Phát triển thói quen đọc sách

.

Nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành Giáo dục thành phố đã chú trọng nhiều giải pháp nâng cao văn hóa đọc sách cho các đối tượng, nhất là học sinh. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhằm phát triển thói quen đọc sách trở thành nhu cầu thường ngày của mỗi người để trau dồi kiến thức, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cuộc sống.

Chương trình cà-phê sách của Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn) được tổ chức vào sáng thứ bảy hằng tuần đã thu hút được rất nhiều các em học sinh và phụ huynh tham gia.
Chương trình cà-phê sách của Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn) được tổ chức vào sáng thứ bảy hằng tuần đã thu hút được rất nhiều các em học sinh và phụ huynh tham gia.

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, việc triển khai những mô hình đọc sách luôn được các trường học trên địa bàn thành phố chú trọng, quan tâm đầu tư, đổi mới với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT) cho biết, qua 3 năm phát động chương trình “Mở cổng trường học, thư viện, tủ sách mở” để học sinh, nhân dân vùng lân cận đến vui chơi, đọc sách, tập luyện thể dục thể thao…, các trường học trên địa bàn thành phố đã tiến hành thiết kế, đầu tư, trang bị các tủ sách, kệ sách không có ổ khóa ở sân trường, hành lang, khu vui chơi, bảo đảm tính thẩm mỹ, dễ tiếp cận và lấy sách, báo đọc. Các “Tủ sách mở” cũng được bố trí theo chủ đề, chuyên ngành… thuận lợi cho việc tìm đọc.

Tại Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn), ngay sau khi ngành Giáo dục triển khai đề án “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố”, việc xây dựng văn hóa đọc cho học sinh đã được nhà trường triển khai thông qua việc giới thiệu sách trong Thư viện và trong chương trình cà-phê sách do Đoàn Thanh niên của nhà trường tổ chức vào sáng thứ bảy hằng tuần tại chính khuôn viên trong trường. Đồng thời, các thầy, cô giáo của nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền về vai trò của sách trong cuộc sống; huy động học sinh quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học với phương châm “Góp một quyển sách để được đọc nhiều quyển sách”.

Cô giáo Vệ Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Hồng Thái cho biết: “Hiện nay, công tác xây dựng văn hóa đọc được nhà trường được triển khai một cách tích cực và sâu rộng tới toàn thể học sinh. Nhà trường còn tổ chức “Tiết đọc thư viện” cho từng lớp dưới sự hướng dẫn, giới thiệu về sách của các thầy, cô giáo và cán bộ thư viện đến các em học sinh”.

Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) cũng có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích để khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh. Bên cạnh thực hiện quản lý việc đọc hằng ngày và vào giờ ra chơi cho từng lớp, nhà trường còn tổ chức trưng bày, giới thiệu về sách, thi thuyết trình về sách giữa các lớp, khối vào dịp Ngày Sách Việt Nam (21-4). Mùa hè, nhà trường tổ chức thường xuyên chương trình cà-phê sách cho các em học sinh và người dân.

Ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, cùng với đa dạng các đầu sách, việc tạo không gian mở, thân thiện tại các thư viện trường học rất cần thiết. Một không gian đọc sách thoải mái chắc chắn sẽ khơi dậy, kích thích nhu cầu đọc ở mỗi học sinh. Ở các trường có mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện đều có phong trào đọc sách đạt kết quả. Để làm được việc này, thời gian qua, ngoài các lớp tập huấn của Sở, Phòng GD&ĐT quận Ngũ Hành Sơn đã mời Th.S Nguyễn Tấn Thanh Trúc từ Thư viện Khoa học Thông tin, Đại học Simmons Boston, Massachusetts của Mỹ tập huấn cho cán bộ  quản lý cách thức tổ chức “Tiết đọc thư viện” ở trường học. Sau một thời gian triển khai chương trình “Tiết đọc thư viện”, các em học sinh có thêm trải nghiệm mới, được khám phá các thể loại sách khác nhau. đồng thời, giúp thầy trò hiểu nhau hơn về sở thích, thói quen đọc và giáo viên định hướng, tư vấn cho các học sinh còn ngần ngại đọc hay từ chối đọc các thể loại khó.

Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, thực hiện đề án “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố”, đến nay, các cơ sở giáo dục đều lập kế hoạch xây dựng thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến; bổ sung và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, sách, tài liệu,… đáp ứng tốt hoạt động của thư viện theo yêu cầu chuẩn hoá nhà trường. Hiện tại, cấp tiểu học có  92/100 thư viện đạt chuẩn, 32 thư viện tiên tiến; cấp THCS có 55/62 thư viện đạt chuẩn, 29 thư viện tiên tiến; cấp THPT có 13/28 thư viện đạt chuẩn, 5 thư viện tiên tiến. Đặc biệt, 100% trường học đều xây dựng thư viện mở, tủ sách mở tại sân trường, lớp học nhằm bảo đảm cho 100% học sinh tham gia đọc sách tại thư viện và tại các tủ sách mở.

Ngành Giáo dục thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các bậc phụ huynh, ủng hộ sách, tủ, kệ, ghế đá... để xây dựng không gian đọc sách ở sân trường, phát triển thói quen đọc sách trở thành nét đẹp văn hóa trong nhà trường.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.