Tháng Giêng - tháng của lễ hội, cũng là thời điểm các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát tuồng, hát bài chòi có cơ hội tìm lại ánh hào quang...
Với một bộ phận người dân Đà Nẵng, bài chòi không thể thiếu trong dịp lễ, hội. TRONG ẢNH: Cụ bà Kiều Thị Hoa (94 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) tham gia bài chòi tại Công viên 29-3. |
Tối mồng 4 tháng Giêng, không gian bài chòi của CLB Bài chòi Sông Yên tại Công viên 29-3 thu hút khá đông người chơi. Từ cụ già, thanh niên đến trẻ nhỏ với những thẻ bài trên tay say sưa theo lời hô dí dỏm của anh hiệu. Cụ Kiều Thị Hoa (94 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) còn khá minh mẫn, từ ngày khai hội bài chòi tại Công viên 29-3 bà không bỏ sót đêm nào.
“Bài chòi gắn với ký ức tuổi thơ, với những ngày hội của làng, đặc biệt ngày Tết nhất định phải có bài chòi. Nay già yếu rồi, không đi chơi bài chòi được, tôi đành bảo con cháu mở trên mạng để xem cho đỡ nhớ. Chỉ có dịp Tết này tụi nó rảnh rỗi, thời tiết lại tốt nên mới đưa tôi đến hội bài chòi”, bà Hoa chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế (CLB Bài chòi Sông Yên) cho biết, lịch diễn của CLB trong và sau Tết khá dày. Từ mồng 1 Tết đến mồng 6 tháng Giêng, CLB tập trung biểu diễn ở Công viên 29-3; từ mồng 2 đến mồng 5, CLB phải chia lực lượng diễn ở UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ). Sau đó, mồng 9, mồng 10, CLB biểu diễn phục vụ lễ hội đình làng Túy Loan và các lễ hội ở nhiều địa phương khác...
Theo nghệ nhân này, vào những năm 90 của thế kỷ 20, bài chòi khá phổ biến trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nhiều đội bài chòi được thành lập. Theo thời gian, các loại hình giải trí khác ra đời khiến bài chòi bị thu hẹp không gian biểu diễn. Tuy nhiên, Tết đến xuân về, chẳng tiện nghi nào giữ chân được khán giả ở nhà và khi đó, bài chòi lại có “đất sống”. Chơi bài chòi ngày đầu năm có ý nghĩa khá đặc biệt, không chỉ trải nghiệm không gian diễn xướng dân gian, vui cười thoải mái trong từng lời ca, tiếng hát mà còn cầu mong sự may mắn.
Cùng với bài chòi, hát tuồng được người dân đón nhận nồng nhiệt. Không giấu được niềm vui, diễn viên lâu năm của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Thái Văn Nga nói, Tết năm nào cũng vậy, các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát phải giao phó việc chuẩn bị Tết cho “hậu phương”, những người ở xa nhiều năm liền chưa có Tết đoàn viên bởi những ngày cận Tết, kể cả đêm giao thừa hay sáng mồng 1 và những ngày sau đó đều phải đi diễn.
“Vất vả là thật, nhưng được áo mão, mặt nạ đỏ vàng trên sân khấu, cất lời ca, vũ đạo tuồng, phía dưới khán giả ngồi xem cùng những tràng pháo tay thì còn hạnh phúc nào bằng. Tết Nguyên đán và mùa lễ hội là cơ hội chúng tôi thật sự tìm thấy ánh hào quang của nghề”, diễn viên Thái Văn Nga tâm sự.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết thêm, ngoài biểu diễn chương trình tạp kỹ (hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trích đoạn tuồng) phục vụ người dân tại Công viên 29-3, nhà hát còn sáng đèn liên tục trong 3 ngày 9, 10 và 11-2 (mồng 5, 6 và 7 tháng Giêng), biểu diễn trọn vở Lưu Kim Đính, Ngọn lửa Hồng Sơn, Rực lửa hoàng cung. Từ mồng 8 đến gần hết tháng Giêng, đoàn tuồng của nhà hát tiếp tục biểu diễn phục vụ bà con các vùng ven như: phường Nại Hiên Đông, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), làng Túy Loan (huyện Hòa Vang), các địa phương lân cận như Quế Sơn (Quảng Nam)...
Để chuẩn bị diễn trong và sau Tết, cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên luôn trong tinh thần “không Tết”, tập trung rèn luyện và nghỉ bù thời gian sau đó. “Thực ra không hẳn công chúng hoàn toàn “quay lưng” với nghệ thuật truyền thống. Dẫn chứng là những đêm diễn vừa qua, một bộ phận người dân vẫn đến xem tuồng. Vấn đề là làm sao để đào tạo lớp khán giả trẻ biết và yêu tuồng. Ngoài nỗ lực mang tuồng vào học đường, đưa tuồng xuống phố, chúng tôi đã đề xuất tăng thêm các buổi về địa phương phục vụ người dân”, ông Tuấn nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ