó và sẽ tiếp tục là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách. Tôi cho rằng, những ứng xử của Đà Nẵng thời gian qua là tín hiệu tích cực, làm cho di sản đi vào đời sống, phát triển du lịch bền vững dựa trên di sản văn hóa. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích Việc di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận di tích quốc gia đặc biệt được xem như “lá chắn” để bảo vệ di tích khỏi sự xâm hại. Ngành văn hóa sẽ làm việc lại với quận Ngũ Hành Sơn để từng bước khắc phục những yếu tố bị xâm hại, bảo đảm sự hài hòa với cảnh quan di tích; đồng thời tích cực tham mưu UBND thành phố về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn: Tăng cường quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của danh thắng Năm 2018, danh thắng Ngũ Hành Sơn đón 1,946 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó khách nước ngoài khoảng 1,150 triệu lượt; tổng thu ngân sách khoảng 82 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch. Thời gian tới, Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ chú trọng quản lý, nâng cao ý thức của cán bộ, người dân, các cơ sở tôn giáo trong khu di tích để chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại di tích; tăng cường vai trò của tổ hướng dẫn du khách trong giới thiệu văn hóa, lịch sử, giá trị của khu di tích. |
NGỌC HÀ